×

Iklan

Tổng hợp nội dung chương trình Khoá Bồi dưỡng hành chánh và chức năng trụ trì cơ sở năm 2023

TT-TT - 30.6.23 Last Updated 2023-06-30T08:40:48Z
    CHIA SẺ
PGĐT- Theo chương trình Khoá Bồi dưỡng hành chánh và chức năng trụ trì cơ sở do BTS Phật giáo tỉnh Đồng Tháp tổ chức, diễn ra từ ngày 27 - 30/6/2023 (nhằm ngày 10-13/5/Quý Mão), 251 chư tôn đức trụ trì cơ sở và khách mời dự thính đã được lắng nghe nhiều nội dung thiết thực từ Chư tôn đức trực thuộc Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư tôn đức phụ trách Văn phòng BTS tỉnh, và các vị đại diện cơ quan chính quyền hữu quan, xin tổng hợp các nội dung chính:


Triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027) và trình bày các yếu tố về quản trị


Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯ. GHPGVN

Chiều ngày 27/06/2023 (nhằm10/5/Quý Mão) PL.2567, Khóa Bồi dưỡng hành chánh và chức năng trụ trì cơ sở năm 2023 được mở đầu với phần chia sẻ của Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯ. GHPGVN, với nội dung “Triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027) và trình bày các yếu tố về quản trị”. 

Nội dung gồm quản trị và lãnh đạo, có 4 yếu tố quan trọng trong quản trị: Hoạch định kế hoạch, tổ chức nhân sự, trình độ lãnh đạo, hệ thống tuân thủ.

Thượng toạ chia sẻ những kinh nghiệm về quản trị hành chính văn phòng; quản trị nhân sự; quản trị thời gian…Trong đó, các yếu tố then chốt như phẩm chất, có tầm nghĩ, chọn lựa đúng, năng lực v.v..  là điều các Tăng Ni cần thể hiện tâm đức, tuệ đức, ứng dụng linh hoạt các phương tiện giáo hóa sao cho thích hợp với thời đại để làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vị trụ trì, hoằng truyền chánh pháp, làm lợi lạc nhân sinh.



Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương
Hoà thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Sáng ngày 28-6-2023, buổi thứ hai trong lịch trình Khóa Bồi dưỡng hành chánh chức năng trụ trì năm 2023, Hoà thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch HĐTS – Trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quang lâm thuyết giảng nội dung về Hiến chương giáo hội và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

Hiến chương sửa đổi lần thứ VII về căn bản thừa kế các nội dung, điều khoản của Hiến chương hiện hành. Hiến chương sửa đổi có 14 chương, bao gồm Lời nói đầu và 87 điều (nhiều hơn 1 chương và 16 điều so với Hiến chương hiện hành). Như vậy theo Hiến chương sửa đổi lần thứ VII đã có hiệu lực thi hành, hệ thống tổ chức GHPGVN gồm 4 cấp như sau (Điều 12, Chương III):

- Cấp Trung ương: Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trị sự.

- Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chứng minh Ban Trị sự; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: Chứng minh Ban Trị sự; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

- Cấp cơ sở: (Ban Quản trị cơ sở tự viện), việc bổ sung cấp cơ sở tự viện trong hệ thống tổ chức Giáo hội nhằm đáp ứng yêu cầu rất thiết thực của cơ sở tự viện trong thực tiễn.



Nội dung hành chánh thông dụng 

Thượng toạ Thích Minh Sơn, Chánh Thư ký Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp


Chiều ngày 28/6, trong buổi thứ ba về Khoá Bồi dưỡng hành chính và chức năng trụ trì cơ sở năm 2023, Thượng toạ Thích Minh Sơn, Chánh Thư ký Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp đã thay mặt Chư tôn đức Ban Thư ký – Văn Phòng BTS GHPGVN tỉnh trao đổi những nội dung hành chánh thông dụng đến với 251 Chư tôn đức trụ trì cơ sở. 

Để phù hợp với sự phát triển của Phật giáo tỉnh trong giai đoạn mới mà không trái với tinh thần giới luật cũng như Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Thượng toạ đã trình bày những quy định mới đối với các vấn đề xuất gia, thọ giới, bổ nhiệm trụ trì, thuyên chuyển sinh hoạt tôn giáo; cũng như trình bày thể thức các văn bản thông dụng khi đăng ký các sinh hoạt tôn giáo, sự kiện, tổ chức lễ hội….theo yêu cầu của Giáo hội và Nhà nước.
 


