×

Iklan

Chùa Hương - Phước Hưng (Tp. Sa Đéc)

TT-TT - 7.3.15 Last Updated 2022-03-11T22:32:00Z
    CHIA SẺ
Phước Hưng Cổ Tự hay Chùa Hương đã có mặt tại Sa-đéc từ thời khai hoang lập ấp của tiền nhân. Theo lịch sử của chùa ghi lại, chùa do cộng đồng người Minh Hương trên đường lánh nạn, tìm đất dung thân chung nhau xây cất.
Cộng đồng Minh Hương vì ảnh hưởng Phật giáo tại quê nhà, nên đi đến đâu, mặc dù xứ lạ quê người, nhưng họ vẫn cố gắng duy trì, bảo tồn văn hoá Phật giáo một cách triệt để.  Người Việt Nam cũng có truyền thống tốt đẹp này, khắp nơi trên thế giới, ở đâu cũng có cơ sở tôn giáo.

Ngoài chuyện đời sinh con đẻ cái, gây dựng hạnh phúc gia đình, làm ăn buôn bán, họ còn nhắm đến an sinh xã hội, giáo dục đạo đức, bằng cách xây cất bệnh viện, trường học và nhị tỳ. Họ cũng không quên đời sống tâm linh, nên khi còn sinh tiền, họ nghĩ đến chuyện giảm bớt hậu quả khi lỡ bị tai ách trên dương gian, hoặc đến lúc lâm chung trở về bên kia thế giới. Trên tinh thần đó, cộng đồng người Minh Hương tại Sa-đéc đã không ngại khó khăn gian khổ buổi ban đầu, chung vai sát cánh, kẻ công người của kiến tạo ngôi chùa mang tên Minh Hương, để tưởng nhớ nguồn gốc tổ tiên ông bà và nơi xuất xứ. Sư tổ Như Diệu, người Hoa chánh thống, là vị khai sơn trụ trì. Lần hồi đến lượt Sư tổ Minh Phước, người Việt thuần gốc, và từ đây mạng mạch của chùa Hương do quý Tổ sư người Việt nối lửa tiếp đèn. Có lẽ vì người Hoa thích đi con đường phước thiện, nhân thiên hơn con đường giải thoát thành Phật, nên giới xuất gia trong động đồng người Hoa tại đây, đến thời tôi không thấy ai. Trong khi người Việt lại thích giải thoát giác ngộ hơn, mặc dù đang bận bịu sống trong xã hội bon chen thế tục.

    
Như những ngôi cổ tự trải dài trên gấm vóc quê hương, Phước Hưng khi mới thành lập không phải như bây giờ. Qua nhiều đời trụ trì, nhờ đức độ tu hành của liệt vị Tổ sư, nhờ công sức đóng góp của bá tánh thập phương, cộng với trí tuệ sáng tạo của các nghệ nhân mới có được hình dáng nguy nga, trang nghiêm, không kém phần cổ kính như ngày nay. Nào ‘lưỡng long tranh châu’ trên nóc chùa được thiết kế bằng vật liệu truyền thống như: Ô dước, vôi trắng. Nào những miếng gốm đủ thứ sắc màu, đủ kích cỡ được kết hợp, dán dính một cách tài tình, làm cho ngôi cổ tự tăng thêm giá trị nghệ thuật. Nói nghệ thuật chứ cũng cần phải có Phật tâm. Vì nếu không có lòng tin tuyệt đối, cộng với sự gia công tu trì ngày đêm của vị trụ trì đương thời, của quý Phật tử thập phương xa gần, thì làm gì có được vẽ đẹp trang nghiêm, phảng phất hương vị giải thoát nơi chốn già lam chứ!

