Notification

×

Iklan

Làm truyền thông Phật giáo: khó khăn và thuận lợi gì?

TT-TT - 25.4.16 Last Updated 2022-03-11T22:20:45Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Sáng ngày 23/4/2016, tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp.HCM, Ban Truyền thông Phật giáo Trung Ương đã tổ chức khai mạc Khoá Bồi Dưỡng nghiệp vụ Thông tin - Truyền thông toàn quốc năm 2016. 

Nhận thức được vai trò và sứ mạng của lĩnh vực truyền thông Phật giáo trong thời đại ngày nay, nhất là sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, những vấn đề về Phật giáo đều được sự quan tâm theo dõi của xã hội, trong đó không tránh khỏi những thông tin trái chiều, gây phương hại và tiêu cực đến uy tín của Giáo hội; do vậy, sự có mặt của truyền thông Phật giáo là cần thiết, không những thực hiện truyền tin, hoằng pháp nhằm phục vụ lợi ích cho người yêu mến đạo Phật, mà còn giữ chức năng "nói lại cho rõ" những vấn đề mà xã hội chưa hiểu, chưa tường tận về Phật giáo. 


Mục đích là vậy, mong ước là thế nhưng chúng ta đã làm được những gì trong khoảng thời gian qua? Khoá tập huấn chưa phải là một buổi tổng kết, nhưng tại đây cũng đã có nhiều những nhận xét, ý kiến trao đổi về hoạt động truyền thông. Có những nhận xét cho rằng, truyền thông Phật giáo vẫn còn chậm đưa ra những tiếng nói chính thức từ Giáo hội trước các vấn đề nóng có hướng tiêu cực, mất uy tín cho Phật giáo; hoặc cho rằng việc truyền thông hiện nay cần quốc tế hoá, để các nước có thể hiểu hơn về Phật giáo trong nước. 

Nhận định về điều này, Hoà thượng Thích Gia Quang - Trưởng Ban TT-TT T.Ư, Trưởng Ban Tổ chức khoá tập huấn cho biết: sự ra đời của Ban Truyền Thông tính đến nay chỉ khoảng hơn 4 năm, quá non trẻ để có thể nói là kinh nghiệm, có những khó khăn nhất định, ví dụ như một vấn đề nào đó xảy ra ở địa phương, mà phóng viên của Ban Truyền Thông chưa thể xuống tìm hiểu thì các trang mạng xã hội đã cập nhật, làm nhiễu thông tin để rồi sau đó, việc định hướng lại không còn dễ dàng. Hoà thượng cho biết vừa qua cũng đã nghiên cứu và thành lập nhóm "Phản ứng nhanh", để có thể thực hiện các vấn đề nóng. Về quốc tế hoá trang thông tin Giáo hội, Ban biên tập cũng đang nghiên cứu thêm một phiên bản tiếng Anh trong thời gian tới. Khó khăn còn nhiều, nhưng trong 4 năm, kể từ khi cụm từ "Truyền thông Phật giáo" chính thức có chỗ đứng trong các văn bản của Giáo hội, chúng ta đã phần nào giải quyết những vấn đề khủng hoảng truyền thông trong Phật giáo. 

Trao đổi bên lề, các Ban TT-TT cấp tỉnh đều gặp một khó khăn chung là thiếu nguồn nhân lực, khó tìm được những con người hội đủ tất cả những tiêu chí, chẳng hạn với tu sĩ là sự đam mê, khả năng ứng dụng kỹ thuật trong đưa tin và nhận tin; với các cư sĩ lại hạn chế về kiến thức Phật học, quỹ thời gian ít ỏi, cũng như điều kiện kinh tế chưa đảm bảo trong đời sống, thì khó lòng cống hiến bởi công việc này đòi hỏi tinh thần chứ không có khoảng thù lao hoặc nhuận bút nào. Về nội dung và chất lượng các bản tin, khách quan nhìn nhận, truyền thông Phật giáo đã có những lớn mạnh đáng được ghi nhận, những trang thông tin có bề dày thâm niên và chuyên nghiệp như Giác Ngộ online, phattuvietnam, phatgiao.org.vn thường xuyên có những bài luận chất lượng, thông tin nhanh nhạy; thì ở cấp BTS tỉnh, các trang thông tin vẫn chưa hoạt động đồng đều, bên cạnh những trang có sự đầu tư công phu, thì vẫn còn đó một số website bị treo tin, hoặc sử dụng lại bài vỡ từ những trang mạng khác, thậm chí một số Ban TT-TT địa phương chưa thành lập trang thông tin này. 

Trao đổi tại Khoá tập huấn, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - UV BCH T.Ư Hội Xuất bản Việt Nam đã so sánh những khác biệt về tính chất của một trang tin Phật giáo với các trang báo xã hội, để thấy được những hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ và tư cách làm truyền thông Phật giáo so với các trang báo xã hội; ở góc nhìn khác, làm truyền thông Phật giáo có những ưu thế nhất định, nhà báo TS. Trần Bá Dung - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: bản thân ông có tình cảm rất đặc biệt đối với Phật giáo ngay từ nhỏ, và ông nghĩ rằng một bộ phận không nhỏ người dân cũng thế, đó là những ưu thế; vì có thể trước những thông tin trái chiều, độc giả phật tử vẫn nghiêng theo hướng bảo vệ uy tín Phật giáo hơn. 

Kết thúc buổi tập huấn, ngoài những kiến thức mới được các báo cáo viên hướng dẫn, còn là dịp để các Ban TT-TT gặp nhau, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, cùng chung một trọng trách là phát triển đạo Phật. Con số 4 năm, không phải là thời gian ngắn cho một tập thể làm công tác truyền thông trưởng thành, nhưng cũng không quá dài để những con người này đủ lớn mạnh, nhất là hầu hết trong trong số này không được đào tạo bài bản. Chúng ta nhận thức rằng, không có nhiệm vụ nào là dễ dàng một khi đã được giao phó, thì trang thông tin Phật giáo chính là bộ mặt và tiếng nói của Ban Trị sự, hãy làm tốt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng đó. 

 Thích Lệ Nhật