×

Iklan

Nét giao thoa văn hóa Việt-Hoa ở chùa Bà

TT-TT - 10.5.16 Last Updated 2022-03-11T22:32:00Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Trong số những ngôi chùa theo tín ngưỡng dân gian Việt – Hoa thì chùa Bà tại tỉnh Đồng Tháp được xem là một trong những ngôi chùa mang dấu ấn rõ nét nhất. Bạn có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu, khám phá những nét kiến trúc độc đáọ cùng ý nghĩa văn hóa ở ngôi chùa này, khi thực hiện chuyến tham quan du lịch Đồng Tháp vào một dịp nào đó. 



Chùa Bà Thiên Hậu Chùa Bà Thiên Hậu Được gọi với tên gọi là Thất Phủ Thiên Hậu cung bao gồm 7 phủ, khi người Hoa đến đây làm ăn, sinh sống, chùa Bà trở thành một nơi mà nhiều người đặc biệt là người Hoa gửi gắm niềm tin. Chùa được thành lập từ giữa thế kỷ XIX trên một khu đất vốn đã có miếu thờ Bà Thiên Hậu, kế bên có Quan Đế Thánh miếu. Kiến trúc của chùa khá đẹp, độc đáo thể hiện đầy đủ nét văn hóa Hoa – Việt với những hình tượng mang ý nghĩa hay mà khi đến thưởng ngoạn bạn sẽ cảm nhận sự đặc sắc, tinh tế trong cách biểu đạt của con người xưa. Bước vào, gam màu vàng đỏ đặc trưng của chùa bao phủ toàn bộ không gian, càng tô điểm vẻ uy nghiêm, cổ kính. Ấn tượng nhất là trong mái hiên, hầu hết cây cột, bậc cửa đều được làm bằng đá xanh, chạm khắc những hoa văn, họa tiết đắp nổi, phía trên có 2 con kỳ lân. Phía cửa chính để vào chùa có đôi câu đối với nét chữ uốn lượn sắc sảo, tinh tế. Ngôi chùa được thiết kế theo kiểu chữ “Thiên”. Cách bày trí trong chùa được mô phỏng theo kiểu đền, chùa của người Hoa. 


Khi vào đến gian bên trong bạn sẽ bắt gặp một sân lộ thiên để làm nơi tế lễ, lấy khí trời và lối bay của nhang khói. Chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, người mà lúc sinh thời là người rất thông minh, gan dạ, hiền lành và có khả năng đặc biệt biết được sự thay đổi của khí hậu, biết chữa bệnh, bơi lặn rất giỏi… Nếu có bất cứ điều gì xảy ra người dân đều cầu nguyện đến bà đặc biệt là những người đi sông, đi biển. Ở gian giữa của chánh điện tất cả các đồ thờ, vật thờ… đều được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, có sơn son, thếp vàng. Hơn nữa, trên bàn thờ còn có một chiếc thuyền gỗ nhỏ với ý nghĩa lướt qua sóng to gió lớn, nguy nan. Bên trái là bàn thờ Phúc Đức chánh thần (bạch hổ sơn thần), phía dưới là bàn thờ Bổn cảnh Thổ địa; bên phải là bàn thờ Bà Kim Huê (bà mẹ sanh). Ngoài ra, trong chùa còn có thờ Đức Phật Di Đà, Quan Âm Bồ Tát.Hằng năm, chùa Bà có hai ngày lễ lớn: ngày 23 tháng 3 âm lịch là vía ngày sanh và ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày hiển thánh. Vào những ngày lễ bái, chùa thu hút đông đảo người dân đến viếng đặc biệt là người Hoa. Họ đã bắt đầu chuẩn bị từ những ngày trước đó, sau lễ tắm Bà ai ai cũng muốn xin lộc Bà để cầu mong bình an, mọi việc tốt đẹp và làm ăn phát đạt. 


Chùa Bà ở Đồng Tháp Cùng với bao thăng trầm của lịch sử, cho đến nay chùa Bà vẫn giữ gìn được nét kiến trúc và nghi lễ truyền thống vốn có. Đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, chùa Bà là nơi mà người ta gửi gắm niềm tin, hy vọng về một cuộc sống bình an – thịnh vượng. Chính vì những giá trị văn hóa vô giá đó mà vào ngày 10 tháng 4 năm 2003, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định công nhận và xếp hạng chùa Bà là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, Chùa Bà được xem là một trong những điểm đến quan trọng trong các tuyến điểm du lịch Đồng Tháp, mà du khách không nên bỏ qua mỗi khi có dịp đến với tỉnh này.