×

Iklan

Vì sao mõ tụng kinh ở chùa có hình đầu cá?

TT-TT - 20.8.15 Last Updated 2022-03-11T22:28:47Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Phật điện có bốn vật Phạm chung, Chuông, Pháp cổ, Trống, Vân bản, Khánh, Mộc Ngư cổ, Mõ.



Sách Tăng Tu Giáo Uyển Thanh Quy (quyển hạ, phần pháp khí) cũng có ghi lại truyền thuyết rằng có một vị Tăng do phản Thầy, huỷ Pháp mà bị đoạ xuống thủy tộc làm thân cá, trên lưng con cá ấy lại mọc một cái cây, mỗi khi sóng to gió lớn, khiến thân ra máu, thật thống khổ vô cùng. Một lần nọ, vị Thầy Bổn Sư qua biển, nhân đó nó muốn đòi nợ liền nói rằng: Thầy không dạy bảo nó nên nó mới phải bị đoạ làm thân cá như thế này, do đó nay nó muốn báo oán. Thế rồi, vị Thầy ấy bảo cá nên ăn năn sám hối, Thầy ấy cũng vì con cá mà cầu siêu chú nguyện và ngay đêm ấy nó được hóa kiếp. Vị Thầy Bổn Sư liền đem cây ấy đẽo thành hình con cá và treo lên để cảnh tỉnh đại chúng. Có thể vì lý do này các mõ tròn sau này cũng hay khắc hình con cá trên mõ để cảnh tỉnh đại chúng.


Theo sách Bách Trượng thanh quy quyển 9 trong chương những đồ pháp khí và hiệu lịnh có ghi: Mõ tròn bằng gỗ khắc hình con cá mở mắt dùng để tụng kinh, bởi vì loài cá ban đêm thường mở mắt được khắc sâu trên mõ để tụng kinh gõ lên cảnh thức người mê và dẫn chúng hòa âm theo đều. Mõ hình con cá dài treo ở trai đường để làm hiệu hai bửa ăn, cho thời kinh Tịnh Độ và cho nhà trù, mời chúng tập họp… Song việc sử dụng cũng còn tùy theo mỗi phái có khác, nên biết tùy nghi cho thích hợp…


Loại mõ ngày nay được dùng trong các nghi lễ tại các chùa hay thiền viện được làm bằng cây hay khúc gỗ tròn, móc rỗng bên trong, tạc theo hình cá, với một khe đục nằm ngang để tạo âm thanh khi gõ vào sẽ phát ra tiếng.Mõ có hai hình thể : hình bầu dục (hình tròn) và hình điếu (hình chữ nhật). Mõ hình hình bầu dục để tụng kinh, điều khiển buổi lễ khi đông người tụng được nhịp nhàng. | Mõ hình điếu thì treo ở nhà trù dùng để báo hiệu khi thọ trai hay chấp tác. Mõ thường được đặt ở bên trái của bàn thờ, cùng với một bát chuông.

Những âm thanh ngân vang của mõ có thể khác nhau là do sự khác biệt về kích thước của nó, và tùy theo các loại gỗ của người ta dùng đểlàm nó.Tiếng mõ giữa cho buổi lễ được trang nghiêm lại và cũng giúp cho người takhông bị phân tâm trong lúc dự lễ. Do đó, thuật ngữ Duyệt chúng có nghĩa là người đánh mõ đúng điệu và đúng cú pháp, từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, hầu giúp cho mọi người dễ dàng theo đúng nhịp trong lúc tán tụng kinh sám hay trì chú.

Mõ cũng gọi là Mộc ngư 木魚có nghĩa Cá gỗ, theo từ điển Hán Việtvà trong các từ điển quốc tế có các tên như sau: Wooden fish (tiếng Anh), Poisson en bois (tiếng Pháp), Mokugyo (tiếng Nhật),  Moktak, 목탁 (tiếng Hàn quốc), Shingnya, ཤིང་ཉ (tiếng Tây Tạng), Mu Yu, 木魚 (tiếng Trung Quốc).

Người Đài Loan gọi mõ là Bang tử (梆子), Xao tử (敲子) hay Xao tử bản (敲子板)  và họ phân ra thành 4 loại: Nam bang tử (南梆子), Hà Bắc bang tử (河北梆子), Trụy bang tử (墜梆子) Tần bang tử (秦梆子) để thích nghi cho các nhu cầu trong các nghi thức hành lễ khác nhau.
Người Hàn Quốc gọi mõ là Mộc Ngư cổ (목어고-木魚鼓) Ngư cổ (어고-魚鼓) Ngư bản (어판-魚板).

Những thứ âm thinh của Chuông, Trống, Khánh, Mõ , Pháp khí đan xen hòa nhịp cùng tiếng Kinh kệ ngân nga, sẽ tác động đến tâm thức người thọ trì, thân, khẩu, ý tam nghiệp thanh tịnh, ảnh hưởng đến cảnh vật xung quanh, tạo ra môi trường tích cực hành thiện, xã hội an vui, thế giới hòa bình.

