×

Iklan

Ngắm hoa tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

TT-TT - 31.3.20 Last Updated 2022-03-11T22:33:07Z
    CHIA SẺ
Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp luôn gây choáng ngợp bởi thiên nhiên, đất trời bao la, tiếng chim ríu rít gọi nhau, những cánh cò trắng chập chờn bay lượn, những đồng sen bạt ngàn. Đặc biệt, là những loài hoa rất lạ...

Du khách cùng hoa Hoàng đầu ấn.

Vườn Quốc gia Tràm Chim không chỉ nổi tiếng với sếu đầu đỏ, các dịch vụ trải nghiệm mùa nước nổi như tham quan bãi chim sinh sản, dỡ chà chuột (săn chuột đồng), bơi xuồng ngắm cảnh quan sinh thái, trải nghiệm làm ngư dân…; mà còn thú vị bởi nhiều loại hoa hoang sơ, mang vẻ đẹp đồng nội.

Du khách cùng hoa Hoàng đầu ấn

Mùa này, ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, đang rộ một loại hoa rất lạ, gần như chỉ riêng có tại đất Sen hồng. Hoa mang tên Hoàng đầu ấn, tên khoa học là Xyris indica L, phát triển và sinh trưởng vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 hằng năm (phụ thuộc vào chế độ thủy văn của Vườn Quốc gia Tràm Chim). Vào khoảng thời gian này mỗi năm, cùng với bao loài hoa khác khoe sắc, tỏa hương, hoa Hoàng đầu ấn cũng bung sắc vàng rực rỡ chào đón nắng vàng miền châu thổ và thu hút rất nhiều ong, bướm hút mật. Loài hoa này có 3 cánh, mọc trên thân ống dài, màu sắc vàng tươi khá giống hoa mai. Điều đặc biệt là hoa chỉ nở khi có trời nắng, khoảng 9 giờ sáng đến giữa trưa.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thông tin, sau nhiều năm thì năm nay hoa Hoàng đầu ấn mới xuất hiện dày đặc trở lại. Hoa tập trung tại khu A5, trải rộng hơn 6ha. Để đến được cánh đồng hoa vàng rực này, du khách đến Vườn Quốc gia Tràm Chim, di chuyển bằng xe điện khoảng 15 phút để đến bến tàu, rồi từ bến tàu đi tắc ráng hơn 30 phút, sau đó lội bộ hơn 1km sẽ đến được với cánh đồng Hoàng đầu ấn. Lộ trình tham quan đầy thú vị bởi cảm giác mát lạnh do sóng nước tạt vào khi ngồi trên tắc ráng, hai bên bờ là một màu xanh của năng, tràm, cây cà na và các loài chim bay rợp cả bầu trời. Đây là khu vực mới đưa vào khai thác du lịch nên còn rất hoang sơ và mới mẻ so với những tuyến du lịch trước đó của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Không chỉ có hoa Hoàng đầu ấn, ở Vườn Quốc gia Tràm Chim còn có loài hoa Nhĩ cán tím, tên khoa học là Lentibulariaceae, thuộc họ Nhĩ cán hay còn gọi là Rong ly tím, sống ở vùng đất ngập nước theo mùa tự nhiên. Hoa bắt đầu nở từ tháng Giêng và kéo dài khoảng 30-40 ngày. Đây là loại thủy sinh chìm, sinh sống những nơi có địa hình thấp và đất ngập nước phèn chua, thường xuyên lẫn trong quần xã sen súng; một trong những loài thực vật quý hiếm, rất quan trọng nhằm duy trì hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Hoa có màu sắc đẹp, tạo cảnh quan kỳ thú cho vườn.

Hoa chỉ nở một lần trong năm và có giai đoạn. Trong điều kiện đất phèn và độ PH thấp, một số loài thực vật khác không thể thích nghi thì Nhĩ cán tím phát huy được sức sống và phát triển tốt. Tương tự lộ trình tham quan hoa Hoàng đầu ấn, khách sẽ đến được với cánh đồng hoa Nhĩ cán tím thuộc khu A5 của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Hoa Nhĩ cán tím

Vườn Quốc gia Tràm Chim được thành lập ngày 29-12-1998 có diện tích tự nhiên 7.313ha, là một mẫu chuẩn sinh thái đất ngập nước tiêu biểu của Vùng Đồng Tháp Mười - được xác định thuộc 3 tỉnh Long An (299.000ha), Đồng Tháp (239.000ha), Tiền Giang (92.500ha) ở ĐBSCL - chiếm khoảng 1% tổng diện tích tự nhiên của cả vùng. Cách sông Mekong 25km về phía Tây, gần biên giới Campuchia 40km về phía Bắc. Tiếp giáp 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Toàn bộ diện tích của Vườn Quốc gia Tràm Chim là đất ngập nước nội địa tiêu biểu với những đặc trưng về địa mạo, thủy văn, đất, thảm thực vật và các loài chim nước. Ngày 2-2-2012, được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là Khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam là khu Ramsar 2.000 của thế giới.

Tràm Chim là một trong 8 khu vực bảo tồn các loại chim quan trọng nhất của Việt Nam, là nơi trú ngụ của 231 loài chim nước, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim tìm thấy ở Việt Nam và Sách đỏ IUCN như: Ngan cánh trắng, Cốc đế, Giang sen, Bồ nông chân xám, Già sói… Và đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, đây là loài chim nước lớn nhất trong họ Hạc - một tài sản thiên nhiên vô giá của Tràm Chim cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chúng trên thế giới.

Ngoài ra, ở đây có 130 loài cá nước ngọt, 174 loài thực vật nổi; 110 loài động vật nổi; 23 loài động vật đáy chiếm khoảng 40% số loài cá của ĐBSCL và các loài lưỡng cư, bò sát khác. Có 131 loài thực vật, chia làm 6 quần xã: Tràm, Sen - Súng, Năng ống, Mồm mốc, Cỏ ống, Lúa ma.

Bài, ảnh: Nguyễn Toàn