×

Iklan

Chùa Tháp Linh điểm tựa cho du khách trong lễ hội văn hóa tâm linh Gò Tháp

Thiện Thảo - 14.12.24 Last Updated 2024-12-15T02:55:29Z
    CHIA SẺ


PGĐT - Lễ hội Gò Tháp là một lễ hội lớn và quy mô nhất của người dân vùng Đồng Tháp Mười. Lễ hội được tổ chức mỗi năm hai lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch hàng năm.

Khu di tích Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Quần thể di tích Gò Tháp gồm 5 di tích tiêu biểu: Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, mộ và đền thợ cụ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ.




Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 3 là lễ hội tưởng niệm bà Chúa Xứ, tương truyền là người có công lao trong việc khai phá, tạo dựng và phát triển vùng này, từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 11 là lễ hội tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), những thủ lĩnh nghĩa quân đã kiên cường chống thực dân Pháp đến xâm lược vào nửa cuối thế kỷ 19.


Đến với lễ hội Gò Tháp là bước vào hoạt động văn hóa tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau: giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hóa, giữa cái thiêng liêng và cái đời thường, giữa cổ xưa và đương đại... Lễ hội Gò Tháp mang tính chất dân gian và in đậm dấu ấn một thời mở cõi, phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười.


Cách Gò Tháp Mười 100m về phía Bắc là chùa cổ Tháp Linh, tương truyền rằng đã có từ đời Thiệu Trị (1841-1847), xa xưa là ngôi tháp thờ các vị thần của Hindu giáo. Sau một thời gian hoang phế bởi chiến tranh loạn lạc, ngày nay ngôi chùa cổ nầy đã được trùng tu lại. Tháp Linh Cổ Tự trông hoành tráng uy nghi với kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của các đình chùa Việt Nam qua những tượng Phật, và các hoa văn, họa tiết trang trí...


Trong chùa có trên 20 tượng Phật lớn nhỏ, có tượng cũ như Phật Thích Ca, vài pho tượng bồ tát thuộc niên đại gần đây như Quan Thế Âm bồ tát, đức Phật A Di Đà, Địa Tạng Vương bồ tát, thần hộ pháp và các bàn thờ tổ, các vị trụ trì đã khai sinh ra ngôi chùa

Với những cộng hưởng đó, Tháp Linh cổ tự trở thành một phần của lễ hội Gò Tháp, dù đây là ngôi chùa Phật giáo.

Năm nay, nối tiếp truyền thống trong nhiều năm, Tháp Linh cổ tự vẫn là điểm tựa cho du khách thập phương khi trở về tham dự lễ hội, tại đây bà con đã được nhà chùa hỗ trợ các bữa ăn và khu vực lưu trú để nghỉ lại qua đêm.

Những ngày trước đó, nhà chùa đã chủ động liên hệ các đơn vị cá nhân cung ứng các nguồn thực phẩm tươi, sạch với hàng chục tấn rau, củ, quả...cùng với đội ngũ phục vụ và đầu bếp lên đến cả trăm người. 

Hoà chung vào đó, Tháp Linh cổ tự đã góp một phần không nhỏ để các lễ hội văn hoá của quê hương được bảo tồn, cũng là một bày tỏ sự nhớ ơn với các bậc sĩ phu yêu nước.

Theo quan sát của chúng tôi, trong buổi sáng của ngày đầu tiên lễ hỗi, bà con đã đến viếng chùa, thắp hương đảnh lễ lên đến con số ngàn người, và có những vần thơ đã ví:

"Ai về Gò Tháp dâng hoa 
Nhớ về lễ Phật tại chùa Tháp Linh
Đạo đời thắm đượm nghĩa tình 
Lòng dân ý pháp rộn ca tiếng lòng"

hoặc 

Ai về nhớ ghé Tháp Linh
Dâng hương lễ Phật đạo tình biết bao

hay 

"Ai ơi có đến Tháp Gò 
Phải về Linh Tháp thắp vài nén nhang"


Theo sự chia sẻ của TT. Thích Minh Sơn – Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, trụ trì chùa Tháp Linh cho biết: "Lễ hội Gò Tháp năm nay, ngoài việc chuẩn bị các khu vực ngủ nghỉ, tuần tra kiểm soát của ban bảo vệ, khâu ẩm thực cũng được chùa rất trú trọng. Nhằm để cung cấp đủ thực phẩm khi bà con khắp nơi đến thăm viếng, lễ Phật cũng như tham quan khu di tích. Chùa đã chuẩn bị hơn 01 tấn gạo và 10 tấn rau củ để cung cấp cho 02 ngày lễ".

TT. Thích Minh Sơn – Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, trụ trì chùa Tháp Linh, một nơi hỗ trợ tích cực cho bà con đến dự lễ Gò Tháp

Một số hình ảnh ghi nhận tại Gò Tháp - chùa Tháp Linh: