×

Iklan

Tp. Cao Lãnh: Lễ truyền Tam quy ngũ giới cho hơn 40 quý thiện nam-tín nữ tại Đạo tràng chùa Hòa Long

TT-TT - 4.9.23 Last Updated 2023-09-03T22:39:34Z
    CHIA SẺ

PGĐT-Chiều ngày 19 tháng 7 năm Quý Mão (nhằm 3/9/2023), Đạo tràng chùa Hòa Long, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ truyền Tam quy ngũ giới cho hơn 40 quý thiện nam – tín nữ.

Buổi truyền giới do HT. Thích Chơn Minh, UV HĐTS, trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, trụ trì chùa Hòa Long làm Thầy Bổn sư.

Trong buổi truyền giới Hòa thượng đã giảng về ý nghĩa và lợi ích của việc quy y tam bảo, Hòa thượng cũng chia sẻ: Muốn trở thành người phật tử chính thức của Phật giáo, điều đầu tiên chúng ta phải tiếp thọ lễ Quy Y Tam Bảo.

Quy là trở về, Y là nương tựa. Tam Bảo là ba ngôi quý giá: Phật, Pháp và Tăng. Quy y tam bảo là trở về nương tựa Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Phật là bậc toàn giác, là vị đã viên mãn hai phần tự lợi và lợi tha. Phật không dành chỉ riêng cho Đức Phật Thích Ca, vị đã sống cách đây hơn 25 thế kỷ tại đất nước Ấn Độ, mà chỉ chung cho những vị đã hoàn toàn đoạn tận mọi tham ái, sân hận và si mê; đã thành tựu mọi công hạnh, hoàn thiện về từ bi và trí tuệ. Tâm hồn các ngài thuần tịnh, trong sáng, không bị ô nhiễm bởi bất kỳ niệm tâm xấu ác nào.

Pháp có nhiều nghĩa, đôi khi chỉ quy luật nhân quả nghiệp báo, các điều kiện nhân duyên tạo sinh các sự vật và hiện tượng giới, bao gồm các hiện tượng tâm lý và vật lý. Nhưng nghĩa căn bản và truyền thống nhất là chỉ giáo pháp, những lời dạy của đức Phật. Ý nghĩa của Pháp đôi khi được khái quát hóa như con đường, con đường an lạc, giải thoát hoặc miêu tả tính chất của lời Phật dạy là vô tham, vô chấp, buông bỏ, xả ly, an lạc, giải thoát…

Tăng cũng có nhiều nghĩa, đôi khi chỉ toàn bộ cộng đồng Phật giáo, gồm Tăng Ni và phật tử; chỉ cho những ai đã trực ngộ tánh không của vạn pháp, bất luận tu sĩ hay cư sĩ phật tử. Nhưng nghĩa căn bản và truyền thống nhất là chỉ cộng đồng những người xuất gia tu học theo giáo pháp của đức Phật. Cộng đồng này là hiện thân của sự hòa hợp và thanh tịnh.

Ở đời tiền bạc là quý, nhưng chưa phải là cái quý nhất, quý nhất là Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta sống là đi tìm hạnh phúc, nhưng không biết đâu là hạnh phúc thật sự lâu dài, đâu chỉ là cảm giác thỏa mãn nhất thời. Nhiều người tin sự nổi tiếng, giàu có, hôn nhân, tận hưởng các tiện nghi vật chất…sẽ làm họ hạnh phúc. Nhưng những điều này chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời, chứ không phải là điều chủ yếu cho hạnh phúc lâu dài. Trong thực tế, tiền bạc và vật chất chỉ tạo thêm sự thèm khát và không bao giờ thõa mãn. 

Khổ đau hay hạnh phúc là kết quả của những hành động, lời nói và ý nghĩ của chúng ta. Một khi chúng ta đã hành động ác, nói lời ác, ý nghĩ ác thì tất yếu gặt quả khổ đau. Chúng ta không thể ẩn núp sau lưng chư Phật và chư Tăng để trốn tránh quả khổ đau đó hoặc nhờ các ngài giải quyết hộ cái hậu quả chúng ta tạo ra đó. Do đó, ý nghĩa quy y đích thực chính là chúng ta trở về nhận lấy trách nhiệm về những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình; nỗ lực rèn luyện chuyển hóa tâm thức của mình.

Sau lễ truyền Tam quy và Ngũ giới, chư giới tử cung đối trước Hòa thượng Bổn sư nhằm tri ân đến Hòa thượng đã truyền giới pháp, cũng như kính mừng khánh tuế đến Hòa thượng Bổn sư tăng thêm hạ lạp sau 3 tháng An cư Kiết hạ.

Một số hình ảnh khác, mời quý vị xem thêm: