×

Iklan

Tại sao có một quán bar tên là “Buddha” giữa Tp. Hồ Chí Minh?

TT-TT - 25.3.20 Last Updated 2022-03-11T22:27:22Z
    CHIA SẺ
PGĐT- Cập nhật thông tin về dịch bệnh cho hay, chỉ trong vòng 4 ngày, từ 20 đến 24-3, đã có ít nhất 8 trường hợp bị bệnh Covid-19 liên quan bar Buddha ở quận 2, TP.HCM.

Chúng tôi, những người dân bình thường cảm nhận được những khó khăn về tình hình dịch bệnh đang xảy ra và bày tỏ lòng cảm phục trước những quyết sách của những nhà quản lý để ngăn chặn dịch bệnh.

Một hình tượng Buddha khá lớn được trang trí ngay trong sàn nhảy của bar, nhiều đôi nam nữ phía dưới thân mật - Ảnh: Cungcau.vn

Nhưng, mấy ngày qua cộng đồng Phật giáo cũng cảm giác khó chịu, không hiểu nổi vì sao lại có một cái quán bar mang tên “Buddha” như thế tại Tp.HCM?


Khỏi nêu ra, ai cũng hiểu rằng loại hình “Bar” là hoạt động ra sao, mức độ nhạy cảm như thế nào trong đời sống, nhưng tại sao lại lấy một cái tên xét về ngôn ngữ, đã trở thành một biểu tượng của tôn giáo toàn cầu, chứ không riêng ở Việt Nam. 

Thật ra, Buddha bar là loại hình có mặt nhiều nước trên thế giới, nhưng không phải vì thế mà dễ dàng du nhập vào Việt Nam nơi có Phật giáo trở thành một biểu tượng trong văn hóa dân tộc.

Nhiều khách nhảy nhót bên trong quán bar này- Ảnh: fanpage doanh nghiệp

Thôi thì chuyện đặt tên như thế nào là quyền của người kinh doanh, nhưng theo Luật Doanh nghiệp 2014 Việt Nam có hiệu lực ngày 01 tháng 07 năm 2015, tại Điều 39, quy định:

Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:
     1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 42 của Luật này.
     2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
   3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

Như vậy tại khoản 3 của Điều 39, quán bar này đã dùng “Buddha” là vi phạm vào truyền thống, văn hóa, đạo đức. Vậy xin  trả lời giúp, những nhà quản lý và cấp giấy phép kinh doanh cho quán bar này tại Tp.HCM đã suy nghĩ gì? Trình độ hiểu biết văn hóa và năng lực ngoại ngữ ra sao?

Trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, “Buddha” không còn là từ nước ngoài, mà là danh từ gần như chỉ tên một người, một người sáng lập tôn giáo và trở thành biểu tượng tín ngưỡng chung của hàng chục triệu tín đồ trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều kinh sách giữ nguyên tên “Buddha” để trì tụng.

Bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vài vấn đề như trên; mong các cấp quản lý nhất là quản lý doanh nghiệp tại Tp.HCM quan tâm xử lý và trả lời thích đáng.

  Cư sĩ Lệ Trí