×

Iklan

Hòa thượng Như Liễn - Phổ Lý (1868 - 1948), vị pháp tử nhập thế của Thiền sư Hải Huệ

TT-TT - 29.3.24 Last Updated 2024-04-03T12:22:54Z
    CHIA SẺ
Theo:  Đồng Tháp Nhân Vật Chí 

Di ảnh Hòa thượng Như Liễn - Phổ Lý (1868 - 1948) đang được tôn thờ tại chùa Bửu Lâm - Ảnh: Thiện Đức

Thiền sư Hải Huệ có nhiều đệ tử nổi danh như: Như Thập-Chánh Trí,  Như Giới-Châu Viên, Như Khả-Chơn Truyền, Như Ngọc-Viên Thông, Như Trí-Huệ Nhẩn (1858-1913), Như Định- Quảng Huệ, Như Hồng-Quốc Ân, Như Minh-Hoằng Quang, Như Linh-Hoằng Đức,  Như Liễn-Phổ Lý...

Hình ảnh bảo tháp của Hòa thượng Như Liễn - Phổ Lý trong khuôn viên chùa Bửu Lâm, bên dưới khu tháp có một địa đạo hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ - Ảnh: Thiện Đức

Bài vị của Hòa thượng được an trí tại tổ đường chùa Bửu Lâm - Ảnh: Thiện Đức


Hoà thượng Như Liễn-Phổ Lý (1868-1948), được chọn làm trụ trì chùa Bửu Lâm sau khi Thiền sư Hải Huệ viên tịch. Thế danh của Hòa thượng Phổ Lý là Nguyễn Văn Tròn, người làng Bình Hàng Trung, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, sanh năm Mậu Thìn (1868), xuất gia thọ giáo với Thiền sư Hải Huệ tại chùa Bửu Lâm từ thuở nhỏ. Ngoài học Phật, sư Phổ Lý còn được Thiền sư Hải Huệ truyền dạy võ nghệ. Dù không phải là trưởng tử, nhưng do có đạo hạnh cao và năng lực uyên bác nên sư Phổ Lý được chọn ủy thác kế thế trụ trì chùa Tổ. Dáng dấp ngôi chùa còn đến ngày nay là phần công lao xây dựng của hòa thượng Phổ Lý.


Ngoài việc hoằng hóa, đào tạo đệ tử, Hòa thượng còn quan tâm đến sự thịnh suy, phát triển của Phật giáo ở Nam Kỳ. Phật giáo Nam Kỳ ở vào hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX lâm vào tình trạng “Phật pháp suy đồi, tăng đồ thất học và không đoàn kết”. Nên Hòa thượng Như Trí - Khánh Hòa, chùa Tuyên Linh (Bến Tre), người mở đầu phong trào chấn hưng Phật giáo chủ trương phải thực hành ba việc lớn là chỉnh đốn tăng già, kiến lập học Phật đường và diễn dịch, xuất bản kinh sách bằng chữ Việt.


Bài vị của Hòa thượng được an trí tại tổ đường chùa Bửu Lâm - Ảnh: Thiện Đức


Bài vị: 詞 臨 濟 正 宗 三 十 九 世 諱 如 聯 上 普 下 理 和 尚覺 靈 座 位 
Phiên âm: Từ Lâm Tế Chánh Tông tam thập cửu thế huý Như Liễn thượng Phổ hạ Lý hoà thượng giác linh toạ vị. 
Dịch nghĩa: Giác linh hoà thượng Phổ Lý, huý Như Liễn nối truyền pháp Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39

(Chú giải: Thiện Đức)


Hòa thượng Phổ Lý đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong phong trào bên cạnh Hòa thượng Khánh Hòa, giáo thọ Thiện Chiếu. Năm 1929, trong khi Hòa thượng Khánh Hòa đích thân đi vận động hầu hết các chùa lớn ở Nam Kỳ tham gia phong trào, thì Hòa thượng Phổ Lý theo phái đoàn do giáo thọ Thiện Chiếu hướng dẫn ra miền Trung và miền Bắc vận động. Để cho phong trào chấn hưng Phật giáo hoạt động có hiệu quả, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học được thành lập nhằm tập hợp các tăng sĩ tha thiết với tiền đồ Phật giáo nước nhà; Hòa thượng Phổ Lý là một trong các vị hăng hái tham gia đầu tiên.


Chùa Bửu Lâm được khai sơn bởi một thiền sư của phái thiền Trúc Lâm-Yên Tử, một tông phái Phật giáo chủ trương nhập thế, xem việc gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc là chuẩn mực của Phật pháp, được hình thành trong thời nhà Lý và phát triển mạnh dưới thời nhà Trần. Truyền thống tốt đẹp này lại được phát triển mạnh dưới thời Hòa thượng Phổ Lý trụ trì chùa và mãi về sau này.


Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do ảnh hưởng phong trào quần chúng ngày một lên cao, nhứt là phong trào tự võ trang; Hòa thượng Phổ Lý qui tụ một vài võ sĩ vốn là học trò của Thiền sư Hải Huệ và Phòng Biểu ngày trước là các ông Lê Văn Dánh, Lê Văn Mai, Lê Văn Hộ, rồi tập trung một số thanh niên tin cậy kéo vào Sình Lớn, trên đất hội đồng Tường, thuộc làng Mỹ Thành (nay là xã Tân Hội Trung) đắp nền cất chòi làm nơi dạy võ chờ thời cơ tham gia khởi nghĩa. Hoạt động này được ngụy trang dưới hình thức nông dân vào thuê đất của hội đồng Tường làm ruộng. Các võ sĩ này còn làm ruộng giúp chùa.


Mờ sáng ngày 25-8-1945, hàng ngàn đồng bào trang bị đủ mọi thứ võ khí, từ các nơi rầm rập kéo về quận lỵ Cao Lãnh tham gia giành chánh quyền; trong đó có một bộ phận quần chúng xuất phát từ chùa Bửu Lâm, do hòa thượng Phổ Lý tập hợp bằng cách đánh trống, đánh chuông. Từ đây, hòa thượng thường cho đánh chuông trống để kích thích cổ vũ quần chúng và tập hợp quần chúng khi cần thiết.


Để tham gia cuộc mết-tinh và biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng được tổ chức vào hai giờ chiều cùng ngày tại sân vận động Cao Lãnh, Hòa thượng Phổ Lý  cho đánh chuông trống tập hợp Phật tử và đồng bào quanh vùng. Trước khi xuất phát, Hòa thượng đứng lên phát biểu về đạo pháp và dân tộc, về tu hành và yêu nước để động viên quần chúng; khi nói, Hòa thượng xúc động đến rơi nước mắt. Lúc bấy giờ dù đã 77 tuổi, nhưng Hòa thượng vẫn hăng hái cùng đồng bào đi bộ về Cao Lãnh; có lúc mệt quá, cụ ngồi bệt xuống vệ đường nghỉ, rồi lại đi tiếp không chịu để cho ai dìu. Tại buổi lễ, Hòa thượng được thay mặt giới Phật giáo địa phương phát biểu cảm tưởng của tăng ni đồng bào Phật tử về sự thành công của cuộc cách mạng và kêu gọi đồng bào trong giới đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân vừa đạt được.


Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, chùa Bửu Lâm là nơi đóng các cơ quan của Nam Bộ (báo Tinh Tấn của Hội Phật giáo Cứu Quốc Nam Bộ) và một số bộ phận của Khu VII (sau là Liên phân Khu Miền Đông). Hòa thượng Phổ Lý viên tịch vào đầu năm 1948.