Notification

×

Iklan

Tiểu sử sư tổ Kim Huê - Chánh Quả (Trụ trì Tổ Đình Kim Huê 1880-1956)

TT-TT - 18.9.14 Last Updated 2022-03-11T22:39:04Z
    CHIA SẺ

Hòa thượng thế danh là Phạm Văn Ngưu, pháp danh Thích Chánh Quả, đạo hiệu Ngộ Giác, là môn hạ dòng thiền Lâm Tế đời thứ 39. Ngài là đệ tử của sư tổ Thích Từ Phong, chùa Giác Hải, Chợ Lớn, Sài gòn, nay thuộc quận 6, Tp Hồ Chí Minh.
TIỂU SỬ SƯ TỔ KIM HUÊ-CHÁNH QUẢ
(Trú trì Tổ Đình Kim Huê 1880-1956)
1. Thân thế:
Hòa thượng thế danh là Phạm Văn Ngưu, pháp danh Thích Chánh Quả, đạo hiệu Ngộ Giác, là môn hạ dòng thiền Lâm Tế đời thứ 39. Ngài là đệ tử sư tổ Thích Từ Phong, chùa Giác Hải, Chợ Lớn, Sài gòn, nay thuộc quận 6, Tp Hồ Chí Minh.
Ngài sinh năm Tân Tỵ, 1880, tại làng Tân Hoà, tỉnh Vĩnh Long, niềm Nam nước Việt. Ngài là con của cụ Phạm Văn Chắc và cụ bà Nguyễn Thị Liên.
Thuở nhỏ, Ngài là bậc thông minh hiếu học, nhưng phần lớn là tự tìm tòi, nghiên cứu. Ngài thông cả Nho học lẫn Phật học.
Nhờ gieo trồng căn lành sâu dày, được phước duyên sinh trong gia đinh trung lưu khá giả nên Ngài có điều kiện học hành và tiếp xúc với nhiều giới tri thức đương thời. Hơn nữa, song thân là người kính tín Tam bảo và hiền lương phúc hậu, thích làm phước bố thí và giúp đỡ người nghèo khổ xa gần nên, ít nhiều gì, Ngài cũng được hưởng phước báu nhân gian và một thời làm Biện nơi làng nguyên quán.
2. Nhân duyên xuất gia:
Mặc dù không phải là bậc ‘đồng chân nhập đạo’, nhưng căn tánh bồ đề đã hằn sâu trong tâm trí, nên sau biến cố gia đình xảy đến, thay vì hờn giận, oán trách tha nhân, Ngài lại mừng rỡ thiết tha tri ân và xin được giao trách nhiệm thế tình lại cho ông Xã Trưởng chăm lo cho gia đình Ngài. Với tâm thức của bậc giác ngộ thế gian vô thường, cuộc đời giả tạm, chỉ có pháp Phật mới có thể dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân. Ngài bắt đầu dạo bước vân du tìm sư học đạo từ Vĩnh Long, Mỹ Tho, Long An và cuối cùng dừng chân tại Chùa Giác Hải, Sài gòn, xuất gia tu học tại đây.
3. Thời Kỳ Tu Học:
- Năm Ất Mão, 1915, đúng 35 tuổi đời, Ngài được bổn sư thế phát xuất gia và cho thọ giới Sa Di tại Chùa Giác Hải. Tại đại giới đàn này, sư tổ Giác Hải-Từ Phong làm Hoà Thượng Đàn đầu. Kể từ năm này, Ngài theo hầu Thầy chẳng rời và ngày đêm siêng năng thọ học với bổn sư, theo tinh thần: “Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật…”.