Chùa Hương được thiết kế theo hình chữ Sơn. Đây là truyền thống kiến trúc chùa của người Trung Hoa lẫn Việt nam từ lâu đời. Còn một lối kiến trúc nữa là cất theo hình chữ Khẩu. Tuyệt đại đa số chùa của Hoà Thượng Tinh Vân bên Đài Loan hoặc ở Úc đều cất theo hình chữ Khẩu. Riêng ở Việt nam, nếu có dịp tham quan miền Bắc, mô hình chữ Khẩu đã được liệt vị Tổ sư từ thời khai quốc, đến đời Lý-Trần sử dụng nhuần nhuyễn. Có người nói, đó là sự kết hợp tài tình trong phong thuỷ để cho chùa được sung túc và trường tồn. Nhưng mình muốn mà nhân duyên không muốn thì cũng đâu được. Lớn và tầm vóc cỡ Trúc Lâm và Kỳ Hoàn Tinh Xá bên Ấn độ còn phải tan nát điêu tàn. Rộng và được sự ủng hộ của chính quyền cỡ Thiếu Lâm Tự bên Trung Hoa cũng bị huỷ diệt theo thời gian. Tất cả đều phải thuận theo qui luật vô thường, thành-trụ-hoại-không của đất trời vũ trụ. Có lúc sung túc, thập phương bá tánh tới lui cúng kiến ì xèo, thì phải chấp nhận những tháng năm vắng hoe, không một bóng người lai vãng. Không chừng nhờ những lúc như vậy, nhà chùa chẳng bị chi phối việc đời nhiều, thầy-trò trong chùa có thời gian tu rục, đến khi thành Phật, vậy mà hay! Triết lý thịnh-suy, thăng-trầm nằm ở chỗ này. Người học đạo hay chưa học Phật đều phải ghi nhớ và chấp nhận triệt để!

Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, chùa có tất cả 8 mái, theo cấu trúc 2 cấp. Phía trên đều lợp ngói âm dương truyền thống như những ngôi chùa thuở xưa. Xung quanh có hình đắp nổi, cỏ cây hoa lá chim muông đủ loại, lại thêm tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng theo kiểu Trung quốc. Tất cả đều kết hợp hài hoà giữa sắc màu, vật liệu xây dựng, trong đạo có đời, trong âm có dương, như ánh trăng ảo huyền lung linh diễm lệ!

Chánh điện chùa Hương thờ phượng theo lối văn hoá cổ Đôn Hoàng bên Trung Quốc. Lúc tôi nhập hạ nơi đây, bộ Tây Phương Tam Thánh bằng gỗ đã ngả màu nhang khói rồi. Nghe nói sau này, được duyên lành, có Phật tử phát tâm sơn son thếp vàng cho rực rỡ không thua những tượng Phật của các chùa bên Thái lan. Những tượng Phật, tượng Bồ tát, và các pháp khí trên chánh điện đa phần có tuổi thọ không dưới trăm năm. Đặc biệt, trên chánh điện còn có cái mõ bằng gỗ, chạm hình song ngư tinh xảo, nặng hơn 10 ký, được Tổ Vĩnh Tràng thỉnh về từ Hà Tây ngoài Bắc. Nghe nói Tổ Vĩnh Tràng phát nguyện du hoá tận vùng kinh bắc, vừa đi bộ vừa niệm Phật, thành tâm thỉnh về chùa này làm pháp khí phụng thờ. Ngoài ra, chùa còn có tôn tượng đức Hộ pháp, đức Tiêu Diện bằng đồng, nặng trên 30 ký, có tuổi thọ bằng tuổi của Tổ Vĩnh Đạt. Chiếc trống Bát Nhã nguyên bộng cây tròn vừa lớn lại vừa xưa. Tiếng trống phát ra âm thanh rất hùng hồn, ai nghe cũng thích. Chiếc Đại Hồng Chung, âm thanh u nhã vô cùng, chỉ cần thỉnh một tiếng nhẹ, trong chùa Kim Huê nghe rõ như ban ngày.

Tôi có duyên lành thỉnh những tiếng đại hồng chung đau buồn để tiễn biệt cố Hoà thượng Chùa Tổ về Tây phương cực lạc. Cũng nhờ những tiếng đại hồng chung vọng ra từ ngôi chánh điện thâm u này, mà cứu vớt biết bao chúng sinh đang còn lặn hụp trong nghiệp chướng trần lao, tỉnh ngộ quay về đường lành bến giác. Sau này, không biết vì lý do gì, hồng chung bị nứt, tiếng chuông không còn như xưa nữa. Thế mới biết, mọi sự vật hữu hình trên thế gian này phải theo định luật vô thường. Đại hồng chung, trống bát nhã hay bất cứ pháp khí gì trong chùa cũng không thoát khỏi định luật tự nhiên, tàn nhẫn, khắc nghiệt này!

