×

Iklan

Cô giáo Lê Ngọc Xương: 17 năm “nặng nợ” với con chữ, bài toán… vì học trò nghèo

TT-TT - 25.11.15 Last Updated 2022-03-11T22:22:53Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Vận động trẻ em nghèo thất học đến lớp trong suốt 17 năm qua nhưng cô không đòi hỏi một khoản thù lao nào. Tấm lòng “nặng nợ” với học sinh nghèo nêu trên là cô Lê Ngọc Xương - một giáo viên về hưu ở xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.
Lớp học “quá tải”, dạy cả ban đêm…
Tính từ ngày nghỉ hưu, cô Xương đã có 17 năm “chủ nhiệm” lớp học tình thương cạnh chùa Thiên Phước ở xã Hội An Đông. Ngần ấy thời gian, trải qua nhiều thăng trầm biến đổi nhưng tinh thần “yêu trò, mến trẻ” luôn thôi thúc người cựu giáo viên của Trường tiểu học Lấp Vò I năm xưa vẫn còn “nặng nợ” với cái chữ, bài toán.. với các học trò nghèo, hoàn cảnh đặc biệt. Trong những ngày tháng đứng lớp không lương của mình, cô Xương chỉ mong sao mang được tri thức ít ỏi của mình đến với trẻ em nghèo tại địa phương, mong các em có một tương lai tươi sáng hơn.
Gặp lại cô Xương đúng vào dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, trong ánh mắt người giáo viên 74 tuổi vẫn ánh lên niềm vui khó tả khi nghĩ về quãng đời cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, những bằng khen, giấy khen, tấm huy chương vì sự nghiệp giáo dục phần nào cũng nói lên tinh thần dạy học của cô trong suốt thời gian qua.
Ngày ấy, cách đây đã 17 năm khi rời trường tiểu học thị trấn Lấp Vò về nghỉ hưu, cô giáo Xương thấy nhiều trẻ em tại địa phương không được tới trường do nghèo, mồ côi, cô và một đồng nghiệp tên Nguyễn Thị Lãm đã bàn nhau mở lớp dạy học miễn phí.
Cô Xương bồi hồi nhớ lại: “Thời đó cái chữ đến với học trò còn lắm gian nan, hầu hết trẻ em nghèo ở xóm nhà máy Quốc Doanh đều thất học, quậy phá, nhiều trẻ em cơ nhỡ phải mưu sinh giúp mẹ cha bán vé số, làm thuê nên không có điều kiện học tập như bao trẻ thơ khác.
Sau thời gian trăn trở, tôi quyết định mở lớp học tình, dạy chữ miễn phí cho các em học sinh đến học. Ban đầu để có quần áo, tập vở cho học sinh chính cô và vài người bạn phải dùng lương hưu và vận động thêm các mạnh thường quân hay nhà hảo tâm trong địa phương ủng hộ cho các cháu”.
Cô Xương xem lại bài giảng trước khi tới lớp
Nhưng rồi lớp học dành cho trẻ em nghèo cũng chỉ mượn tạm văn phòng của Ban nhân dân ấp, lúc đầu chỉ vài em rồi lên đến khoảng 40-50 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5. Dạy ban ngày không kịp, cô và đồng nghiệp tranh thủ dạy ban đêm. Khi lớp mở ra, nhiều tấm lòng vàng tìm đến động viên, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất.
Dù chồng bị bệnh nhưng cô Xương vẫn quyết tâm đem tri thức cho  các em học sinh thân yêu đang theo học lớp học đặc biệt của mình. Điều cô Xương nhớ cho đến tận bây giờ là năm 2000, lũ lớn tràn về phút chốc biến lớp học chìm trong biển nước. Cô và trò đang loay hoay khiêng bao cát làm lối đi vào trường thì bổng dưng gặp nhà sư Thích Trí Định cùng đoàn Phật tử về miền Tây cứu trợ.
Chứng kiến nơi dạy trẻ còn khó khăn nên ông đã đề nghị chùa Thiên Phước cho mượn đất xây dựng phòng học kiên cố hơn, chung tay hỗ trợ kinh phí xây dựng và hỗ trợ dụng cụ dạy học. Từ đó, lớp học thêm ổn định và càng nâng cao chất lượng.
Có nhiều “trái ngọt” từ lớp học tình tương
Cô Xương chia sẻ: “Khi chuyển lớp học về chùa, có nhiều Phật tử không biết chữ cùng theo học, nhờ đó đã thông tỏ thêm kinh Phật”. Ngoài giờ dạy học, cô Xương đến thăm hỏi, động viên gia đình các học trò; đi vận động quần áo, giày dép, sách vở từ các mạnh thường quân.
Lớp học tình thương tuy thiếu thốn nhưng nơi đây vẫn là mái nhà tình thương cho những trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh.