- Năm Bính Thìn, 1916, sau thời gian chuyên tâm tu học, pháp khí đại thừa bừng phát trong tâm hồn, sư tổ Giác Hải-Từ Phong khuyến khích và cho phép Ngài đăng đàn nhận lãnh giới pháp Tỳ Kheo và Bồ Tát Giới tại đại giới đàn chùa Giác Lâm, Chợ Lớn, do sư tổ Giác Lâm đương vi Hoà thượng đàn đầu. Sau đó, Ngài được tổ Giác Hải-Từ Phong tận tình chỉ dạy những bộ luật căn bản như: Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách, Phật Tổ Tam Kinh, Tứ Phần Hiệp Chú, Phạm Vỏng Hiệp Chú, cũng như Quy Nguyên Trực Chỉ, Di Đà Sớ Sao và Long Thơ Tịnh Độ.
- Năm Đinh Tỵ, 1917, vốn là bậc linh căn thông tuệ, lại được sư tổ Giác Hải-Từ Phong tin tưởng đạo lực và khả năng, nên sau khi chính thức trở thành bậc ‘bố ma phá ác’, Ngài đã được Hoà thượng bổn sư chỉ đạo giảng dạy bộ Long Thơ Tịnh Độ cho chư Tăng nội tự am tường. Cũng trong thời gian này, với tinh thần cầu học không mỏi mệt của ‘Thiện Tài Đồng Tử’ trong kinh Hoa Nghiêm, Ngài đã trực tiếp đến tham vấn với chư tổ đức danh tiếng đương thời như: Chùa Giác Lâm, Chợ Lớn, và Tổ Thiên Thai, Bà Rịa.
http://www.daophatngaynay.com/vn/files.php?file=images/2013/quy4/998498_225935017563662_1750212419_n_286898065.jpg
Tổ đường chùa Kim Huê.

 4. Thời Kỳ Hành Đạo:
 -Năm 1920, vâng lời chỉ dạy của Hoà thượng bổn sư, từ Sài gòn-Gia định, Ngài bắt đầu quay gót trở về vùng đồng bằng sông nước, rảo bước du phương, dấn thân hoằng pháp độ sinh, báo đền ân sâu Tam bảo.
 Trên bước đường du hoá, Ngài ghé qua ngôi chùa Long Phước, tỉnh Vĩnh Long. Một mặt, thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, đồng thời trao đổi giáo lý đại thừa và luật tạng với Hoà thượng Pháp Hải, vốn là một trong những bằng hữu khi quý Ngài còn ẩn thân tại gia cư sĩ. Ân tình này đã được mọi người nơi quê nhà đón nhận một cách chân thành. Ngài được Hoà thượng Pháp Hải cung thỉnh ở lại để hướng dẫn Tăng chúng nội tự về luật học cương yếu và pháp môn tu tập hành trì.
 - Năm 1921, trong vai trò hoằng pháp, khi Vĩnh Long, Trà Vinh, lúc Sa-đéc, Cao Lãnh, Ngài vừa giảng dạy luật học, vừa hướng dẫn Tăng-Tục phát tâm thọ Bồ tát giới. Có lần, Ngài đến tham vấn Hoà thượng Thích Chánh Tín, đang trụ trì Chùa Kim Huê. Từ đó, nhân duyên pháp lữ sâu dày, Hoà thượng trụ trì vốn là người mến đức trọng tài, lần hồi hai Ngài trở thành đôi bạn tâm giao trong ngôi nhà Phật pháp.
 Như đất lành đang chờ chim đậu, như mùa xuân đang chào đón trăm hoa đua nở. Nhận thấy đức độ, đạo phong của Ngài có thể gánh vác và phát triển Phật giáo tại Sa-đéc, Hoà thượng Chánh Tín đã hoan hỷ cung thỉnh Ngài đảm nhận trách vụ trụ trì, còn phần Hòa thượng vừa tịnh dưỡng thân tâm vừa chuyên tu tịnh nghiệp.
 Với lời thỉnh cầu tha thiết của Hoà thượng Chánh Tín, vì muốn đáp đền ân sâu Thầy tổ và báo Phật ân đức trong muôn một, Ngài chính thức nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Kim Huê như bắt đầu chấp nhận mọi thử thách gian nan và chông gai trước mắt.
