Notification

×

Iklan

Hòa thượng Thích Huệ Hòa (1898 – 1956)

TT-TT - 22.7.14 Last Updated 2022-03-11T22:39:04Z
    CHIA SẺ
Cái tên ứng nghiệm:
Tăng sĩ chánh tông Lâm Tế, đời thứ bốn mươi, tục họ Lê, tên Doãn, người huyện Châu Thành (Sa Đéc), gia đình nông dân chơn chất, bản tính ít nói hiền lành, được tất cả bà con chòm xóm biệt nhãn, gọi bằng cái tên trìu mến “chú tiểu rạch ông Yên”. Có ai ngờ cái danh xưng đặc trưng đó lại dự báo về một tiền trình to tát “sải cánh chim bằng”.
Đồng chơn nhập đạo:
Mới lên mười tuổi, Hòa thượng đã có lòng thoát tục, thường cùng với người lớn lân la đến ngôi chùa làng lễ Phật nghe kinh. Nhân một ngày nọ bất chợt và thấm ý hai câu bắt vần dung dị:
“Ở thế gian nhiều việc thị phi,
Vào cửa Phật từ bi hỷ xả”.
Hòa thượng tâm sự với các bạn đồng trang lứa: “Tôi rất muốn đi tu”. Sau này mới biết được rằng, theo Ngài, hai câu đó hay vì cắt nghĩa được cái rắc rối của cuộc đời, cái thảnh thơi của đạo, lại dạy người ta biết phải làm gì để được thảnh thơi.
Năm 15 tuổi, được phép cha mẹ, người cầu xin và được cho thế phát xuất gia nơi Hòa thượng Chánh Quả, trụ trì chùa Kim Huê (Chùa Bông), ngôi chùa lớn có tiếng ở tỉnh lúc bấy giờ.
Năm 21 tuổi, thọ cụ túc giới với pháp danh Huệ Hòa, pháp tự Chơn Giảng. Trong ngót 40 năm học kinh hành đạo, dưới sự dìu dắt của vị cao đức tọa chủ Kim Huê đạo tràng, về tự độ Hòa thượng tinh tấn phụng trì tịnh giới, chuyên tu tịnh nghiệp; về độ tha, Hòa thượng giảng kinh dạy luật, truyền giới không biết mệt mỏi. Giảng dạy thường xuyên liên tục các bộ: Trường Hàng, Sa di Luật giải, Địa Tạng, Long Thơ v.v….
Truyền thọ qui giới cho hàng trăm cận sự nam, nữ, mở và dự hàng chục giới đàn tiếp dẫn Tăng Ni. Thu nhận và tài bồi nhiều thế hệ Tăng sĩ, trong đó lớp già nêu cao đạo hạnh theo hướng “viễn ly thế gian siêu xuất thế gian”, lớp trẻ chiếm lĩnh vị trí tiền phong trong trào lưu nhập thế, theo hướng “đạo Phật đi vào cuộc đời”.
Sau khi thọ đại giới, mỗi năm Hòa thượng đều dấn thân sống trải ba tháng an cư kiết hạ. Khóa hạ đánh dấu 34 tuổi đạo tại Giác Nguyên, Khánh Hội, Sài Gòn. Còn cái ngoại hiệu “Chú Giáo” được nhiều người xưng tụng biểu hiện đúng vai trò thường trực người đứng trong hầu hết đàn truyền giới “Giáo Thọ Yết Ma”.
Hai điều tâm đắc:
Trong các buổi “nghe kinh” do Hòa thượng phụ trách, Ngài một mực tuyên dương giới luật và khuyến khích niệm Phật. Hòa thượng thường nói: “Đi tu quí hồ giải thoát, mà tu đốn hay tu tiệm đều tùy duyên nương theo lý hoặc sự. Tùy duyên nhưng không được phá giới, vì giới là nền tảng bất biến của chứng ngộ, chứng ngộ một phần, giải thoát một phần”.
Hòa thượng còn nói: “Hầu hết chúng sanh đều chướng thâm huệ thiển, do đó pháp môn niệm Phật nương tướng kiến tánh là thích hợp nhất để chuyển hóa nghiệp cảm duyên khởi thành pháp giới duyên khởi, mà chỗ tuyệt đỉnh là Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới”.
Trụ pháp vương gia trì Như Lai tạng:
Từ 1948 đảm nhận chức trụ trì do Hòa thượng bổn sư tín nhiệm trao lại. Từ đây, Hòa thượng càng trí lực trau dồi phạm hạnh, giáo dưỡng đào tạo Tăng tài. Không những chu toàn hai nhiệm vụ rộng lớn bao quát “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, Ngài còn cúc cung tận tụy hầu hạ báo đáp ân sự, ưu ái, ân cần chăm sóc đùm bọc dẫn dắt đàn hậu tấn.
An tường thị tịch:
Ngày 19 tháng 6 năm Bính Thân 1956, sau một cơn bệnh nhẹ và sau khi được đưa từ trường hạ Sài Gòn về bổn tự Kim Huê tại Sa Đéc, Hòa thượng nhẹ nhàng từ giã cõi đời mộng huyễn, an nhiên tự tại.
Đối với Hòa thượng, mọi sự tiếc thương của đệ tử đều không bằng nêu gương thân giáo hy hữu gồm trong bốn chữ “giới hạnh cẩn nghiêm”, bằng cách tuân thủ thanh qui, nghiêm trì giới luật, thúc liễm thân tâm, tu hành chơn chánh, có chứng có ngộ để thực sự lợi lạc quần sanh.
Hậu học đạo tràng Kim Huê sưu tập