Notification

×

Iklan

Những hình ảnh trang trọng về lễ đặt bát cúng dường chư Ni trường hạ chùa Đức Long

TT-TT - 4.8.23 Last Updated 2023-08-12T09:40:40Z
    CHIA SẺ

Nhân ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm, sáng ngày 04/08/2023, tại chùa Đức Long, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, phật tử bổn tự đã thiết lập nghi thức đặt bát gieo duyên 70 chư ni tại trường hạ. Tham dự có Ni trưởng Thích nữ Như Trung, Phó BTS Trưởng Phân ban Ni giới PG tỉnh Đồng Tháp, Ni sư Thích nữ Như Lan, Trưởng Ban Kinh tế tài chánh PG tỉnh cùng Ni chúng đang an cư kiết hạ nội tự.


An cư kiết hạ được đức Phật chế định khi Phật còn tại thế, được lưu truyền trong Tỳ ni luật tạng và được tăng đoàn thực hiện cho đến ngày nay. Với mục đích thúc liễm thân tâm trau dồi giới, định, tuệ để chư tăng ni tăng trưởng đạo nghiệp trên lộ trình giải thoát sinh tử. Đây cũng là nhân duyên thù thắng để hàng cư sĩ ngoại hộ có dịp phát tâm cúng dường đến chư tăng ni, ngõ hầu tạo phước lành trong cuộc sống hiện tại để có một đời sống hướng thiện hướng thượng hơn.


Buổi lễ đặt bát cúng dường gieo duyên đã tái hiện trang trọng về hình ảnh của Tăng đoàn thời đức Phật, đồng thời cũng tô thêm nét đẹp về văn hóa Phật giáo suốt mấy nghìn năm lịch sử.


Một trong những phương pháp tu tập và cũng là truyền thống từ thời đức Phật tại thế được truyền thừa cho đến nay đó là nghi thức khất thực. Phật dạy là một Tăng sĩ trước tiên phải trì bình khất thực. Trong Luật Thiện Kiến chép: “Các bậc Thánh nhân trong Tam thừa đều trì bình bát đi khất thực để nuôi dưỡng tự thân”. 


Ôm bình bát bước đi từng bước an lạc, ai cúng dường  (cung dưỡng - nay chạy chữ thành cúng dường) như thế nào, nhận như thế ấy, không phân biệt, nhận đủ lượng mình dùng, sau đó ngồi nơi gốc cây mà thọ dụng. Với ý nghĩa cao đẹp ấy tại đạo tràng an cư kiết hạ chùa Đức Long tái hiện lại hình ảnh tăng đoàn thời đức Phật đi khất thực dưới sự chứng minh của quý Ni trưởng cùng chư tôn đức ni và cùng với sự thành tâm cúng dường của hàng trăm quý Phật tử thiện tín.


Khất thực là pháp căn bản để duy trì sự sống Tăng đoàn Phật giáo, Tăng hành khất thực là bên trong khất thực để nuôi dưỡng thân huệ mạng, bên ngoài khất thực để thuyết pháp độ chúng sanh, vì vậy từ quá khứ chư Phật Bồ tát cho đến chúng Tăng đều phải thọ trì. Trong sách Đầu Đà Kinh có chép: “…Thất Phật quá khứ cho đến các vị Bồ tát phương đẳng đều là những hành giả khất thực”.

Buổi lễ đặt bát cúng dường gieo duyên do phật tử chùa Đức Long tổ chức, đã tái hiện trang trọng về hình ảnh của Tăng đoàn thời đức Phật, đồng thời cũng tô thêm nét đẹp về văn hóa Phật giáo suốt mấy nghìn năm lịch sử.


Khất thực có nghĩa là xin thực phẩm nhưng với ý thức giới luật nghiêm khắc. Đó là cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia, thực hành chính mạng thanh tịnh. Thời Phật tại thế, có những người lợi dụng việc này, là tu sĩ của một số tôn giáo khác, họ thường dùng những phương tiện không chính đáng để mưu sinh, bởi lẽ những công việc ấy nhẹ nhàng, dễ làm, không khó nhọc như các nghề coi bói toán, xem tinh tú, bùa chú, xem ngày xấu, giờ tốt, xem phong thổ, địa lý, xây nhà, đào ao, v…v… Đức Phật nhận thấy đây là điều không thể chấp nhận và không phải là việc làm của người tu sĩ Phật giáo, không phải là hành chánh mệnh thanh tịnh.

Ngày nay, do những biến đổi về nhận thức trong đời sống xã hội, nhiều quốc gia theo đạo Phật, trong đó có tu sĩ Phật giáo Việt Nam đã thay đổi về hình thức nhận cúng dường bằng hành khất thực, để tránh những người mang hình thức nhà tu không chân chính, lợi dụng để này vụ lợi cá nhân. Nên, nghi lễ này thường được gói gọn trong khuôn viên tại các bổn tự, có tổ chức.

Buổi lễ đặt bát cúng dường gieo duyên đã tái hiện trang trọng về hình ảnh của Tăng đoàn thời đức Phật, đồng thời cũng tô thêm nét đẹp về văn hóa Phật giáo suốt mấy nghìn năm lịch sử.