×

Iklan

Bửu Hưng cổ tự - kiến trúc Phật giáo vùng đất phía Nam

TT-TT - 30.4.16 Last Updated 2022-03-11T22:32:00Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, Bửu Hưng cổ tự (hay còn gọi là chùa Cái Cát) là một trong những ngôi chùa cổ với những nét kiến trúc độc đáo, mang nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo vùng đất phía Nam. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của huyện Lai Vung. 

Bửu Hưng cổ tự được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 3/8/2007.  Chùa được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 18 (vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh), được thành lập bởi Thiền sư Nguyễn Đăng, đến nay đã trải qua 16 đời trụ trì, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và đại tu, dáng dấp chùa có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn giữ nguyên về đặc điểm kiến trúc. 

Cổng Tam quan Bửu Hưng cổ tự

Đi từ ngoài vào, trước tiên là cổng Tam quan được xây dựng lại năm 1994 và trùng tu vào năm 1997. Nhìn tổng thể chùa được xây dựng với khuôn viên rộng, thoáng đãng, phía trước là hồ sen hình chữ nhật, trên là Đài Quan âm. 

Huỳnh Kim Bửu Điện (nơi còn lưu giữ bức tượng Phật A Di Đà được tạc bằng gỗ nguyên khối do vua Minh Mạng tặng vào năm 1821)

Bửu Hưng cổ tự được xây dựng theo lối đăng đối hình chữ tam với 4 dãy nhà, ngang 15m, dài 50m gồm: Tiền Đường, Chánh Điện, Sân Thiên Tĩnh (giếng trời), Nhà Hậu Tổ, Nhà Giám Trai bằng những loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, chùa còn có khu Vườn Tháp (vườn Trúc) là nơi an trí nhục thân của các đời Trụ trì và các Thiền sư, trong đó có nhục thân của Nguyễn Đăng Đại sư (người có công lập chùa). Xét về đặc điểm kiến trúc, Bửu Hưng cổ tự là một trong những công trình kiến trúc phật giáo Đại thừa tiêu biểu; có họa tiết, đường nét được chạm khắc công phu trên bao lam, cửa, câu đối với hình tượng hoa mai, hoa sen,... đẹp mắt, hài hòa. Đặc biệt, tại Huỳnh Kim Bửu Điện (Chánh điện), chùa còn lưu giữ bức tượng Phật A Di Đà được tạc từ gỗ nguyên khối do vua Minh Mạng tặng vào năm 1821. Ngoài ra, các câu đối liễn trong ở Chánh Điện là do ông Mạc Thanh Trai - một trong những nhà thư pháp nổi tiếng vùng đất Nam bộ lúc mấy giờ, chấp bút. Hàng năm, chùa vẫn duy trì các hoạt động cúng, bái cầu an, cầu siêu cho nhân dân trong vùng nhân các ngày rằm, lễ lớn trong năm (rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, tháng chạp); quy tụ khá nhiều phật tử, người dân quanh vùng đến hành hương, chiêm bái. 

Trong thời gian tới, nếu có sự đầu tư đúng mức và hợp lý thì Bửu Hưng cổ tự sẽ trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến hành hương và thưởng lãm. 

 Bùi Minh Tiến (Báo Đồng Tháp)