×

Iklan

Ni sư Thích Nữ Tịnh Nguyệt (1925 - 1991)

TT-TT - 24.3.14 Last Updated 2022-03-11T22:39:04Z
    CHIA SẺ
Ni sư Tịnh Nguyệt sinh năm 1925 tại Sa Đéc, trong gia đình có bảy anh em. Năm 18 tuổi, Ni sư đảnh lễ Hòa Thượng Thích Hành Trụ làm Bổn sư thế độ, và được Ngài ban cho pháp danh là Đồng Viên, tự Thông Chiếu, hiệu Tịnh Nguyệt.

Ni sư có ba người anh chị ruột cùng xuất gia: người chị thứ 4 là Ni sư TN Như Thiện (1920 -2009) cố  viện chủ Chùa Phước An, Sa đéc; người anh kế là Thượng Tọa Thích Khánh Nghiêm, pháp tự Thông Trì (1922- 1969), cố trụ trì Chùa Hải Ninh, Tp Hải Phòng.
Ni sư có sức tinh tấn cầu học rất lớn và rất nhẫn nại trong phụng sự đạo pháp. Ngoài sự học hỏi từ Hòa Thượng Bổn sư, Ni sư còn xin phép Bổn sư cùng với bào huynh Thích Khánh Nghiêm khăn gói ra Huế cầu học và sau đó ra tận Nam Định để cầu học Luật với Tổ sư Tuệ Tạng. Từ khi đất nước bị chia cắt Ni sư phải lưu trú tại Hải Phòng trong một thời gian dài.
Sau khi học xong, Ni sư rất nhiệt tâm phụng sự Tam Bảo và sự nghiệp giáo dục.
Sau này, khi có duyên trở vào miền Nam, Ni sư đã mở mang sự nghiệp dạy học của mình. Rồi bước chân hoằng pháp của người về lại quê nhà, Ni sư được mời về Chùa Giác Tôn (huyện Châu Thành, Đồng tháp) và trụ trì ở đấy được vài năm. Nơi đây, ngày nào cũng như ngày nào, hai giờ chiều là Ni sư dạy Luật cho Ni chúng. Rồi, mấy tháng mùa hạ, Ni sư đi vắng luôn để lên Sài Gòn dạy Luật cho Ni chúng các trường hạ như Phổ Đà, Vạn Hạnh, Kim Liên v.v…
Vài năm sau đó, vì chướng duyên Ni sư rời Chùa Giác Tôn, kiến tạo một Tịnh thất gần đấy lấy hiệu là Tịnh thất Hồng Liên. Với tên gọi này, với ước mong Ni sư xây dựng đạo tràng Tịnh độ nơi cuộc sống này.
Ni sư xuất thân là người miền Nam, nhưng vì ra Bắc cầu học và lưu trú tại Hải Phòng trong một thời gian khá dài, nên Ni sư nói giọng Hải Phòng.  Ni sư dạy kinh bằng tiếng Bắc nghe cũng hay hay!
Khoảng giữa năm 1984, khi còn trụ tại Chùa Giác Tôn, Ni sư phải lo trùng tu lại ngôi Chùa Phước An ở Sa đéc do Ni sư Như Thiện ( cũng là chị ruột của Ni sư) trụ trì. Khi bắt tay vào việc, Ni sư bận rộn không thôi, thế mà vẫn vui tươi, bình thản, mặc tiếng đời thị phi.
Hằng ngày Ni sư phải mua vật liệu nội thất và “thồ” vào chùa Phước An bằng chiếc xe đạp cũ: hai cái giỏ treo đằng trước, hai ông voi sành chở đằng sau, nào cái chậu, nào bình hoa, nào tượng Phật. Những thứ này, cũng đã một chuyến du hành bằng xe buýt từ Sài gòn. Mỗi lần vào thăm công trình là Ni sư thồ vài món, cọc cạch cọc cạch mà đi, chiếc áo tràng nâu được vén khéo lên gọn ghẽ. Thật là một Pháp sư với sự chân chất và dễ gần gũi!
