Notification

×

Iklan

Tấm lòng của cô giáo tuổi về hưu: cô Lê Ngọc Xương

TT-TT - 13.4.16 Last Updated 2022-03-11T22:22:53Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Dù đã bước sang tuổi người xưa hiếm, nhưng đôi mắt của cô Lê Ngọc Xương ánh lên rất nhiều niềm vui pha lẫn tự hào khi kể về việc tự nguyện dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo suốt 18 năm qua.


Cô sinh năm 1941 tại quận Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp sự phạm, cô dạy học tại địa phương từ năm 1962. Năm 1972 cô chuyển công công về quê chồng và giảng dạy tại trường Tiểu học Thị Trấn Lấp Vò 1 (Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) và chính thức nghỉ hưu năm 1998.

Thấy nhiều trẻ em tại địa phương không được tới trường do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều em mồ côi, nhiều trường hợp khác phải mưu sinh bằng nghề lượm rác, bán vé số, xin ăn, làm cỏ mướn…Sau khi nghỉ hưu cô và một đồng nghiệp tiến hành việc mở lớp học cho trẻ em nghèo.
    
Cô Xương tâm sự “…tôi mở lớp với mong muốn các em biết đọc, biết viết, không mặc cảm với xã hội, có điều kiện mưu sinh tốt hơn. Ngoài việc dạy văn hóa, tôi còn là người bà, người mẹ dạy dỗ đạo đức, nhân cách sống tốt đẹp cho các cháu…”.
    
Để có nguồn kinh phí cho lớp học nầy, cô đã dùng lương hưu của mình, vận động sự tài trợ của các học sinh cũ, các mạnh thường quân tại địa phương. Từ đó các em học sinh đã có đầy đủ quần áo, dụng cụ học tập an tâm đến lớp sau cuộc mưu sinh mỗi ngày. Riêng cô không nhận bất kỳ một khoãn bồi dưỡng nào, thay vào đó là sự yêu thương đầy trách nhiệm.


Em Hà Đức Thịnh 15 tuổi, học sinh lớp học tình thương nầy kể lại “…: Cô rất hiền, thương chúng con nhiều lắm, cô dạy tận tình nên chúng con mới biết chữ, thỉnh thoảng cô lại kể chuyện cổ tích về sự hiếu thảo, trung thực, nhân ái để chúng con biết là theo…”.


Ban đầu do không có điểm mở lớp nên cô xin tận dụng phân nữa văn phòng làm việc của Ban Nhân dân ấp làm điểm giảng dạy. Lúc nầy số lượng học sinh đăng ký trên 40 em với nhiều lớp từ 1 đến 5. Dạy ban ngày không kịp cô và người đồng nghiệp phải dạy cả ban đêm. Khó khăn lớn nhất lúc nầy là học sinh nhiều độ tuổi, nhiều khối lớp, nhiều hoàn cảnh khác nhau nên phải chia theo nhóm để giảng dạy mới đạt hiệu quả cao.


Điều đáng mừng là biết được tâm nguyện nhân ái của cô giáo về hưu, đã có rất nhiều tấm lòng vàng tìm đến động viên, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất để lớp học “đặc biệt” nầy duy trì hơn 18 năm qua.


Thật tình cờ khi năm 2000, nước nổi lớn bất thường làm phòng học “dã chiến” chìm trong biển nước. Khi đang của thầy trò cô đang loay hoay đối phó thì một vị hòa thượng cùng đoàn phật tử ngụ Đồng Nai trên đường cứu trợ đi ngang qua. Biết chuyện, hòa thượng trụ trì đã đề nghị cô chuyển lớp học nầy về chùa Thiên Phước (xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò) và hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng lớp học lẫn dụng cụ giảng dạy, học tập cho đến nay.


Cô Xương kể thật vui “…khi chuyển lớp học về chùa, có nhiều Phật tử không biết chữ chỉ đọc kinh Phật theo trí nhớ, từ khi có lớp, họ đăng ký theo học và đến nay đã biết đọc, biết viết, đọc thông thạo các kinh sách…”
    
Ngoài giờ dạy dỗ các cháu, cô Xương giành thời gian đến thăm hỏi, động viên gia đình các học trò, đi vận động quần áo, giày dép, sách vỡ từ các mạnh thường quân. Hàng tháng cô còn gởi tiền mua gạo cho bếp ăn từ thiện tại bệnh viện Tp.Long Xuyên với suy nghĩ giản đơn “lá lành đùm lá rách”.
    
Xin kết thúc câu chuyện về cô bằng những lời thơ mộc mạc, chơn chất nghĩa tình do chính cô viết để tự sự nỗi lòng của mình. 


“…Chỉ có tình thương mới xích lại gần,
Và gặp nhau để nối vòng tay lớn…”.

Song Anh