×

Iklan

Tản mạn về chiếc áo nhà sư

TT-TT - 1.4.14 Last Updated 2022-04-23T02:55:42Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Trong dân gian không biết từ bao giờ đã truyền nhau câu nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu” để nhìn nhận về một sự việc nào đó cần đánh giá đúng sự thật bản chất bên trong chứ không phải vẻ bề ngoài của nó.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà người ta gắn chữ thầy tu và chiếc áo, có lẽ trong lúc này đây thì hai cái chữ "thầy tu" và "chiếc áo" cần được đem ra suy xét thêm.

Có lần tôi nghe một lời giảng thế này: Trong kinh Đức Phật có nói đến một câu truyện, ở đó có một chú sư tử khi đi ngang một gốc cây có để chiếc y của một vị Sa Môn, sư tử  nọ đã cúi đầu đi qua cội cây đó. Đức Phật giảng giải: vì sự uy nghiêm của chiếc y, một hình ảnh gắn liền với các vị xuất gia, nên chú sư tử nọ cúi đầu bước qua.

Đúng vậy, y phục của nhà sư từ lâu đã trở nên rất đổi thân quen, rất đáng kính. Ở đâu có những người khoác lên mình những chiếc áo đó, ở đó có sự thánh thiện. Nhưng có lẽ từ những giá trị mà những chiếc y phục này có được, lại khiến người ta lạm dụng nó như một phương tiện kiếm sống, một mục đích vụ lợi.

Rất nhiều các trường hợp hiện nay, trở thành một nhà sư tương đối đơn giản, chỉ cần cạo sạch lớp tóc và khoác lên mình chiếc áo cửa thiền đã có thể trở thành một vị tu hành đạo mạo, dẫu thời gian và công hạnh tu tập đến đâu không cần biết, quá trình học tập và nghiên cứu kinh điển, giới luật đến đâu chẳng đáng suy xét. Vào các chùa hiện nay, người ta có thể không phân biệt đâu là những vị tu hành thật sự đâu là những vị Phật tử đến góp sức công quả tại chùa (tạm gọi là Người khoác áo nhà sư - NKANS). Đã không ít các trường hợp, người đi chùa đã cúi đầu chắp tay xá hoặc đảnh lễ các NKANS, thậm chí có thể cúng dường với số tiền lớn khi các NKANS này than thở về một sự việc nào đó.

Có trường hợp, bên cạnh ngôi chùa chúng tôi sinh hoạt tu tập, có một người hàng xóm nọ đã có vợ con đàng hoàng, bỗng một ngày khoác lên mình chiếc áo nhà sư, đầu cạo trọc. NKANS này không hề sinh hoạt chung các hoạt động Phật sự tại chùa mà cứ lãng vãng trước cổng chùa, khách viếng chùa từ phương xa đến chẳng biết đâu mà phân biệt.

Có lần khi tham gia giao thông, tôi nhìn thấy một vị thầy vượt đèn đỏ trước nhiều đôi mắt ngỡ ngàng, vì lòng tự tôn của tôn giáo mình, nên sau khi đèn xanh bật sáng tôi cố tăng tốc để đuổi kịp vị thầy đó, để nhắc nhở thầy nhưng khi tiếp cận và nhìn kỷ lại tôi thấy đó là một người đời thường chỉ mặc chiếc áo lam nhà chùa, khoác bên ngoài là chiếc áo ấm.  Quả thật chiếc áo nhà sư đã bị lạm dụng và dựng lên những hình ảnh nhem nhúa từ người mặc nó.

Đạo Phật không phải là tôn giáo của hình thức, vấn đề cốt lõi là bản chất tâm. Nên việc bên ngoài thế nào đã không được quan tâm đúng mức, đó là một trong những yếu tố mà hiện nay các cấp lãnh đạo Giáo Hội không thể có một biện pháp cứng rắn với các hành vi lợi dụng chiếc áo nhà sư này, để cho sự  tùy tiện trong ăn mặc diễn ra, và đã đến lúc mà hình ảnh nhà sư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hình ảnh “sư già” diện thời trang dạo phố gây tò mò, hiếu kỳ đối với nhiều người cùng tham gia giao thông được giải thích là chỉ "tu tại nhà"
Quay lại câu truyện chú sư tử cúi đầu đi qua chiếc áo được Đức Phật nhắc đến, rõ ràng chiếc áo là một hình tượng hay là hình thức bên ngoài rất đáng kính trọng. Nên chúng ta không thể không quan tâm đến việc sử dụng chiếc áo nhà chùa, tránh một cách tùy tiện.
            
Sẵn đây, cũng cần nên quy định thống nhất và màu sắc, kiểu dáng trong việc sử dụng trang phục trong các tự viện.
Cần có quy định về việc thống nhất trong trang phục hiện nay
Chùa Hoằng Pháp đã làm tốt trong việc quy định về trang phục - Điều này minh chứng chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt trong việc thống nhất trang phục trong cả nước
Đã đến lúc cần có một quy định của Giáo Hội mang tính quy tắc về cách ăn mặc, kiểu áo quần, màu sắc cho sự đồng nhất ở tất cả các chùa, các địa phương. Khi nhìn sang các nước theo Phật giáo quanh ta, việc mặc những loại áo nào, màu sắc ra sao được quy định rất cụ thể, đó chẳng phải là cái chúng ta cần học tập hay sao?
Các vị sư Tây Tạng trong trang phục thống nhất cả về màu sắc và kiểu dáng

Lệ Trí