×

Iklan

Cách dịch: “Thiên thượng Thiên hạ, duy ngã độc tôn” – liệu có đúng?

Lệ Nhật - 19.5.16 Last Updated 2022-03-11T22:28:47Z
    CHIA SẺ

PGĐT -   Nhân mùa Phật đản về, tôi xin đề cập đến một câu nói của Thái tử Tất Đạt Đa khi mới đản sinh, và được dịch sang tiếng Việt là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Chúng ta không bàn đến thời điểm câu nói này ra đời có hợp lý hay không, hay mang tính hư cấu? vì trong sự tích về Đức Phật Thích Ca, cho rằng câu nói này do chính Thái tử Tất-Đạt-Đa thốt ra khi mới chào đời; một số nhà nghiên cứu nhận định điều ấy cần xét lại, vì với một học thuyết phi thần như Phật giáo, thì những điều tuyên truyền mang tính chất thần thoại như thế chắc hẳn do đời sau thêm vào. (Phần này quý vị có thể xem thêm chú thích bên dưới[1], bài viết này không đi sâu)

Khi tìm hiểu về câu nói này theo văn bản gốc của các kinh được dịch trực tiếp từ Pali, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy, mà chỉ có đoạn văn của Trường Bộ Kinh như sau:

Aggo ham asmi lokassa, jettho ham asmi lokassa, settho ham asmi lokassa, ayam antimà jàti, natthi dàni punabbhavoti”

Bản dịch đầy đủ:
Tự mình là tối thượng của thế gian
Tự mình là tối tôn của thế gian
Tự mình là tối thắng của thế gian…[2]

Chắc hẳn đây là bản dịch đầy đủ của câu nói đó và khá hay; nhưng với cách dịch ngắn lại như câu “Thiên thượng, Thiên hạ, duy ngã độc tôn” liệu có sát nghĩa hay chưa? Câu nói này có nghĩa “Trên trời, dưới Trời, Ta là độc nhất”. Tôi vẫn chưa tìm thấy câu dịch ngắn gọn này xuất xứ từ đâu, chỉ thấy các tài liệu liên quan trích dẫn mà không ghi rõ nguồn.

Tôi cho rằng cách dịch “Thiên thượng, Thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chưa sát nghĩa, nó khiến nhiều người nhầm hiểu Đức Phật đã tự cao, tự cho mình là vĩ đại? ý rằng khi mới sinh ra Đức Phật đã biết trước mình sẽ là Phật, trên trời dưới đất không ai qua được Phật; với cách lý giải này hoàn toàn phi lý và không hề phù hợp với tính cách khiêm cung của Đức Phật.

Một cách dịch khác trong kinh Trường A Hàm, quyển I, tôi cho rằng là chính xác nhất: “Thiên thượng, Thiên hạ, duy ngã vi tôn”[3], từ “vi tôn” ở đây là chỉ cho con người, cho rằng tuyên bố của Đức Phật mang tính đại diện cho loài người.  Nên không thể dịch: “duy ngã độc tôn = ta là duy nhất, là số 1”, mà nó phải được hiểu là: “duy ngã vi tôn = con người là cao nhất”; “ngã” ở đây là chỉ cho con người nói chung, chứ không phải cá nhân Đức Phật; vì tìm hiểu về giáo lý “vô ngã” trong Phật giáo, Đức Phật đã nhiều lần phủ nhận một cái ngã cá nhân ở con người, thế nên chúng ta không thể đứng trên cách hiểu “một cá nhân” để hiểu về câu nói này. Hơn nữa, nếu xét về thời kỳ Đức Phật ra đời, chúng ta được biết Ấn Độ cổ đại với chế độ hà khắc của thần quyền do Bà-la-môn giáo đặt ra, tất cả đều dưới quyền của Thánh Brahma, thì con người hầu như là nô lệ của Thần linh, Thượng đế. Đặc biệt nhất là các giai cấp Phệ-Xá và Thủ-Đà-La đã bị tước đi những quyền lợi của con người, thì câu nói trên chính là tư tưởng giải phóng loài người ra khỏi những trói buộc của chế độ Thần quyền, rằng con người nói chung phải là ông chủ của chính mình, chứ không phải là nô lệ của bất cứ Thần linh, Thượng đế nào.

Như vậy với tuyên bố đều với tư cách là con người, Ngài đã đại diện là một con người ưu tú, là một lời tuyên bố chung cho loài người về sự chứng đắc và không lệ thuộc vào bất cứ ai là Thần linh, Thượng đế. Trí tuệ con người nếu được tu tập, rèn luyện theo chánh pháp thì con người chính là trung tâm của vũ trụ, trên Trời dưới đất không ai sánh bằng con người, sự tuyên bố này không phải là sự tuyên bố suôn, mà Ngài dựa vào tất cả những gì Ngài thực hiện được hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ của Ngày.

Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, có một học thuyết đề cao khả năng của con người và tách con người ra khỏi cái thế giới thần thánh siêu nhiên. Con người là chủ nhân của chính mình, không có một thực thể nào ngoài con người có quyền năng chi phối, định đoạt số phận của chính nó cả, “Người là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa?”[4] – đó là tưởng cách mạng xã hội của Phật giáo.

Lệ Nhật
_______________________________________
(1) Có ý kiến cho rằng câu nói này không phải được Thái tử Tất- Đạt-Đa nói khi mới sinh ra, mà do những chú giải của đời sau cho hình ảnh một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Hoặc theo như nhà nghiên cứu Phật học Kimura Taiken trong quyển “Nguyên thủy – Phật giáo tư tưởng luận” cho rằng câu nói này được Phật giáo vay mượn từ sự tích Phật Tỳ Bà Thy. Dù chưa biết dựa vào cơ sở nào, nhưng phần đông người theo đạo Phật đã có thói quen tin rằng câu nói này của chính Đức Phật khi mới sinh ra.
 (2) Trường Bộ kinh, tập I, trang 139, D.II,65, Chattha sangayana CD do Viện nghiên cứu Vipassana xuất bản – Thích Viên Minh, Phật giáo Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, trang 524, Nxb Hồng Đức, 2014
(3) Đại Chính, Kinh Tu Hành, Bản Khởi, q1 hoặc Trường A Hàm I
(4) Tư tưởng Phật học. Walpola Rahula, TN. Trí Hải dịch, Nxb Phương Đông Trang 22