×

Iklan

Du lịch tâm linh và vai trò giáo dục văn hóa tinh thần ở Đồng Tháp

TT-TT - 10.5.16 Last Updated 2022-03-11T22:33:07Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Hiện nay, du lịch đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu của phần lớn người dân trong xã hội. Con người tìm đến du lịch không chỉ để thỏa mãn các nhu cầu về tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng,... mà còn để thể hiện niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng. Chính từ những nhu cầu gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng,... của du khách đã hình thành nên loại hình du lịch tâm linh (DLTL). 

Du khách tham quan Khu di tích Gò Tháp. 

DLTL là loại hình du lịch lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Như vậy, DLTL có một số nét tương đồng với các loại hình du lịch như: tín ngưỡng, hành hương, tôn giáo và lễ hội. Tuy nhiên, nếu xét về đối tượng và phạm vi hoạt động thì DLTL lại rộng hơn và những loại hình vừa nêu có thể trở thành đối tượng trong DLTL. Xét về nội dung và tính chất, DLTL là một dạng của du lịch văn hóa đã được thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu đặc trưng của khách tham quan du lịch. 

Tuy không có lăng tẩm hay các công trình tôn giáo với quy mô lớn, nhưng Đồng Tháp lại có những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa, giàu giá trị lịch sử và gắn liền với đời sống tinh thần của người dân địa phương như: Khu di tích Gò Tháp, Chùa Kiến An Cung, Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Trong đó, Khu di tích Gò Tháp với 5 cụm tiêu biểu: Gò Tháp Mười, chùa Tháp Linh (Tháp Mười Cổ Tự), đền thờ và mộ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương, Gò Minh Sư, Miếu Bà Chúa Xứ là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng. Chính vì vậy, Gò Tháp là một điểm đến cho loại hình DLTL tại Đồng Tháp. Ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng như trên, Đồng Tháp còn được biết đến với những điểm đến tâm linh như: chùa Phước Kiển (Lá Sen), chùa Bửu Hưng (chùa Cái Cát), chùa Bà Thiên Hậu; đình Định Yên, đình Long Khánh, đình Phú Hựu, đình Vĩnh Phước; Đền thờ Thượng tướng quận công Trần Văn Năng; miếu Gia Long (Đức Cao Hoàng Miếu),... 

DLTL không chỉ thỏa mãn được các nhu cầu về tinh thần của con người thông qua hoạt động du lịch mà còn góp phần quan trọng trong giáo dục văn hóa, ý thức của người dân địa phương cũng như du khách trong quá trình tổ chức hoạt động du lịch. Lễ hội giúp cho người tham gia hiểu rõ hơn về truyền thống của dân tộc, về tinh thần yêu nước, sự hy sinh và ý chí quật cường của thế hệ cha ông. Những lễ hội từ tôn giáo, dân gian cho đến hiện đại đều có tác dụng nhắc nhở, khôi phục các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc và giúp thế hệ tương lai cảm thấy tự hào hơn về quê hương, đất nước. Những điểm tham quan như đền, miếu, quán, chùa,... gắn liền với niềm tin tín ngưỡng của người dân địa phương và của khách du lịch, là nét riêng của mỗi dân tộc ở từng vùng miền khác nhau. 

Việc hướng đến những hoạt động tín ngưỡng, tin tưởng vào “sự hiển linh” ở mức độ phù hợp cũng là cách để con người có thêm niềm tin, nghị lực để tồn tại và phát triển. Mặt khác, dù theo tôn giáo nào chăng nữa thì những triết lý và niềm tin tôn giáo luôn hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ; giáo dục văn hóa tinh thần của con người từ lòng vị tha, bao dung cho đến niềm tin về cuộc sống tương lai. Đồng thời, nếu loại bỏ các yếu tố như mê tín, dị đoan để nhìn nhận đúng về vấn đề thì DLTL sẽ giúp con người cảm thấy yêu hơn các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc (chẳng hạn như nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hát bội trong cúng đình và những nghi thức rước kiệu hay nghệ thuật múa lân trong các lễ hội). Như vậy, nếu được khai thác theo hướng tích cực, phù hợp thì DLTL sẽ là công cụ hữu hiệu trong việc giáo dục các giá trị văn hóa nói chung và những giá trị văn hóa tinh thần nói riêng cho tất cả mọi người, góp phần giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của dân tộc. 

 Đỗ Thị Kiều Hoa