 - Năm 1922, tại chùa Kim Huê, Ngài chính thức khai mở giới đàn truyền trao Bồ tát giới cho hơn 30 vị Tăng-Ni và thiện nam tín nữ. Cũng năm này, Ngài mở lớp giảng dạy tinh thần Bồ tát đạo qua kinh Phạm Võng và nhận trách nhiệm làm Cố Vấn Chùa Long Phước, tỉnh Vĩnh Long.
 - Năm 1923, Hoà thượng Niệm Thiền, viện chủ chùa Long Quang cung thỉnh Ngài truyền trao Tam quy ngũ giới cho Phật tử xa gần. Ngoài ra, vì lòng từ bi quảng đại, muốn cho mọi thành phần thấm nhuần giáo pháp Phật đà, Ngài đã chấp nhận những khó khăn và tiếng đời dèm pha, khi đích thân đến những gia đình chưa đủ cơ duyên cận kề Tam bảo, phương tiện khai hoá, truyền trao quy giới tại tư gia. Quả thật, ý niệm ‘Phật hoá gia đình’ đã được Ngài un đúc vun trồng trong cõi lòng của Phật tử vùng Đồng bằng sông nước.
 - Từ năm 1924 đến 1930, Ngài liên tiếp chuyên tâm mở lớp giảng dạy Kinh luậ tại bổn tự, ngõ hầu phụ giúp chư hành giả xuất gia sống đúng với tinh thần giới luật và đầy đủ hành trang có thể trang nghiêm tự thân, nhiếp hoá tha nhân. Chư Tăng-ni nội tự và nạp tử bốn phương trở về thọ học ngày càng đông dần. Trong số đó phải kể đến những vị ưu tú, bên Tăng gồm có: HT Huệ Hoà, Thiện Hoà, Thới An, Thiện Tường, Thiện Điều, Trí Tịnh, Từ Nhơn, Huệ Hưng, Huệ Phương, Huệ Thông, Huệ Phát, Thiện An, Thiện Tâm, Thiện Thanh, Thiện Tánh…..; chư Ni gồm có quý Ni sư: Như Hoa, Như Ngọc, Diệu Châu, Diệu Kỉnh, Diệu Lý, Diệu Nghĩa…
 - Năm Nhâm Thân, 1931, qua sự giới thiệu của Hoà thượng Bổn sư chùa Giác Hải, Ngài đã trở thành một trong những thành viên sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở tại Chùa Linh Sơn, đường Cô Giang, quận 1, Sài gòn.
 - Năm Quý Dậu, 1932, Ngài được gia đình Phật tử Nguyễn Thị Trượng tại Sa-đéc phát tâm cúng dường, thiết lập đàn tràng khai kinh trì tụng Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa và Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện tại chùa Kim Huê. Mục đích thứ nhất là tạo duyên lành cho mọi người nhận ra Phật tánh nơi mình, cũng như gieo trồng hạt giống bồ đề trong tâm thức. Thứ hai là nguyện cầu quốc dân an lạc, bá tánh thái bình, nhân dân địa phương thấm nhuần Phật pháp. Lễ khai kinh được tổ chức thật trang nghiêm và long trọng. Chư tôn đức tổ sư sơn môn các nơi như Sài gòn, Bà Rịa, Vĩnh Long, Bạc Liêu và tỉnh nhà đồng quang lâm chứng minh chú nguyện.
 Sau lễ khai kinh, ngoài phẩm vật cúng dường trai tăng bình đẳng, Ngài còn hướng dẫn gia đình Phật tử này phát tâm cúng dường cho những ai trì tụng một phẩm kinh Pháp Hoa là 8 đồng (tương đương với 1 chỉ vàng thời đó) và 2 đồng cho những vị tụng một phẩm kinh Địa Tạng. Đây không phải là hình thức mướn tụng kinh như nhiều người hiểu lầm, mà là tâm đức khuyến hoá những vị xuất gia, tại gia phát tâm lành, tưới tẩm hạt giống Bồ đề còn đang tiềm ẩn bên trong của tất cả chúng sinh.