Sự tích Mõ gắn liền với Phật giáo:
Ngày xưa, có một vị Hòa thượng Trụ trì ngôi Cổ Tự ở ven sông thôn quê. Mỗi khi có việc về Thị Thành, Ngài quá giang bằng chiếc đò ngang. Vào dịp rằm tháng bảy, Ngài quá giang ra tỉnh để chủ lễ một đàn kỳ siêu. Khi đò ra giữa dòng thì thấy sóng nổi lên ầm ầm làm cho thuyền tròng trành muốn đắm. Ai nấy ở trên đò cũng đều hoảng hốt, thì ngay lúc ấy, bỗng nhiên thấy nổi lên trên mặt nước, một con cá Kình rất lớn, dương hai mắt đỏ ngầu mà nhìn chăm chăm vào vị Hòa thượng kia. Nhưng Hòa thượng vẫn bình tĩnh ngồi niệm Phật.

Con cá liền cất cao cái đầu lên khỏi mặt nước mà lắp bắp cái miệng nói: “Hỡi hành khách ở trên đò, các người muốn được yên lành, hãy liệng lão xấu ác xuống đây cho ta, để ta nuốt chửng nó đi cho hả cơn giận. Các người có biết không? Trước đây, ta theo lão tu hành, lão không chịu giảng dạy chi cả, cứ buông lỏng cho ta muốn làm gì thì làm, không hề răn dạy. Vì vậy, ta mới sinh ra lười biếng, chỉ lo rong chơi ăn ngủ theo thế tục thường tình, không thiết gì tới công phu bái sám, ăn chay niệm Phật và công quả việc Chùa. Không những thế, mỗi khi có đám tiệc lại để cho ta mang hậu đắp y Ca sa để khoe khoang với đại chúng và bổn đạo. Vì những tệ đoan như thế, nên sau khi ta chết, phải đọa vào loài súc sinh, làm thân cá Kình, đi tới đâu thì ồ ạt tới đó, làm cho những tôm cá chạy đi hết, không có cái gì để ăn, phải chịu đói khát, rất cực khổ, khổ còn hơn loài quỷ đói nữa. Vì thế mà ta chỉ oán lão thôi, còn các người đối với ta vô can, ta không muốn làm hại ai cả”


Nghe cá nói xong, Sư liền mỉm cười mà đáp rằng: “Này nghiệt súc, nhà ngươi nói thế mới thật là thậm ngu. Há ngươi không hiểu câu phương ngôn ‘Ðạp gai, lấy gai mà lễ, hay sao?’ Nếu ngươi đã biết vì tạo những tội lỗi như thế mà phải đọa làm thân cá thì nhà ngươi cần phải ăn năn sám hối tội lỗi và tạo duyên lành, ngõ hầu mới được tội diệt phúc sinh, rồi mới mong thoát khỏi được quả báo. Ta là Thầy ngươi, mỗi khi dạy ngươi đúng theo giới luật, thì ngươi bảo là quá nghiêm khắc, hay la mắng quở trách, còn thả lỏng cho ngươi không nghiêm trị, thì ngươi quen tính phóng túng, thành thử mới phải đọa làm loài cá. Một khi bị đày, ngươi cần phải sám hối và báo cho ta biết để tụng kinh siêu độ và xả tội cho, còn nếu như muốn ăn thịt ta thì lấy ai để cứu ngươi nữa. Ðã có tội, không biết ăn năn mà còn kiếm cách đỗ lỗi cho người. Phạm Phật thì có Tăng cứu, còn như phạm Tăng thì Phật không độ. Ngươi có hiểu câu đó chăng?”

Sư cụ quở vừa dứt lời, thì cá Kình kia cũng lặn chìm xuống dưới đáy nước.

Kế đó, sau bảy ngày đêm vang tiếng tụng kinh cầu siêu độ tại chùa, thì cá Kình liền trồi lên mặt nước, lết thẳng tới sân Chùa, nằm dài và hướng vào trong Chùa mà nói rằng: “Bạch Thầy, mấy hôm nay, nhờ công đức của Thầy và chư Tăng Ni, Phật tử chú nguyện và tụng kinh siêu độ cho, nên con đã được tiêu nghiệp, thoát kiếp cá Kình và lên cõi trời Dục Giới. Trước khi lên cõi Trời để hưởng sự khoái lạc của chư Tiên, con xin đến đây thành tâm lễ tạ ơn Thầy cùng chư Tăng Ni, Phật tử và con nguyện lưu cái xác thân cá Kình tại chùa để mỗi ngày, chư Tăng Ni, Phật tử cầm cây gõ lên đầu con, ngõ hầu làm gương cho những vị nào tu hành còn biếng nhác, ưa khoe khoang, tự cao, tự đại, không chịu khép mình vào vòng giới luật và cũng là để nhắc nhở cho những vị ấy nhớ tới bổn phận tu tâm, hành đạo, để khỏi xao lãng công phu bái sám, niệm Phật tu thiền, thúc liễm thâm tâm, nghiêm trì giới luật.”


Vì sự tích như đã kể ở trên, mà từ ngày ấy tới nay, Mõ mới được chạm khắc theo hình con cá để làm kỷ niệm mà thức tỉnh người tu hành.

Chùm ảnh mõ Kình Ngư Hàn Quốc, đa dạng phong phú, nhiều màu sắc mang đậm nét văn hóa dân tộc Hàn Quốc. Trân trọng kính mời quý bạn đọc cùng gõ mỗi chiếc vài tiếng để thưởng thưởng âm thinh của những chiếc mõ Kình ngư của Phật giáo Hàn Quốc:


Thích Vân Phong