Từ những đóng góp tích cực trong công tác giảng dạy khi còn là giáo viên trường tiểu học Lấp Vò 1, cô Xương vinh dự được Bộ GD -ĐT tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục
Gần hai thập niên trôi qua, nơi đây đã thực sự rèn luyện và giáo dục cho hàng trăm trẻ em biết đọc, biết viết, biết làm toán làm hành trang vững vàng trong cuộc sống, là nơi “mọc ra” nhiều “trái ngọt” chẳng những cho địa phương Đồng Tháp mà còn hữu ích ở một số nơi, chẳng hạn như em Linh Nhu, nhờ được cô giáo dục chữ nghĩa nên hoàn thành chương trình tiểu học theo đuổi ước mơ tu học, hiện đang làm Phó Trụ trì tại một ngôi chùa cổ ở thị trấn Lấp Vò. Rồi em Nguyễn Kim Phương khó nghèo ở tận vùng sâu cũng nhờ lớp học tình thương này dẫn đắt bước đầu tiên nên trở thành Tỳ Kheo ni đang tu học ở chùa Châu An, TP Hồ Chí Minh và có ý nguyện đem Phật pháp giúp đời.
Từ một hoàn cảnh nghèo, hai anh em Nguyễn Văn Mộng và Nguyễn Văn Ước nửa ngày đi làm mướn, nửa ngày tìm đến cô Xương học chữ, giờ đây cuộc sống khấm khá trở thành những ông chủ nhỏ ở chốn đô thành.
“Hồi trước thất học, đi vác xi măng mướn, chính cô là người trao chìa khóa nhỏ để chúng tôi vững tâm bước vào đời. Lập nghiệp nơi xứ lạ quê người, nếu như không có tri thức ngay khi còn ở quê nhà thì những đứa trẻ bị hắt hủi không tồn tại như ngày hôm nay”, anh Nguyễn Văn Mộng, học trò cũ ở lớp học tình thương bộc bạch.
Hiện nay, dù ở tuổi 74 cô Xương vẫn duy trì lớp học tình thương. Chủ Nhật hằng tuần, cô dạy về chính tả, toán học, mỗi ngày trong 2 tiếng đồng hồ giảng dạy, lớp học còn 14 em từ lớp 1-5, đông nhất là lớp 2, 3, 4. Năm 2015, cô Xương chuyển qua dạy học phụ đạo cho con em gia đình Phật tử. Họ vừa học đạo đức, vừa học giáo lý của chùa.
Ngoài công việc giảng dạy ở lớp học tình thường, cô Xương còn tích cực trong công tác vận động các em học sinh, nhất là các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt đến lớp. Em nào khó khăn quá, cô bỏ tiền túi hay vận động các nhà hảo tâm khác tiếp giúp các em
Đại đức Thích Lệ Nhật - trụ trì chùa Thiên Phước cho biết: “Lớp học tình thương này rất bổ ích cho nhiều em học sinh ở 2 địa phương xã Hội An (huyện Chợ Mới, An Giang) và xã Hội An Đông (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), ít mấy ai được như cô Xương vì rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận tri thức, những điều hay lẽ phải trong cuộc sống khi cha mẹ các em phải bươn chải với với cuộc sống bằng nghề bán vé số, lượm ve chai.
Khi lớp học tình thương có căn phòng kiên cố cạnh chùa Thiên Phước, lớp học tình thương của cô Xương có lúc đến 50 em, do vậy cô và đồng nghiệp của mình chia nhau dạy cả ban đêm.
Các em được giáo dục nên người, đã thành đạt nhờ vào vốn kiến thức mà cô Xương đã truyền đạt mà hòa nhập cộng đồng xã hội. Tuy lớp học không đông như trước nhưng cô vẫn âm thầm lặng lẽ làm công việc vận động trẻ em đến lớp chính quy và sẵn lòng giúp đỡ hỗ trợ cập nhật kiến thức, tham gia dạy đạo đức cho thiếu nhi ở địa phương. Đây là một tấm gương xứng đáng trong sự nghiệp trồng mà Đảng nhà nước ta quan tâm".
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng tinh thần trách nhiệm của người cựu giáo viên gắn với lớp học tình thương thật đáng trân trọng, tuy lớp học giờ không còn đông như trước vì địa phương đã được công nhận chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học nhưng vì những hạt giống bồ đề đã tỏa hương, vì lớp lớp học trò thành đạt, nạn thất học giảm dần, đó là niềm vui, niềm khích lệ đối với người giáo già tâm nguyện cống hiến cuối đời cho sự nghiệp trồng người.
Chia tay chúng tôi, cô Xương chia sẻ: “Mai kia khi lớp học tình thương không còn thì có lẽ kỷ niệm lớn nhất trong đời nhà giáo của tôi là nhiều học trò thành đạt từ nơi mái ấm thân thương này. Việc làm của tôi bao năm qua chỉ mong như câu “chiếc áo tơi cũng đỡ được hạt mưa dầm” mà người ta hay nói”.
Bảo Phong
 (Báo Dân Trí online)