×

Iklan

Qua vùng Sa Đéc, nhớ tìm về nhà cổ!

TT-TT - 3.11.16 Last Updated 2022-03-11T22:33:07Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Sa Đéc nhỏ xinh, êm đềm và thơ mộng, đưa người hoài cổ lãng đãng tìm về những năm tháng cũ kỹ hơn một thế kỷ trước.

Trước khi tới Sa Đéc, tôi chưa biết gì nhiều về miền đất này. Ngoài việc, đó là nơi ghi dấu mối tình dằn vặt đớn đau từ đời thực, qua trang sách, bước lên màn ảnh của tác phẩm "Người tình". Chỉ vì đã lỡ phải lòng câu chuyện phim, mà tôi quyết phải lên lịch cho bằng được một chuyến "đi tìm người tình".

Sau chuyến xe khách chừng 3 giờ đồng hồ khởi hành từ Sài Gòn, Sa Đéc hiện ra trước mắt tôi êm đềm và bé nhỏ bên bờ sông Tiền cuộn nước màu đỏ đất. Không khí trong lành, không gian vắng vẻ nơi đây hoàn toàn trái ngược với chốn phố thị Sài Thành tôi mới rời khỏi trước đó, gợi lên một thứ cảm giác an yên mà tâm hồn vẫn luôn kiếm tìm.
Đi xuyên qua khu chợ trung tâm, dạo bước dọc con đường gió mát dìu dịu với hàng dừa ở hai bên đường, không khó để tôi tìm thấy căn nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngôi nhà nổi tiếng trong tiểu thuyết và bộ phim "Người tình" nhỏ hơn rất nhiều so với tôi tưởng tượng, cũng như so với gia sản đồ sợ của nhà họ Huỳnh tiếng tăm lẫy lừng xứ Đồng Tháp thuở trước.
Hỏi ra mới biết, thì ra con cháu đời sau của ông Huỳnh làm ăn lụi bại, bán dần bán mòn gia sản của cha ông, nay chỉ còn lưu lại một phần rất nhỏ của ngôi nhà.

Rất nhiều đồ đạc cũ kỹ như giường, tủ, bàn ghế, máy hát được bày biện nguyên vẹn trong căn nhà, phảng phất mùi hương của thế kỷ xưa cũ. 
Dẫu vậy, căn nhà được bảo tồn tương đối tốt, gìn giữ nguyên vẹn kiến trúc trạm trổ của người gốc Hoa. Mùi đồ đạc cổ xưa quyện trong không gian tĩnh mịch tạo ra thứ cảm giác hoài niệm bảng lảng. Những thước phim hay câu chữ của "Người tình" cũng theo đó mà mờ mờ ảo ảo hiện ra trong trí nhớ.
Trong nhà cũng treo nhiều hình ảnh của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê cùng ảnh của ông và nữ nhà văn người Pháp Margarite Duras - nguyên mẫu của hai nhân vật trong phim “Người tình”.
Lương Gia Huy và Jane March trong hình tượng Huỳnh Thủy Lê và Duras trên màn bạc.
Sau khi rời khỏi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, thông người người ta đều đến thăm làng hoa – thương hiệu của Sa Đéc. Thế nên có lẽ tôi và nhóm bạn của tôi là số ít những kẻ ngoại lệ. Bởi vì suốt cả hành trình, thứ hớp hồn chúng tôi hơn cả là những ngôi nhà cổ xinh xắn trong lòng thành phố nhỏ.
Những ngôi nhà ở Sa Đéc nằm san sát nhau, nhỏ xinh và phần nhiều đều mang đậm dấu ấn nhà ở Nam Kỳ nhiều thập kỉ trước. Cấu trúc nhà ở nơi đây không quá cầu kỳ, không cao tầng, mặt tiền hẹp, có cổng vòm, trong khi màu nước sơn lại phản ánh một sự dụng công vô cùng đặc biệt.


Tôi cứ thắc mắc hoài, không biết tất cả những dãy nhà ở đây có phải cùng một đôi tay thiết kế hay không mà mỗi ngôi nhà lựa chọn một tone màu khác biệt tài tình đến như vậy, tường nhà và cửa gỗ thì tiệp màu nhau rất hài hòa.
Các cửa tiệm thì cho tới tận bây giờ vẫn còn giữ nguyên phông chữ xưa cũ trên những tấm biển, gợi đến một cảm giác vừa quen vừa lạ cực kỳ thích thú.
              Một ngôi nhà thuộc hàng “sang chảnh” ở Sa Đéc.
Không hiểu sao, nhìn những nếp nhà khiêm tốn khép cửa im lìm như vậy, tôi bất chợt nhớ tới bộ phim kinh điển “Người đẹp Tây Đô”, ngỡ như mình đang ngược dòng thời gian tìm về xứ sở miền Tây của hơn 100 năm trước, đắm mình trong không gian bình dị thuộc về những tháng năm trong quá khứ.
Ảnh: Jindy – Phong Kiều
Phong Kiều