Trên chánh điện phía trước còn hệ thống cửa sắt thật dày, thật kiên cố, súng bắn chưa chắc bể. Toàn bộ hệ thống cửa sắt này được thiết tạo nền hoa văn thật công phu, tỉ mỉ. Suốt thời gian nhập hạ ở đây, tôi chưa thấy Tổ Vĩnh Đạt cho phép ai được mở những cánh cửa sắt lớn này!

Giữa Chánh Điện, Tổ Đường là một khoảng trống sâu rộng, giống như cái trũng được tráng xi-măng sạch sẽ. Xung quanh khu vực này, Tổ Vĩnh Đạt để mấy hàng khạp da bò loại lớn chứa nước. Thỉnh thoảng có trên dưới mười con qui, không biết tu ở đây hồi nào, mà nghe được tiếng người, đặc biệt là tiếng của Tổ Vĩnh Đạt. Chiều chiều, sau thời công phu, sau khi dược thạch xong, Tổ Vĩnh Đạt thường ra đây hóng mát, kinh hành niệm Phật, lẽo đẽo theo sau là mấy chú qui này. Nơi bốn góc của khoảng trống, nhà chùa trồng thêm mấy giỏ phong lan tuyệt đẹp, làm tăng thêm vẻ duyên dáng, nhẹ nhàng thâm u, trầm mặc giúp hành giả thư thái khi bước chân lên Chánh điện hay xuống Tổ đường.

Hồi còn nhỏ, tôi được sư phụ dạy rất kỹ câu: “Tiên bái trụ trì, hậu bái Thích Ca”. Nên khi đi đến bất cứ ngôi chùa nào, tôi thường phải vào Tổ Đường để đảnh lễ liệt vị tổ sư khai sơn phá thạch trước, sau đó mới tuần tự tham quan và lên chánh điện lễ Phật.

Khu Tổ đường thiết kế 3 dãy bàn để chư tăng thọ trai trong những tháng ngày An cư kiết hạ. Riêng Tổ Vĩnh Đạt, hằng ngày vẫn dùng cơm ở dãy bàn bìa từ ngoài bước vào. Ngay trung tâm Tổ đường là bàn thờ liệt vị Tổ sư từ thời khai sơn đến đương đại. Những di ảnh, linh vị được thiết trí, tôn thờ trong chiếc khánh bằng gỗ mun, được khắc hoạ, chạm trổ vô số hoa văn vừa tinh xảo vừa uy nghiêm, thoáng nhìn qua cũng dễ sinh lòng cung kính.

Trước bàn quá đường, thời Tổ Vĩnh Đạt làm trụ trì, dãy chính giữa có tôn tượng đức Chuẩn Đề toạ vị trên một bàn thờ bằng gỗ mun thật đẹp. Những ngày lễ lớn hoặc suốt thời gian An cư kiết hạ, dãy bàn giữa này chỉ dành riêng cho chư tôn đức Trưởng lão Hoà thượng chứng minh câu hội về.

Phía trên có một bức hoành bằng gỗ, chạm trổ rất công phu, được viết bằng 3 chữ Hán loại chân phương: Bát Nhã Đường. Xung quanh bức hoành còn có viền điêu khắc nổi bật, đủ đầy mai, lan, trúc, bướm, quạt, giấy bút làm nền!

Khu vực Đông Lang bao gồm phòng cho vị trưởng ban nhà trù, rồi nhà trù, nhà kho và những phòng nhỏ để đón tiếp thập phương Phật tử, bá tánh xa gần đầy đủ thiện duyên tới lui công quả. Phía sau là nhà chứa củi, khu bửa củi, phơi củi, phơi quần áo, dãy nhà tắm và đi một đỗi khoảng 5 thước nữa là những dãy nhà vệ sinh với những cây dừa bao xung quanh.