 Cũng trong năm này, Khoá An Cư Kiết Đông được tổ chức tại chùa Kim Huê với sự hoan hỷ gia tâm yểm trợ tinh thần và chứng minh gia bị của chư tổ sư: Tổ Huệ Đăng chùa Thiên Thai, Bà Rịa; Tổ Mẹ Nội, chùa Phước Lâm, Sa Đéc; Tổ Bửu Chung chùa Phước Long, Rạch Ông Yên Cái Tàu Hạ đương vi chứng minh; Tổ Chánh Thành chùa Vạn An, Cầu Cái Xép Nha Mân; Tổ Khánh Anh chùa Phước Hậu, Vĩnh Long đương vi pháp sư. Ngài được đại tăng cung thỉnh đương vi Chủ đàn kiêm Tuyên luật sư.
- Năm Giáp Tuất, 1934, Ngài được cung thỉnh đương vi Tuyên Luật Sư tại Đại giới đàn Chùa An Phước, làng Định Yên, Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc. Cũng trong năm này, Ngài được cung thỉnh làm Cố Vấn Ban Trị Sự Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học.
 - Năm Ất Hợi, 1935, Ngài được cung thỉnh làm Hội Trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. (xin xem Từ Bi Âm năm thứ 4, số 75 để biết thêm)
 -Năm Bính Tý, 1936, Ngài được cung thỉnh đương vi Tuyên Luật Sư tại đại giới đàn chùa Vĩnh Hoà, tỉnh Bạc Liêu, do Hoà thượng Huệ Viên tổ chức. Trong đại giới đàn này, Hoà thượng Bửu Chung, chùa Phước Long đương vi Pháp sư; Hoà thượng Chánh Thành, chùa Vạn An đương vi chứng minh.
 - Năm Kỷ Mão,1939, bà Chín và bà Mười ở Sa Đéc phát tâm cúng dường chùa Phước Huệ 2 lần, nhưng Ngài đều từ chối không nhận. Đến lần thứ 3, hai gia đình này đích thân đến chùa Kim Huê, thành tâm tác bạch cúng dường trước đại chúng đang nhiếp niệm thọ trai. Trong thế giới “ngũ quán tam đề”, Ngài đã phát khởi đại bi tâm hoan hỷ chấp nhận, nhưng nêu ra 2 điều kiện để cho nhị vị thí chủ này trọn vẹn phước báu, tăng trưởng căn lành và giữ vững niềm tin sâu sắc nơi Tam bảo: (a) Nếu hai bà sau này phát tâm xuất gia thì chỉ được cất cốc trong khuôn viên chùa, nương theo thời khoá hành trì của đại chúng; (b) Từ đây về sau, mỗi khi đến chùa Phước Huệ, chỉ với tư cách là những Phật tử thuần thành, chứ không được phát khởi tâm niệm chủ chùa hay là người quan trọng có công nhất.
 - Năm Tân Tỵ, 1941, Ngài tổ chức Đại giới Đàn tại Chùa Kim Huê. Trong năm này, Ngài chính thức cử hành lễ nhập tự tại chùa Phước Huệ và mở lớp đào tạo, giáo hoá ni chúng. Theo Ngài về chùa Phước Huệ lúc đó có trên dưới 30 vị, trong đó có quý ni sư: Như Hoa, Diệu Châu, Diệu Lý, Diệu Kỉnh, Diệu Nghĩa. Từ đó, nhờ đức độ của Ngài, chư ni khắp nơi quy ngưỡng nương náu tu học càng đông. Trong năm này, Ni trưởng Như Ngọc đủ đầy thắng duyên được Ngài chấp nhận thế độ xuất gia và sau này trở thành một trong những bậc kỳ túc trong hàng ni giới miền Nam.
 - Năm Nhâm Ngọ, 1942, Ngài tổ chức Đại Trai Đàn Kỳ An-Kỳ Siêu nhằm ấn tống 200 bộ kinh Pháp Hoa và Địa Tạng đến tất cả Tăng-Ni Phật tử toàn tỉnh.