Ý nghĩa giới luật của Phật cho chư tôn đức Tăng Ni
HT. Thích Minh Thông, UV Thường trực HĐCM Trung ương

Sáng ngày 29/06/2023 HT. Thích Minh Thông, UV Thường trực HĐCM Trung ương, tuyên Luật sư giới luật của GHPGVN quang lâm về lớp học tại chùa Phước Hưng, phường 1, TP Sa Đéc triển khai “Ý nghĩa giới luật của Phật cho chư tôn đức Tăng Ni”.


Trong nội dung chia sẻ với khoá học, Hoà thượng đã nêu lên tầm quan trọng cho đời sống Tăng Ni tu học, và trang nghiêm thanh tịnh cho Giáo hội, như trong luật tạng có ghi: giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất.


Nhằm đạt được những quả vị giải thoát trong tu hành, và trang nghiêm giáo hội, mỗi thành viên phải cố gắng gìn giữ cho trong sạch, với Tỳ Kheo áp dụng 250 điều, Tỳ Kheo Ni 348 điều… được hành trì qua thân khẩu ý hằng ngày. Qua đó Hoà thượng cũng đã triển khai những điều giới cho thích ứng với xã hội hiện đại, mặc dù trước đây đã được Đức Phật định chế trong luật tạng.



Chính sách Nhà nước về lĩnh vực Tôn giáo
Ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng Phòng Dân tộc Tôn giáo Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp


Chiều cùng ngày 29/06/2023, tại khóa bồi dưỡng chức năng trụ trì nhận được sự chia sẻ của ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng Phòng Dân tộc Tôn giáo Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp, với chủ đề: “Chính sách Nhà nước về lĩnh vực Tôn giáo” 


Ông trao đổi về tình hình tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, ông cho biết, tại Việt Nam hiện có 41 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, hoặc cấp đăng ký hoạt động trực thuộc 16 tôn giáo, trong đó bao gồm GHPGVN. 


Về số lượng các chức sắc, chức việc và tín đồ được ghi nhận khoảng 26,5 triệu tín đồ, với gần 30.000 cơ sở thờ tự, 55.000 chức sắc và 155.000 chức việc. Trong đó, Phật giáo chiếm số lượng đông đảo nhất, với hơn 18.000 cơ sở tự viện, gần 55.000 Tăng Ni và số lượng tín đồ theo thống kê sơ bộ của Sách Trắng thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, là khoảng hơn 14 triệu tín đồ, chiếm gần 50% trong biểu đồ các tôn giáo.


Theo đó, với tư cách là Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo, ông nhấn mạnh các vấn đề cần lưu ý trong số 68 điều của Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo, đặc biệt liên hệ đến vai trò của vị trụ trì tại các cơ sở, sâu sát đến đời sống thực tiễn của Tăng Ni, như: đăng ký sinh hoạt tôn giáo hằng năm, vấn đề đăng ký sinh hoạt ngoài cơ sở, mời các tổ chức hay cá nhân nước ngoài vào Việt Nam v.v… Đối với từng trường hợp, vấn đề, đều có các biểu mẫu tương thích, nhằm kiện toàn trong hệ thống quản lý, dễ dàng cho chư Tôn đức Tăng Ni thực hiện đăng ký.


Tại Khóa Bồi dưỡng chức năng trụ trì năm 2023, ông cũng đã trình bày rõ đến chư Tôn đức những hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết trong việc thành lập cơ sở Tự viện, Tịnh xá; bổ nhiệm Ban Quản trị tự viện; tạo con dấu cho từng cơ sở; việc sắc phong, tấn phong Giáo phẩm, chức sắc, chức việc; thuyên chuyển thành phần nhân sự tại Tịnh xá; đăng ký các hoạt động Hội thảo, sự kiện Phật giáo v.v… 




Văn hóa an toàn giao thông



Ông Lê Tuấn Hải, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Đồng Tháp



Cũng trong buổi chiều 29/06/2023,  ông Lê Tuấn Hải, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Đồng Tháp, cùng các ông Nguyễn Thanh Tuấn, Lê Văn Lực đến chia sẻ với chủ đề: “Văn hóa an toàn giao thông trong Tôn giáo”.

