×

Iklan

Tiểu sử Thiền sư Minh Mai - Phương Danh (Lãnh Binh Cẩn 1802-1902)

Lệ Nhật - 13.11.16 Last Updated 2022-03-11T22:39:04Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Thiền sư Minh Mai, hiệu Phương Danh thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38. Ngài tục danh Nguyễn Văn Cẩn, sinh năm Nhâm Tuất (1802) tại rạch Cái Thia, thôn Mỹ Lợi, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay Ấp Lương Nhơn, xã Mỹ Lương, Huyện Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang).



Ngài sinh trong một gia đình nhà nông, theo truyền thống Phật giáo, kính tin Tam Bảo. Ngài là một nông dân thể lực cường tráng, võ nghệ cao cường. Tuổi thanh niên Ngài tham gia lực lượng đồn điền theo các đội của tỉnh Định Tường, hoạt động trong các cơ sở đồn điền Mỹ Thiện, Hậu Mỹ, Mỹ Thành, Thạnh Phú thuộc địa phận huyện Cai Lậy, Cái Bè ngày nay. Đồn điền là một tổ chức bán quân sự theo chính sách: “Ngụ binh ư nông thời bấy giờ”.

Năm Kỷ Mùi (1859) Pháp chiếm Gia Định. Tháng 05 năm 1861 (Tân Dậu) Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, quân triều đình bất lực. Phong trào kháng Pháp nổi dậy khắp nơi. Quản cơ Thiên Hộ Dương cùng với thủ khoa Nguyễn Hữu Huân Trương Định, Võ Duy Dương, Âu Dương Lân…tổ chức căn cứ kháng chiến rộng lớn từ Bình Cách đến Thuộc Nhiêu và Đồng Tháp Mười. Trong đó. Đồng Tháp Mười là một căn cứ mạnh gây cho Pháp nhiều tổn thất. Nhiều cuộc phản công của Pháp vào căn cứ này bị thất bại.

 Ngài và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đều thuộc tướng tài bên cạnh Võ Duy Dương trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ vào những năm 1861-1867.

Năm Tân Dậu (1861), khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Định Tường, Ngài gia nhập lực lượng kháng chiến do Võ Duy Dương lãnh đạo, được thăng chức Lãnh binh.

Đầu năm Nhâm Tuất (1862), giặc Pháp đột kích căn cứ Thuộc Nhiêu (nay xã Thuộc Nhiêu, quận Châu Thành, Tp Mỹ Tho, Tiền Giang), Trần Xuân Hòa bị bắt và “tuẩn tiết” (Chết vì việc nghĩa lớn- ông đã cắn lưỡi tự tử để giữ tròn khí tiết), Ngài tiếp tục cuộc kháng chiến đến khi Đỗ Thúc Tịnh hy sinh, Nguyễn Hữu Huân bị bắt, Ngài cùng Thiên hộ Dương rút về Bình Cách.

Năm Giáp Tý (1864), Võ Duy Dương thành lập căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Lúc bấy giờ, Ngài (Lãnh Binh Cẩn) và Phó tướng Nguyễn Tấn Kiều được bộ tham mưu nghĩa quân giao nhiệm vụ chỉ huy đại bản doanh, còn được gọi là đồn Trung.

Năm Bính Dần (1866) vào đầu mùa Xuân Tướng người Pháp tên De La Gradière tập trung binh lực quy mô lớn tấn công Đồng Tháp Mười từ ba hướng chính. Nghĩa quân thất trận. Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tử trận, Thiên Hộ Dương rút quân về Tân An, thuộc tỉnh Long An ngày nay, Ngài (Lãnh binh Cẩn) thì rút quân về Hồng Ngự, thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Đến Hồng Ngự, bị quân Pháp và thân binh của Trần Bá Lộc vây đánh, Ngài (Lãnh binh Cẩn) lui về vùng Gia Định (Sài Gòn) củng cố lực lượng. Sau đó Ngài (Lãnh binh Cẩn) cho lui quân về lại Hồng Ngự và tấn công hạ thành Châu Đốc nhưng không giữ được Thành. Bị quân Pháp vây đánh, Ngài (Lãnh binh Cẩn) rút quân về núi Sập. Do kéo dài nhiều năm trong kháng chiến, lại gặp nhiều khó khăn về lương thực và vũ khí, dần kiệt sức hơi tàn rồi cánh quân lần tan rã theo thời gian.