 Cũng trong năm này, với tinh thần hoằng truyền luật tạng, tạo điều kiện cho những hàng xuất gia trong và ngoài tỉnh có đủ phương tiện thọ học, Ngài cùng với Hoà thượng Từ Vân, Chùa Tân Long, Tân Thuận Tây, Cao Lãnh, đồng tâm khắc bản gỗ bộ “Tỳ Ni Nhật Dụng, Sa Di Luật Giải, Oai Nghi và Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới.
 - Năm Quý Mùi, 1943, Ngài chứng minh đương kiêm Tuyên Luật Sư Khoá Kiết Đông tại chùa Giác Linh, với sự tham dự của liệt vị tổ sư đức độ đương thời như: Tổ Huệ Đăng chùa Thiên Thai; Tổ Khánh Anh chùa Phước Hậu; Tổ Khánh Hòa chùa Tuyên Linh; Tổ Chánh Thành chùa Vạn An; Tổ Bửu Chung chùa Phước Long…Đây là những nhân tổ để hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo sau này.
 - Năm Ất Dậu, 1945, Ngài được cung thỉnh ngôi vị Tuyên Luật Sư tại đại giới đàn chùa Thới Long, Cao Lãnh.
 Đến tháng 6 âm lịch, Ngài tổ chức đại giới đàn tại chùa Kim Huê theo truyền thống luật nghi. Trong số giới tử về đây lãnh thọ giới pháp, có Hoà thượng Thích Thiện Hoa, thọ Tỳ kheo-Bồ Tát giới.
 - Năm Bính Tuất, 1946, trước tình hình biến loạn và bất ổn, Ngài quyết định giao chức vụ trụ trì chùa Phước Huệ cho Ni Sư Như Hoa đảm trách. Phần Ngài trở lại chùa Kim Huê tiếp tục công việc giảng dạy Kinh Luật cho toàn thể Tăng-ni Phật tử khắp nơi.
 - Năm Mậu Tý, 1948, Ngài tổ chức đại giới đàn tại Chùa Kim Huê. Giới tử trở về thọ giới rất đông, trong đó có: HT Huệ Hưng, HT Thiện Quả (chùa Hồng Liên, Cao Lãnh), HT Trí Châu (chùa Tuyền Lâm-Sài Gòn), HT Trí Thâm… nhận lãnh giới pháp.
 - Năm Kỷ Sửu, 1949, Ngài hướng dẫn Ban giới sư Sa-đéc tham dự đại giới đàn chùa Huê Lâm, Chợ Lớn do Hoà thượng Thích Thiện Hoà, Viện chủ Tổ đình Ấn Quang, đại diện Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức. Phía chư Tăng gồm có: Hoà thượng Huệ Hoà, Trí Quang, Từ Nhơn, Thiện Tâm; phía chư ni gồm có: Ni sư Như Nghĩa, Như Hoa, Như Châu…
 Tại đại giới đàn này, chư tôn đức trong Ban chức sự đã hết sức kính phục trước những hành động nhu nhuyến và tinh thần giới luật của Tăng ni Sa-đéc.
 - Từ năm 1950 đến năm 1953, Ngài khai giảng luật Tứ Phần tại bổn tự cho chư tăng thọ học. Trong số học tăng thời đó có: HT Huệ Hoà, Trí Quang, Từ Nhơn, Huệ Thông, Huệ Hưng, Huệ Phương, Thiện Minh, Thiện Điều… Kể từ đó, như một quy luật không thể thiếu, như một truyền thống của bổn tự, mỗi năm Ngài đều dành thời gian và công sức khai mở Khoá An Cư Kiết Hạ tại chùa Kim Huê cho chư tăng và chùa Phước Huệ cho chư ni tu học. 
 - Đến tháng 4 năm 1954, chùa Kim Huê trải qua 5 đời trụ trì, mái tranh vách đất xiêu vẹo theo năm tháng. Nơi cư trú của chư tăng tại bổn tự không đủ tiện nghi tối thiểu. Vì lo cho sự an nguy và sức khoẻ cũng như chất lượng tu học của mọi người, Ngài đã quyết định khởi công trùng tu, xây dựng lại, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng-Ni, Phật tử.