Bằng những dẫn chứng cụ thể từ những hình ảnh, video, kết hợp trao đổi, giải đáp trực tiếp các thắc mắc liên quan đến những vấn đề giao thông đường bộ thường gặp, ông Lê Tuấn Hải đã giúp chư Tôn đức hiểu được những điều cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, cách nhận diện làn đường, các biển báo và cách xử lý các tình huống khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, ông cũng đã sơ lược một số vấn đề về phòng chống đuối nước, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em; mong muốn thông qua đây chư vị trụ trì, chư tôn đức cùng chung tay tuyên truyền và vận động quý Phật tử tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống đuối nước để tránh các tai nạn thương tâm có thể xảy ra.

Khép lại buổi chia sẻ ĐĐ. Thích Trí Khả, Phó Thư ký, Phó Văn phòng, BTS PG tỉnh, thay mặt toàn thể hội chúng, dành lời tri ân vì những chia sẻ quý báu của các vị trong Ban Tôn giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh đã có buổi chia sẻ đến quý tăng ni trong buổi học.



Ứng dụng công nghệ số trong giai đoạn hiện nay

Thượng toạ Thích Minh Nhẫn – Uỷ viên Thư ký HĐTS - Phó Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN, Phó Thường trực Ban TTTT Trung Ương GHPGVN


Tiếp tục tại Khoá Bồi dưỡng hành chánh chức năng trụ trì cơ sở năm 2023, sáng ngày 30-6-2023,  Thượng toạ Thích Minh Nhẫn – Uỷ viên Thư ký HĐTS - Phó Văn phòng 2 Trương ương GHPGVN, Phó Thường trực Ban TTTT Trung Ương GHPGVN đã có buổi chia sẻ với nội dung “Ứng dụng công nghệ số trong giai đoạn hiện nay”.

Chuyển đổi số cũng giúp cho việc truyền bá đạo Phật trở nên dễ dàng hơn, thông qua các công cụ truyền thông trực tuyến như trang web, ứng dụng di động, mạng xã hội, video, v.v. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cũng giúp cho tổ chức Phật giáo có thể quản lý thông tin, tổ chức hoạt động và tương tác với cộng đồng một cách hiệu quả hơn. 

Thưọng tọa cũng nhắc lại, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nghị quyết về phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ (2017-2022) tại điểm thứ 8 có nêu: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp, chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội, nhằm nêu cao giá trị từ bi – trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp, trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”. 

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn cho rằng: “Chuyển đổi số là cơ hội vô giá của chúng ta”, vì đó là quá trình phát triển chung của nhân loại. Nó cũng giúp chúng ta quản lý hành chánh nhân sự tiện lợi và hiệu quả. Trong công cuộc hoằng pháp ngày nay, nếu chúng ta biết ứng dụng kỹ thuật số thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Với sự phát triển phát triển của đất nước, công nghệ truyền thông xã hội, Thượng tọa chia sẻ đến chư tăng, Ni một số kinh nghiệm về cách sử dụng mạng xã hội, cách bảo mật tài khoản cá nhân … để tránh bị đánh cắp dữ liệu hoặc xảy ra những sự cố đáng tiếc khác.



“Quy chế Ban Tăng sự TW GHPGVN NK IX (2022 – 2027)"

HT. Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN


Chiều cùng ngày BTC đã cung thỉnh HT. Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN quan lâm triển khai về “Quy chế Ban Tăng sự TW GHPGVN NK IX (2022 – 2027)"

HT. chia sẻ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời tôn trọng và duy trì truyền thống các tổ chức, hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng nghìn năm của Phật giáo Việt Nam. Tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc, nhân loại và tất cả chúng sinh. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm: “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Thông qua khóa bồi dưỡng này Hòa thượng hy vọng chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì trong tỉnh Đồng Tháp sẽ nắm bắt được những chủ trương, đường lối phát triển của đất nước, của Giáo hội để an tâm tu tập và tuyên truyền, hoạt động đúng phương châm sống tốt đời đẹp đạo.