×

Iklan

Hiện tượng không làm nên bản chất

TT-TT - 17.7.19 Last Updated 2022-03-11T22:27:22Z
    CHIA SẺ

PGĐT- Bức tường thành kiên cố, là nhờ vào những chất liệu kết tinh vào đó mang giá trị lâu bền. Điều đó không có nghĩa, trong bức tường thành ấy mọi thứ đều đạt yêu cầu về sự vĩnh cửu, một vài viên gạch mục nát, một vài chỗ rêu xanh bám víu trong hàng ngàn những viên gạch khác vững chãi, hàng ngàn viên gạch đang làm tròn chức năng kết dính tạo ra bức tường, thì  không cớ gì phải thất vọng về những viên gạch hư nát ấy, bởi có sự vật hiện tượng nào mà đứng yên một chỗ, bất di bất dịch theo dòng thời gian, thống nhất tuyệt đối? Điều cần thiết là thẳng thắn nhìn ra và tháo bỏ những hiện tượng, những phần hư nát đó, phải giải phẫu những u nhọt đó để duy trì cái thể trạng đang sống.

Trong tôn giáo, khi xét đến bản chất của bất kỳ một tôn giáo nào, con người thường không lấy những giá trị đương đại để là tiêu chuẩn xem xét, mà luôn lấy giáo lý gốc làm căn bản. Nên nhờ đó, các tôn giáo vẫn được số đông tín đồ theo đuổi, dù bao biến cố chống lại nó.

Bản chất của một tôn giáo, giá trị hay không là nhờ vào các hiện tượng bộc lộ ra bên ngoài, nhưng một vài hiện tượng “lệch chuẩn” cũng không làm thay đổi được bản chất, bởi hiện tượng đó chỉ là một bộ phận, một phần trong sự hình thành ra bản chất; hiện tượng méo mó chỉ làm cho bản chất có phần biến dạng một ít, còn bản chất ban đầu vẫn còn đó. Giá trị nhân sinh quan, thế giới quan và nhận thức luận của Phật giáo không cần bàn cãi hay dở chỗ nào, tự bản thân tôn giáo này cũng không cần phải đi giải thích, thanh minh hay chứng tỏ giá trị ở đâu, cũng không phải chỉ vì một vài cá nhân tự nhận mình là “con Phật”, đã là đại diện cho Phật giáo, là tiêu chuẩn để nhìn vào cá nhân đó để đánh giá một Phật giáo như thế nào, ra sao.

Hẳn nhiên, tôi nghĩ, nếu Đức Phật còn tại thế Ngài chắc cũng không cần một ai đó làm đẹp thêm thêm giáo lý của Ngài, mà thứ Ngài cần là nhân loại có tìm thấy sự an lạc trong giáo lý đó hay không mà thôi. Nên ai đó, dù có làm đẹp hơn hay xấu xí đi một hiện tượng nào đó của Phật giáo cũng không có giá trị gì, mà thứ Phật giáo hướng đến là ai đã hưởng hạnh phúc an lạc khi thực hành được giáo lý của Phật, còn ai chưa thực hành được thì rõ là vẫn còn khổ đau.

Trước Đức Phật nhập diệt, Ngài không cho phép một ai đó làm “thầy chỉ đường” của Phật giáo về sau, mà hãy lấy chánh pháp làm thầy, không dựa dẫm vào một cá nhân nào hoàn toàn và xem đó là bậc đạo sư duy nhất, bởi tất cả chúng ta cũng đang cùng nhau đi trên một lộ trình, nương tựa vào nhau, nhắc nhở nhau. Nên không một ai đủ tư cách nhân danh là Phật giáo, đại diện cho giáo lý Đức Phật, cho dù là bậc có thâm niên trong hàng ngũ đệ tử Phật, học hành đổ đạt đến đâu trong học hàm học vị. Nên Giáo hội mới là một tập thể, mới có cái chức danh “ Hội đồng trị sự”.

Tuy nhiên, không thể ngụy tư duy theo kiểu “một hiện tượng không làm nên bản chất”, để rồi bình thản, vô tư. Cần nhớ nếu quá nhiều hiện tượng lệch bản chất sẽ khiến mất cái chất ban đầu, và dần dần chuyển sang chất khác,  kết cấu của bản chất sẽ thay đổi hoàn toàn nếu như...có quá nhiều hiện tượng đã không còn là một bộ phận của bản chất ban đầu. Niềm tin tôn giáo của tín đồ sẽ sụt giảm là điều rất đáng lo, khi phần lớn số đó học Phật không thông qua giáo lý gốc mà họ học Phật thông qua các hiện tượng bên ngoài như thế.

Lệ Trí
(Ảnh internet)