Notification

×

Iklan

Nhịp cầu gắn kết đạo tâm

TT-TT - 27.5.16 Last Updated 2022-03-11T22:20:44Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Chưa hết giờ nghỉ trưa, anh em thiện nguyện làm cầu ở rạch Ông Yên, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã bươn bả ra công trình. ..

Gạt mồ hôi đầm đìa trên trán, anh em mộc mạc tâm tình: “Nắng hết hồn! Nắng nhá lửa, mấy ông! Nhưng mình ráng cho xong sớm. Chiều nay đổ đà còn về sạ lúa”. Họ là những người nông dân áo cũ sờn vai, quanh năm làm thuê cuốc mướn, cuộc sống gắn bó ruộng vườn. Nhưng nơi nào có nhu cầu thiện nguyện là họ sẵn sàng thu xếp sinh kế gia đình để góp công làm việc nghĩa …

Anh em thiện nguyện làm cầu chùa tại rạch Ông Yên - Ảnh: T.Tuyền

Đầu đường liên xã từ Quốc lộ 80 (đoạn từ thành phố Sa Đéc về hướng cầu Mỹ Thuận) vào cuối rạch Ông Yên dài gần 2 cây số. Theo chủ trương xây dựng nông thôn mới của chính quyền sở tại, đường được mở rộng từ 1,5m ra 3,5m, chân đường 5m. Nhân dân phấn khởi nức lòng vì đường huyết mạch nối liền hai xã Tân Bình và Tân Nhuận Đông, đi tắt về Vĩnh Long, Cần Thơ mở mang thông thoáng, nông sản sẽ được dễ dàng vận chuyển các nơi, trẻ con không lo qua cầu bất trắc, kinh tế nông thôn phát triển.

Và những chiếc cầu nhỏ hẹp xuống cấp trên đường cũng phải mở rộng xây mới hoặc nâng cấp theo chủ trương mở đường. Chùa Phước Long (còn gọi chùa Ông Yên) tọa lạc bên bờ rạch Ông Yên, chấp hành chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, quý chư tôn đức đã phát tâm trùng tu xây mới cầu bắc ngang rạch trước chùa lâu nay đã xuống cấp. Cầu mới chiều dài 30m, ngang 4m. Công thợ do anh em thiện nguyện phát tâm, phần chi phí vật tư nguyên liệu và cơm nước cho thợ, nhà chùa lo liệu.

Vốn là Phật tử thuần thành, tín tâm cầu đạo và hết lòng ủng hộ Tam bảo, anh em cảm thông cho quý thầy vừa đầu tư một số công trình thánh tích chưa hết nợ cũ, nợ mới xây cầu đã gánh thêm trong khi Phật tử và nhân dân vùng sâu đa số còn nghèo, muốn góp chút tịnh tài cũng đành “lực bất tòng tâm”.

Từng tâm nguyện nhỏ cho một công trình lớn phục vụ dân sinh, chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến cảnh lao động tấp nập dưới nắng trưa đổ lửa của anh em thiện nguyện. Thỉnh thoảng có người nhà đến báo mẹ anh Thiện bị bệnh đang nhập viện, em anh An đến phụ các anh làm mau để cùng về xịt phân cho lúa... 

Việc đời, việc đạo bộn bề nhưng không một ai chịu bỏ cuộc trước công trình của những tấm lòng. Chị Trang Thiên Kim, Phật tử chùa Ông Yên hàng ngày phụ bán quán cơm ở gần chợ huyện cũng tranh thủ xin về sớm để phụ việc hậu cần cùng chị em vào chùa nấu ăn cho thợ. Chồng chị làm phụ hồ cũng nghỉ việc để phụ tiếp những ngày cầu vào giai đoạn đổ đà cao điểm. 

Hàng chục chị em phụ nữ, cô bác cao tuổi cũng hàng ngày lụm cụm đến chùa phụ việc. Chú Trần Văn Cội, 76 tuổi ở xã lân cận Tân Phú mỗi ngày còm cõi xe đạp cọc cạch hơn 10 cây số đến với công trình. Hai cha con anh Lê Quang Vinh, người thợ hồ lành nghề ở xã Hòa Tân mỗi ngày cũng bỏ tiền túi đổ xăng đi về hơn 20 cây số đến chùa hướng dẫn anh em đổ đà làm móng.

Anh chia sẻ: “Các con tôi giờ đã trưởng thành, kinh tế gia đình tạm ổn định, vợ tôi động viên tôi làm việc nghĩa nhân tích đức. Từ làm mộc cất nhà, làm cầu ván đến cầu bê-tông kiên cố tôi đều làm. Thấy bà con dân làng vui mừng có cầu mới, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả khi được bạc tiền vật chất. Anh em chất phác, ít học, ít lời nhưng họ làm nhiệt tình bởi rất tâm đắc câu: “Tiền tuy trông thấy mà mòn / Phước tuy không thấy mà còn muôn năm.”

Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt, trụ trì chùa Phước Long cởi mở: “Cây cầu là đầu con lộ. Nhà nước địa phương còn nhiều việc phải lo. Mình người tu cũng góp phần hộ quốc an dân như các vị thầy tổ đã làm. Nhà chùa còn hạn hẹp tài chánh nhưng phục vụ dân sinh, mình cứ tùy duyên Phật sự. Nếu đủ duyên được các nhà hảo tâm, Phật tử gần xa ủng hộ, chiếc cầu sẽ là món quà đạo tâm cúng dường chư Phật”.

Được biết cầu chùa rạch Ông Yên còn là ước mơ được đến chiêm bái của hàng ngàn Phật tử gần xa, bởi chùa có nhiều cụm thánh tích uy nghi rực rỡ (ao thất bảo, hai hàng Thánh chúng Quán Âm, Thập đại đệ tử theo chân Phật khất thực, Phật đản sinh, Phật nhập Niết-bàn...) ở chốn quê yên ả. Đây còn là nhịp cầu đạo tâm, nâng bước khách hành hương và Phật tử các nơi về chiêm bái thánh tích để thêm khát ngưỡng mà khởi tâm cầu về nẻo Phật.

Thanh Tuyền