×

Iklan

Nhà sư để lại xá lợi lưỡi sau khi viên tịch

TT-TT - 14.9.15 Last Updated 2022-03-11T22:22:53Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Thượng tọa Thích Chơn Thanh thế danh là Phan Văn Bé, sinh năm 1948, tại xã Xương Mỹ, quận Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp), trong gia đình bần nông phúc hậu, giàu lòng tin Tam Bảo. Thầy Chơn Phát, đồng môn của Thượng tọa tại chùa Huệ Nghiêm kể lại: ở quê hương Thượng tọa Chơn Thanh có một ngôi chùa nhỏ Hải Huệ, nằm khiêm tốn trong mảnh đất mênh mông đầy cây trái.

Chân dung Thượng tọa Thích Chơn Thanh – người để lại xá lợi lưỡi sau khi viên tịch. 
Sự trùng hợp kỳ lạ giữa xá lợi và pháp danh
Chiếc lưỡi của Thượng tọa Thích Chơn Thanh hiện đang lưu giữ tại chùa Huệ Nghiêm (P. An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM). Chùa Huệ Nghiêm được cho là một ngôi chùa độc nhất vô nhị giữa phố thị Sài thành, và đang nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam độc đáo. Một chiều muộn đến chùa, chúng tôi đã được Hòa thượng Chơn Phát lý giải những điều ly kỳ về chiếc lưỡi xá lợi bí ẩn của Thượng tọa Chơn Thanh. 
Hòa thượng Chơn Phát là đồng môn với Thượng tọa Chơn Thanh, cũng là người cận kề, nắm rõ nhất cuộc đời tu hành của ngài. Nhắc lại chuyện cũ, Hòa thượng Chơn Phát cho biết: “Trong số những huynh đệ đồng môn ngày ấy, giờ hầu hết mọi người đều đã theo chân Đức Phật về cõi niết bàn. Trong số ấy, chỉ có duy nhất thầy Chơn Thanh đạt cảnh giới cao nhất và lưu lại xá lợi, huyền diệu lạ thường. Nhưng điều khiến cho chúng tôi bất ngờ nhất là thầy Chơn Thanh lưu lại xá lợi lưỡi. Đây là điều hiếm gặp, vì từ trước đến nay lịch sử Phật giáo chỉ biết đến ngài Cưu Ma La Thập của Trung Quốc khi trà tỳ đã để lại xá lợi như vậy”. 
Chùa Huệ Nghiêm, nơi lưu giữ xá lợi lưỡi bất diệt của Thượng tọa Chơn Thanh.
Những tình tiết ly kỳ ở đây là xá lợi của Thượng tọa Chơn Thanh lại liên quan và trùng hợp một cách khó lý giải với pháp danh mà sư phụ đã đặt cho thầy. “Pháp danh của thầy Chơn Thanh đã ăn vận cả tương lai, sự nghiệp về đường tu hành, hành đạo. Chơn Thanh - một âm thanh, hay một cái gì thanh tịnh, thanh cao chân thật nhất. Cho nên trong cuộc đời tu hành, Thượng tọa Chơn Thanh đã dùng âm thanh tiếng nói đi giảng pháp khắp nơi, để truyền giáo pháp của Phật”, Hòa thượng Chơn Phát giải thích. 

