PGĐT-Lễ Vu Lan không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng trong tôn giáo, mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc với cội nguồn dân tộc, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Ở một quốc gia đề cao sự nhớ ơn về nguồn cội như chúng ta, khi dung hợp Lễ Vu Lan của Phật giáo với tinh thần báo hiếu, báo ân, như là sự "kết duyên hội ngộ" của một đôi bạn tri kỷ; mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Nếu như chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh các buổi lễ theo nghi thức truyền thống diễn ra tại chùa chiền, nơi có các thời khóa quen thuộc; thì hình thức lễ Vu Lan tại nhà riêng ít được thấy. Tại sao không, khi chúng ta là một dân tộc xem trọng về việc nhớ ơn nguồn cội, ông bà, cha mẹ, sư tổ, đồng bào?
Điểm độc đáo và sáng tạo này, chúng tôi vừa được chứng kiến vào sáng ngày 27 tháng 7 năm Quý Mão, tại tư gia phật tử Đặng Thị Kim Thanh, pháp danh Diệu Liên, ngụ tại xã Định Yên, Lấp Vò, Đồng Tháp.
Buổi lễ diễn ra ấm cúng, nhẹ nhàng với sự riêng tư của gia đình, ở đó con cái được có cơ hội thể hiện tấm lòng, lời nói, hành động với bậc sinh thành, trước sự chứng kiến của các vị thầy khả kính.
Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công
ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì
mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của
cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết
ơn. Đẹp biết bao nếu ta vẫn còn có cha còn có mẹ, mất cha mẹ rồi mới thấy tâm hồn
trống trải, mới thấm thía nỗi cô đơn.
Trong không khí đầm ấm, trang trọng và kính tin, các Phật tử đã cài lên ngực áo Chư tôn đức tăng ni những hoa hồng vàng thắm, được tượng trưng cho sự giải thoát thanh tao của bậc xuất gia tôn quý. Cung đối trước chư tôn đức, Phật tử Diệu Liên cũng dâng lên lời khánh tuế đến chư tôn đức sau 3 tháng an cư kiết hạ được viên mãn, được tăng thêm hạ lạp, cũng như kính dâng lên chiếc y ca sa là món pháp khí để quý ngài tùy duyên phương tiện làm hành trang trên bước đường hoằng pháp lợi sanh.