Chùa Phước An xây dựng lại trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, nên cả thợ và Thầy đều ăn uống đạm bạc lắm. Kinh nghiệm trồng rau cải được Ni sư mang về từ miền Bắc nên chùa cũng có những món dân dã qua ngày:nào dưa cải, nào gốc đu đủ kho tiêu, nào cà, nào chuối non kho mặn… 
Chùa Phước An lúc bấy giờ (hiện tại đổi thành Tu viện Thường Quang, do Thầy Thích Chúc Hoàn làm trụ trì), vừa thầy vừa thợ là sáu bảy người. Nhờ sự toan liệu khéo léo của Ni sư mà ngôi chùa cũng được hoàn thành. Chùa này Ni sư xây dựng dành cho chư Tăng. Đường vào chùa với cây cầu khỉ mùa mưa trơn trợt khó khăn cho mọi người, nên Ni sư cho dựng cây cầu ván, trụ xi măng. Sau đó, Ni sư mua thêm một mảnh ruộng để chùa canh tác. Nói chung là chu toàn mọi bề hết!
Ni sư có đức hạnh khiêm cung đáng quý với chư Tăng. Có chuyện rất vui, mỗi khi nhắc tới mọi người cười mãi: có lần Ni sư đang cỡi chiếc xe đạp bỗng gặp Hòa Thượng Thích Huệ Phương (trụ trì Chùa Phước Thạnh, Sa đéc) đạp xe đi ngược chiều, bèn vội vàng dừng xe xuống lễ ngài. Một bên thì vội xá chào, một bên thì nhanh chóng đáp lễ, hai bên đều luống cuống ngã nhào, khiến người đi đường phải bật cười kinh ngạc!
Ni sư học Luật nên rất giữ lễ và khuôn phép. Mỗi khi có dịp đi Sài Gòn nhất định ghé đảnh lễ Hòa Thượng Đông Hưng, và có việc gì quan trọng đều trình bạch Ngài. Trước sau nhất nhất đều như vậy.
Có lẽ do phước báo của sự lễ nghĩa trước sau vẹn toàn này, mà Ni sư có diễm phúc diện kiến và thưa chuyện lần cuối với Hòa Thượng trước khi Ngài viên tịch vài giờ. Năm đó, sau chuyến Ni sư ra Bắc để cúng giỗ TT Khánh Nghiêm (kỵ giỗ vào mùng 9 tháng 10), trước khi về Sa đéc, Ni sư ghé vấn an Hòa Thượng. Hôm ấy, rất lạ Hòa Thượng truyền dạy Ni sư rất nhiều điều về việc nuôi chúng, về truyền đặt pháp danh, pháp tự cho hậu bối như thế nào? chữ gì, chữ gì v.v… (giống như lời nhắn nhủ của người sắp đi xa vậy). Sau cuộc hầu chuyện đó, Ni sư lạy tạ ra về, trên đường có ghé chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận, liền nghe tin Hòa Thượng vừa mới thị tịch. Ni sư vội trở về Sa đéc thu vén hành lý, xong quày quả về Đông Hưng thọ tang thầy.
Đến năm 1991, Ni sư thân mang trọng bệnh phải lên Sài gòn cư trú tại Chùa Kim Liên, Quận 4. Tuy nhiên "dược y vô tử bệnh" nên Ni sư ra đi trong sự trợ niệm của Sư huynh trưởng và chư Tôn đức Tăng Ni. Đúng 4 giờ chiều ngày 01 tháng 03 âm lịch năm Tân Mùi, 1991, tiếng chung cổ nơi Phật điện vang lên tiễn Giác linh về Phật quốc.
Ni sư dù đã đi xa, nhưng vẫn để trong lòng hàng hậu học kính phục gương lành trong sáng của người.