Khu vực Tây Lang, nguyên thuỷ là những phòng Tăng, phòng lưu giữ pháp khí, pháp bảo. Chỉ cần mở cánh cửa cây, nhìn ra con lộ cái bên ngoài là một hồ nước cỡ lớn. Ngoài rau muống, rau chay, lục bình đủ loại, còn có ếch nhái, nòng-nọc, ễnh-ương đầy nhóc. Đây cũng là nơi cá lóc cá trê sinh sản mau nhất. Những kỳ An cư kiết hạ tại đây, đêm nào cũng nghe những bản hoà tấu của các loại chúng sinh này. Quý Thầy không phải dân thường trú ở Sa-đéc nghe cũng chạnh lòng, nhớ chùa, nhớ nhà, nhớ Phật tử thấy mồ!
     Có một thời, chùa Hương ít người xuất gia. Trên có Tổ Vĩnh Đạt, dưới còn thầy Thiện Huệ, Thiện Chánh, Chí Tâm, Chí Dung, Thiện Hiệp, Thiện Chí, Lệ Hưng, Thiện Chiêu. Khu vực Tây Lang đang còn trống, nên được người khác mượn để làm kho dự trữ phân bón và thiết bị cho các vụ mùa. Tổ Vĩnh Đạt vốn là người hào hiệp và giàu lòng từ ái, nên ai mượn thứ gì trong chùa, Ngài cũng hoan hỷ cho mượn. Mượn thì được nhưng không được lấy làm của riêng. Vì của Chùa là của bá tánh thập phương đóng góp, không riêng một ai, ngay cả vị trụ trì. Có lẽ, đó là quy tắc của Tổ Vĩnh Đạt cũng là triết lý sống của những bậc xuất trần thượng sĩ. Thành thử, sau này đến năm 1981-1982, do nhu cầu khai mở Trường Hạ tại chùa, Tổ Vĩnh Đạt đã lấy lại để làm giảng đường tạm, và khu vực cho quý Thầy tạm trú tu học trong 3 tháng!

Bên trái chùa Hương từ trong nhìn ra là nhà của Bác Sĩ Trí, cất theo kiểu Villa Pháp, thoáng mát, rộng rãi, có nhiều cây xanh xung quanh, nhiều cây mai chiếu thuỷ và cây dừa vàng phía trước vô cùng hài hoà và xinh đẹp. Không biết nguồn gốc và thân thế của gia đình này như thế nào, mà trước nhà lúc đó là con rạch nhỏ, bác sĩ đã nhờ xáng thổi cát lấp lại, làm sạch sẽ, rộng rãi và dễ đi vô cùng. 

Cạnh nhà Bác sĩ Trí là nhà của ông Năm Thiệt. Bà Năm Thiệt khéo tay may y hậu, áo vạt khách cho quý Tăng-Ni và Phật tử đẹp vô cùng. Hồi đó, quý Thầy ở Chùa Hương và Chùa Kim Huê thích mặc đồ do chính tay bà Năm Thiệt may. Nghe nói, sau khi ông Năm Thiệt xuất gia tu ở chùa Hương, bà cũng phát nguyện ăn chay, tu gắt củ kiệu, niệm Phật quyết liệt đến ngày vãng sanh. Khi mãn phần, bà được hoả táng và để lại chút ít xá lợi cho con cháu tôn thờ, nhờ vậy mà tín tâm của con cháu đối với Tam bảo phát khởi nhiều hơn nữa.

Ông Năm Thiệt là Phật tử thuần thành lâu năm ở Sa-đéc, đặc biệt gắn bó với chùa Hương như da với thịt. Ông có trình độ thế học, có tâm đạo và giàu lòng nhân ái, hay giúp người, cúng chùa. Sau này lớn tuổi, đủ nhân duyên, đã được Tổ Vĩnh Đạt đích thân làm lễ thế phát xuất gia, và đặt pháp danh là Thiện Chơn. Mới đầu chỉ làm tăng già ở chùa, tập sự tu học, dần dà ông cũng thấm được mùi tương chao thanh đạm. Thời gian tôi An Cư Kiết Hạ ở đây, Thầy Thiện Chơn lãnh phần thỉnh đại hồng chung mỗi ngày. Thầy tu theo pháp môn niệm Phật, vừa thỉnh chuông, vừa chí thành sám hối, vừa niệm Phật. Nghe nói, sau khi Tổ Vĩnh Đạt viên tịch, Thầy được huynh đệ trong chùa tin tưởng thỉnh cử chức Phó Trụ Trì cho đến ngày theo Phật. Tang lễ của Thầy cũng long trọng, trang nghiêm, có lập tháp tôn thờ trong khuôn viên chùa nữa.