Đến tuổi lục tuần gần hết đời người mà vẫn không thoái chí nản lòng trong việc kháng Pháp, thế nhưng lực bất tòng tâm, Ngài nghĩ rằng việc cứu nước chưa tròn, thôi thì theo gương hạnh Bồ tát đem ánh sáng Từ bi Trí tuệ của Phật giáo để giúp dân vững niềm tự tin, ý chí nghị lực thêm dồi dào, tiếp tục đòi quyền tự chủ của dân tộc, giành độc lập cho tổ quốc. . . Ngài đến Tổ đình Tây An, núi Sam, Châu Đốc đảnh lễ Tổ sư Tiên Giác – Hải Tịnh xin cạo tóc xuất gia, được Bổn sư ban cho pháp danh Minh Mai hiệu Phương Danh và từ đây được sự hướng dẫn tu tập của Sư huynh là Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân.

Năm Canh Ngọ (1870), cuối mùa Đông Ngài trở về quê nhà trùng tu chùa Thắng Quang, làng Hòa Hưng, huyện Cái Bè, nay tỉnh Tiền Giang. Hoằng pháp nơi đây ổn định, Ngài trở lại chiến trường Đồng Tháp Mười, khai sơn chùa Gò Tháp, lập bàn thờ Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều và những nghĩa binh tử trận, nơi đây là điểm tựa tâm linh cho đồng đội kháng chiến. Thời gian này, Ngài rất ấm lòng bởi có đại Sư huynh (tức Thiền sư Minh Thông Hải Huệ, Tổ đình Bửu Lâm, Cao Lãnh) để chia sẻ về Phật sự và Quốc sự trong thời đối đầu với thực dân Pháp xâm lược.
 
Những tưởng tiếng kinh câu kệ ấm lòng những chiến sĩ hy sinh trong công cuộc chống Pháp, an ủi những người dân quanh vùng chịu đau thương bởi chiến tranh khốc liệt. Nào ngờ bọn lang sói không dung tha người hiền, bọn tai sai Trần Bá Lộc đánh hơi theo dõi. Ngài đành phải một lần nữa quay trở về quê nhà kiến tạo ngôi Phước Quang Tự, làng Mỹ Lợi, huyện Cái Bè, nay tỉnh Tiền Giang.

An phận tu hành và tùy duyên hoằng pháp trong phạm vi giới hạn. Ta bà quả mãn, bổn phận với tổ quốc dân tộc, đạo pháp viên mãn. Ngài thị hiện chút bệnh duyên, an nhiên viên tịch tại Bổn tự Phước Quang vào ngày mồng 08 tháng 10 năm Nhâm Dần (1902). Hưởng thượng thọ 101 Xuân.

(căn cứ theo một long vị thờ tại Long Phước Cổ Tự, Sa Nhiên, Tp. Sa Đéc ghi: Từ Lâm Tế chánh tông tam thập bát thế thượng Phương hạ Danh huý Minh Mai, chung Kỷ Hợi (1899), thập nguyệt, sơ bát nhật. thượng Hoằng hạ Ân húy Minh Khiêm, chung Giáp Dần niên, chánh nguyệt, nhị thập nhật. Linh giác miêu tọa). Hiện ngôi mộ sơ sài của Ngài vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt với thời gian chùa xưa hoang phế, hương tàn khói lạnh.

Thích Vân Phong kính soạn

(*) Ngài là một vị quan võ cao cấp của Triều đình nhà Nguyễn, Lãnh binh là chức chỉ huy quân sự cấp tỉnh thời bấy giờ. Tên của Ngài (Lãnh Binh Cẩn) gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng thời với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều. . . Ngài là nhân vật lịch sử, tên Ngài được đặt cho nhiều tên đường, khu phố ở Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Mỹ Tho, huyện Cái Bè . .

Nam mô Từ Lâm Tế chánh tông tam thập bát thế thượng Phương hạ Danh huý Minh Mai đại lão Hòa thượng Giác linh chứng giám.