 Sau 5 tháng ròng rã thi công, thợ thầy làm việc ngày đêm, đến ngày thượng lương để hoàn thiện phần cuối cùng, Ngài chọn ngày 19 tháng 9, nhằm lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm xuất gia cử hành lễ hoàn nguyện-khánh thành.
 5. Giáo Hóa Thần Thông:
 Có một điều kỳ diệu nếu ai ở Chùa Kim Huê đều biết qua sự truyền khẩu của liệt vị tôn đức xa gần.
 a. Cầu Ngài Hộ pháp:
 Thời đó, mái chùa Kim Huê vẫn thô sơ, đời sống dân quê không đầy đủ như những nơi thành thị. Tăng chúng trong chùa thiếu trước hụt sau, nhưng tinh thần tu học thì dồi dào dư dã. Dù vậy, do công năng tu hành và đức độ giáo hóa của Hòa thượng, nên chư Tăng tề tựu về tu học rất đông. Vì chùa không có huê lợi hay tài chính gì, nên chỉ có sáng cháo, trưa cơm, chiều nhịn đói, uống nước lạnh tụng kinh niệm Phật. Nhưng nhờ lòng bi mẫn của Ngài, cộng với sự nỗ lực hòa hợp tu hành của đại chúng, nên Tăng Ni, Phật tử về chùa mỗi lúc mỗi đông.
 Một lần, chùa hết gạo mà không hay. Đến sáng sớm, Ban nhà trù mới trình cho Hòa thượng biết. Nghe xong, nét mặt Ngài vẫn thản nhiên như không có chuyện gì. Ngài dạy đại chúng toàn chùa đắp y hậu chỉnh tề, vân tập trước bàn thờ đức Hộ Pháp nhiếp tâm tụng chú Hộ pháp để chờ xem sự mầu nhiệm của Phật pháp. Quả thật, độ khoảng 9/10 giờ sáng cùng ngày, những Phật tử ngoài chợ chở gạo, thức ăn vào chùa cúng dường. Họ nói là đêm hôm qua gặp Hòa thượng đến thăm và bảo là hôm nay mang tịnh vật vào chùa cúng dường Tam bảo. Quý Thầy tri khách lật đật báo cho Hòa thượng hay, Ngài lại dạy quý Thầy trở về Tăng xá nghĩ ngơi vì đã đủ rồi. Qua việc này, mọi người lớn nhỏ trong chùa mới thấy oai lực của thần chú Hộ pháp và đức độ của Hòa thượng. Từ đó, tín tâm của chư Tăng-Ni, Phật tử xa gần đối với Ngài càng thêm lớn!
b. Độ người ngang bướng ở chùa Phước Huệ:
Thời gian Hòa thượng ở Chùa Phước Huệ là lúc chiến sự xảy ra liên miên. Đất nước dưới sự đô hộ của người Pháp. Nhiều đoàn thể cá nhân ái quốc ra sức chống Pháp, ngược lại, quân đội Pháp cũng tăng cường đàn áp dã man. Có người lợi dụng tình thế bất ổn của xã hội để làm những việc phi đạo đức như: cướp của, lừa đảo, dọa nạt gạt gẫm dân lành. Ở Sa Đéc lúc đó có một thanh niên con nhà khá giả, nhưng lại lầm lạc phá làng, phá xóm, nên bị lệnh truy nã của chính quyền Pháp.