Thượng tọa Thích Chơn Thanh thế danh là Phan Văn Bé, sinh năm 1948, tại xã Xương Mỹ, quận Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp), trong gia đình bần nông phúc hậu, giàu lòng tin Tam Bảo. Thầy Chơn Phát kể lại, ở quê hương Thượng tọa Chơn Thanh có một ngôi chùa nhỏ Hải Huệ, nằm khiêm tốn trong mảnh đất mênh mông đầy cây trái. Ni sư trụ trì chùa Hải Huệ rất hiền lành, chất phác, nhu nhuận nên bà con trong xóm gần gũi tin yêu. Trong xóm nhà nào có việc gì cũng đều kể cho cô nghe, và nhờ cô giúp đỡ.
Từ việc mẹ chồng, nàng dâu đến việc xích mích hàng xóm. Ni sư đã sắm vai nhà tư vấn tâm lý giáo dục để khuyên nhủ mọi người. Những lời khuyên cứ khuyên đi rồi khuyên lại, quanh quẩn bao nhiêu đó cũng tạm an lòng mọi người. Hàng ngày Phan Bé thường theo mẹ và chùa, lúc đó cậu đã đã có ước nguyện được đi tu, hành đạo, cứu đời giống như ni sư trụ trì. 
Năm 1964, Phan Bé xuống tóc đi tu. Bổn sư Thiện Thọ ban pháp húy cho cậu là Nhật Bé, hiệu là Chơn Thanh. 
Năm 1971, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm chính thức khai giảng, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Viện trưởng. Thượng tọa Chơn Thanh theo học suốt chương trình 8 năm tại Viện và mãn khóa vào năm 1977. 
Sau đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời Thượng tọa ra đảm trách vai trò giáo dục tăng ni và Trưởng ban Hoằng pháp. Từ đó, thầy Chơn Thanh bước khắp mọi miền đất nước, với giọng nói nhu hòa, thầy dùng ái ngữ từ tâm hướng dẫn mọi người. 
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VI, Thượng tọa được Đại hội suy cử làm Chánh Thư ký Ban Trị sự kiêm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày xả báo an tường (mất). 
“Thầy có cuộc sống đơn giản, không tranh đua danh lợi, không mong cầu hưởng thụ. Từ năm 1981 đến 2002, trong suốt trên 20 năm, Thượng tọa Chơn Thanh dùng cái lưỡi niệm hồng danh A Di Đà Phật và khuyến tấn mọi người niệm Nam Mô A Di Đà Phật, khi Thầy đi giảng pháp. Vì vậy lúc vãng sanh thầy cũng đã lưu lại lưỡi xá lợi như ngài Cưu Ma La Thập”, Hòa thượng Chơn Phát lý giải.
Biết trước ngày vãng sanh
Việc pháp danh và xá lợi lưỡi của Thượng tọa Chơn Thanh có liên quan tới nhau, theo Hòa thượng Chơn Phát thì nguyên nhân chỉ có thể giải thích đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng nếu nói rằng, do thầy Chơn Thanh có tài xướng ngôn điều khiển các buổi lễ lớn, nên khi vãng sanh thầy đã lưu lại chiếc lưỡi xá lợi thì hoàn toàn không phải, mà đó là kết quả của một quá trình dài, thầy đã tu đạo khổ luyện pháp môn niệm Phật. 
“Thượng tọa khi thọ mạng được Phật A Di Đà tiếp dẫn là điều khiến mọi người không bất ngờ. Vì từ sau ngày 30/4/1975,  Hòa thượng Viện chủ chùa Huệ Nghiêm đã đề ra chương trình theo dấu chân xưa trở về cảnh cũ, nhằm tạo thắng duyên trong sự giải thoát qua pháp môn niệm Phật. Thầy Chơn Thanh đã cùng với các pháp hữu luân phiên nhập thất tịnh tu, một lòng phát nguyện vãng sanh về cõi Hoa Liên, là nơi Cực Lạc ở Tây Phương”, Hòa thượng Chơn Phát khẳng định việc Thượng tọa Chơn Thanh sẽ để lại xá lợi là chuyện đã được biết trước.
Để chứng tỏ cho những suy luận của mình là đúng, Hòa thượng Chơn Phát nói thêm: “Từ xưa đến nay việc dùng lưỡi giảng pháp thì các vị pháp sư chuyên giảng pháp đều làm, nhưng chưa có ai để lại xá lợi lưỡi. Lý do là vì thầy Chơn Thanh tự mình niệm Phật và hơn 20 năm thầy cũng luôn dùng lưỡi này để truyền bá chánh pháp dẫn dắt người ta ra khỏi bến mê, khuyến tấn mọi người niệm Phật, mau thoát khỏi cảnh khổ”. 
Hòa thượng Chơn Phát còn tiết lộ thêm, thầy Chơn Thanh dường như đã biết được trước ngày vãng sanh của mình. Trước khi mất, thầy đã có lời từ giã tại các lớp giảng và khuyến tấn mọi người nên tịnh tâm niệm Phật. Thầy còn chụp hình gửi tặng các tăng ni sinh làm kỷ niệm. 
Hòa thượng Chơn Phát nhớ lại, lúc ấy thầy Chơn Thanh vẫn khỏe mạnh, tinh nhanh, không hề có biểu hiện của bệnh tật. Buổi sáng thầy tới lớp dạy ở trường hạ Phổ Đà, chiều giảng 4 tiết ở Vĩnh Nghiêm. 
Trước khi chia tay đám học trò, thầy ôn tồn bảo: “Người phương Đông mình không quan tâm ngày sinh bằng ngày mất. Thôi thì lúc thầy còn sống, thầy còn quan tâm, nhắc nhở các con. Mai mốt thầy chết rồi, cứ mỗi ngày đám giỗ, không cần lễ lạt gì cả, chỉ cần ngày đó các con để ra vài phút, ngồi nhớ lại tất cả những điều thầy dạy, rồi kiểm điểm xem mình đã làm được những gì. Vậy thôi là thầy cũng đã vui rồi”.
Buổi tiệc hôm ấy kết thúc vui vẻ, đám đệ tử cứ nghĩ rằng thầy sẽ còn ở bên cạnh dạy dỗ lâu dài nhưng không ai ngờ được ngày hôm sau 20/7/2002, người thầy vĩ đại ấy đã về cõi Tây Phương. “
Thầy Chơn Thanh ra đi rất nhẹ nhàng sau một cơn bệnh nhẹ, giữa tiếng trợ niệm của những người đồng tu. Sau lễ hỏa táng, kiểm tra tro cốt chúng tôi đã phát hiện ra lưỡi của thầy Chơn Thanh đã hóa thành xá lợi bất diệt”, Hòa thượng Chơn Phát cho biết. Hiện tại lưỡi xá lợi của Thượng tọa Chơn Thanh đang được lưu giữ tại chính điện chùa Huệ Nghiêm. 
Lê Nguyễn (Báo Pháp Luật)