Nhà ông Năm Thiệt hồi đó là Vạn Hoa Viên, sau trở thành Công Ty Du Lịch Đồng Tháp. Nhà này cất trên một khu đất khá cao. Xung quanh cây cối thoáng mát, phía trước còn có hệ thống hồ bơi không thua gì khu vực hồ bơi ở chợ An Đông, Sài gòn. Do nhu cầu phát triển thu hút khách du lịch vui chơi giải trí, nên khu này đã được sửa lại theo kiểu nhà hàng thuỷ tạ ở Đầm Sen-Sài gòn. Những hồ bơi rộng rãi phía trước tự động biến thành hồ nuôi cá, trồng bông sen, bông súng cho khách thưởng ngoạn và dân sành điệu có cơ hội vừa ăn nhậu, vừa câu cá, vừa cho cá ăn mà khỏi tốn tiền mua thực phẩm của cá. Vì dân ăn nhậu khi quá mức dự trử của bao tử, có thể ói mửa tại chỗ, đỡ mất thời gian di chuyển. Trên bàn vẫn sạch sẻ, khỏi mất công lau chùi, phía dưới có cá tiêu thụ tất cả sơn hào hải vị, thì còn gì tiện lợi và sung sướng bằng. Thật là nhất cử mà tam tứ tiện! Ngày xưa Công Tử Bạc Liêu hay công tử Gò Công ăn chơi như thế nào tôi chẳng biết, nhưng công tử Sa-đéc cũng thuộc loại ăn chơi sành điệu, xả láng sáng đi ăn mày, chơi cho tới bến chớ!

Lên một chút nữa là Trường Nam tiểu học, rồi Chùa Quảng Phước của quý sư nữ. Khu vực Trường Nam, hồi đó dễ ngập nước, nên người xưa đã áp dụng phương pháp dẫn thuỷ nhập điền, đào kênh xẻ rạch đưa nước đi ngọt xớt, không còn ngập lụt nữa. Nếu trời mưa dầm dề liên tục, nước chảy không kịp, chỉ ngập vài ngày là hết ngay. Hồi còn nhỏ, tôi hay tới lui khu vực này, có bữa cũng lội vô khu vực Trường Nam chơi với bạn bè cho vui. Có khi còn đi tắt qua nhà ông Mười cho nhanh nữa!

Chùa Quảng Phước là nơi trang nghiêm cho sư nữ tu hành. Chùa này ảnh hưởng câu: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của tổ sư Bách Trượng bên Trung Hoa, nên ai cũng phải lao động. Chùa có đất bên Kiến Phong, ngoài vụ lúa chính, quí sư cô thường trồng đậu nành, đậu xanh, đồ rẫy để kiếm chút đỉnh tiền dư mua kinh sách và những thứ cần dùng khác, hoặc tu bổ sửa sang trong ngoài mà khỏi bận tâm đến bá tánh Phật tử. Cách này, hầu hết những chùa ni ở Sa-đéc và chùa Kim Huê đều áp dụng triệt để và thành công rực rỡ, ngoại trừ chùa Hương. Nhờ phước báu, đức độ của Tổ Vĩnh Đạt đại khai phương tiện, bấm tay, xủ quẻ âm dương, xem ngày khai trương mở tiệm, xây chùa cất nhà, nên tăng chúng nơi đây không làm mà lại dư ăn, thành thử không cần áp dụng phương pháp lao động nầy!

Từ xưa đến ngày nay, chùa Hương đã trở thành mái ấm tâm linh không thể thiếu đối với người dân Sa-đéc. Những ngày thường, người dân vẫn tới lui để thắp hương cầu nguyện và thanh tịnh tâm hồn. Còn những ngày rằm lớn và Tết Nguyên Đán trong năm, thì nơi đây không những trở thành nơi lễ hội rộn ràng, mà còn hướng đến tình thương, thứ tha, bao dung độ lượng, vui vẻ an hoà. Vì vậy, chùa Hương không những đã trở thành nơi chốn thanh bình, nơi chốn sẻ chia ngọt bùi giữa nhân thế đắng cay, mà còn là điểm gặp gỡ, nơi giao thoa các giá trị văn hoá, lịch sử và tinh thần cho tất cả mọi người!

Năm tháng có trôi qua, cõi vô thường dẫu hư hao mệt mỏi, tuổi đời thay nhau chồng chất, nhưng hình ảnh thiêng liêng và những kỷ niệm đẹp về ngôi cổ tự này vẫn mãi mãi trong lòng của tôi cho đến tận ngàn sau.

(Trích trong quyển “Sa Đéc Trọn Đời Nhớ Thương” của TK Thích Thiện Hữu _ Úc Châu)