 Khi bị dồn đến bước đường cùng, cha mẹ của anh thanh niên này đã đến van xin cầu khẩn Ngài thương xót cứu giúp chở che bằng cách gữi đứa con hư này vào chùa. Lính Pháp tại Sa-đéc biết được, bèn âm thầm tổ chức quân đội đến chùa Phước Huệ để xét hỏi, bắt anh thanh niên này và làm khó Ngài. Một ngày nọ, khi được quý Ni sư trong chùa báo tin lính Pháp đã bao vây xung quanh chùa. Nghe xong, Ngài vẫn thản nhiên và kéo anh thanh niên này núp sau lưng. Phần Ngài an nhiên nằm trên chiếc giõng đưa qua đưa lại, tay cầm xâu chuỗi niệm Phật. Lính Pháp lục xét trong ngoài rất kỹ và đến trước chỗ Ngài nằm, nhưng vẫn không tìm ra được anh thanh niên hư đốn đó. Rốt cuộc, họ đành đến trước xin lỗi Ngài và trở về tay không. Nghe nói, sau đó anh thanh niên đó đã ăn năn hối lỗi, đảnh lễ đại ơn cứu mạng của Hòa thượng và trở thành người hữu ích cho xã hội!
 6. Những ngày cuối cùng:
 Như vị hóa thân Bồ tát vào đời, Ngài biết trước mọi việc thịnh suy vô thường của cuộc thế, nhất là sự đến đi tự tại của mình. Trước mùa xuân Di Lặc mười ngày, cảm thấy tấm thân tứ đại khiếm an, Ngài đã ân cần dặn bảo khuyên nhắc Tăng-Ni nhất tâm tu học, lấy giới luật và trí tuệ làm kim chỉ nam hướng đạo và hành trì.
 Ngài còn căn dặn quý Thầy thị giả: Huệ Phát, Thiện An, Thiện Tâm: “hễ thấy tôi ngồi hoài không nằm, không ăn uống gì là tôi đi đó”. Lời dặn dò này là minh chứng hùng hồn nhất về việc “lâm mạng chung thời, dự tri thời chí” của bậc xuất trần thượng sĩ.
 Những ngày cuối cùng, quý Hoà thượng các nơi đều đến vấn an, nhất là sư tổ Vĩnh Tràng Chùa Phước Hưng, Sa Đéc thường lui tới trao đổi Phật lý. Mọi người đến thăm, mỗi chuyện được hỏi, Ngài đều hoan hỷ tỉnh táo trả lời ngắn gọn và rành mạch. Ngần ấy thôi, cũng đủ để chứng minh tâm trí của Ngài lúc nào cũng rỗng rang thường tại, sáng suốt phi thường!
 Sáng ngày 13 tháng giêng, năm Bính Thân-1956, Ngài cho triệu tập toàn thể Tăng-Ni môn hạ về Chùa Kim Huê, rồi dạy thay phiên tụng kinh Di Giáo cho Ngài nghe.
 Tâm thức như lắng sâu vào thiền định, cứ khoảng 1 giờ, Ngài mở mắt ra và hỏi thị giả: “bây giờ là mấy giờ rồi?” Hỏi 3 lần như thế, đến đúng 11 giờ trưa, Ngài nói với mọi người: “đến giờ ta đi rồi và dõng dạt đọc: Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp thế thế trường tồn; giới luật nghiêm trì, tòng lâm thời thời hưng thịnh”. Sau đó Ngài mỉm cười thanh thản xả báo an tường trở về cõi tịnh trong lời kinh bi thiết của đệ tử môn đồ. Tiếng chuông mõ gia trì hòa lẫn với tiếng hồng chung bát nhã ngân vang, cung tiễn một bậc Bồ tát hồi quy bảo sở, với bao nỗi luyến tiếc xót xa của Tăng Ni, Phật tử muôn phương! Ngài ra đi nhưng đạo phong, ân đức vẫn còn mãi như mới hôm nào!
 Thọ tuế: 76 tuổi đời;
 Giới lạp: 40 tuổi đạo
 Bảo tháp Ngài hiện tôn trí tại khuôn viên Chùa Phước Huệ, Thành phố Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp.
 Nam Mô Kim Huê Đường Thượng, Từ lâm tế chánh tông, tam thập cửu thế, huý Ngộ Giác, hiệu Chánh Quả, Phạm công tổ sư tác đại chứng minh.
Môn hạ Tổ đình Kim Huê, Tỳ kheo Thích Thiện Hữu phụng soạn.