Notification

×

Iklan

Tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Như Hoa (1909-1989)

TT-TT - 5.11.18 Last Updated 2022-03-11T22:39:04Z
    CHIA SẺ
PGĐT-Trưởng lão ni, thế danh Chế Thị Ngàn, Pháp danh Chơn Ngạn, pháp hiệu Như Hoa, nối pháp mạch dòng Thiền Lâm Tế Gia phổ thời thứ 40, sinh năm Mậu Thân (1908) tại làng Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Vốn sinh trưởng trong gia đình trung nông, nhiều đời phụng sự Phật pháp, kính tin Tam bảo. Thân phụ là cụ ông Chế Văn Cảnh, pháp danh Tế Thời và hiền mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Xướng, pháp danh Huệ Phụng, khi tuổi cao hai cụ đều xuất gia học Phật.



Thuở nhỏ, Trưởng lão ni học Quốc ngữ Hán nôm với Hòa thượng Tuyên Luật sư Thích Bửu Phước, chùa Phước Ân, rạch Cai Bường, làng Vĩnh Thạnh. Trưởng lão ni có hai người em gái, một người thuận theo thế tục để kế thừa gia nghiệp, còn người em út đã nối gót Trưởng lão ni ly trần thoát tục xuất gia học Phật, dự vào hàng Thích tử (nay là Trưởng lão ni Thích nữ Như Ngọc 101 tuổi, cố vấn trụ trì Tổ đình ni Phước Huệ, Sa Đéc).

Túc duyên nhiều đời, thiện duyên khai phát, đất Bồ đề được vun bồi, thêm một hoa bát nhã tô điểm chốn tòng lâm, năm 1928 (Mậu Thìn) vừa tròn 19 tuổi xuân, Trưởng lão ni đảnh lễ Đại lão Hòa thượng Luật sư Ngộ Giác Chánh Quả cầu xin xả tục xuất gia tại Tổ đình Kim Huê, Sa Đéc và được Hòa thượng Bổn sư ban Pháp danh Chơn Ngạn, Pháp hiệu Diệu Hoa. 

Năm 1932 (Nhâm Thân), Ni trưởng ra Huế tham học tại Ni trường Diệu Đức, Huế, nay đường  Điện Biên Phủ Phường Trường An, thành phố Huế.

Năm 1936 (Bính Tý), chiến sự bùng nổ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Được tin quê nhà đang có chiến sự, Trưởng lão ni xin phép Ban Giám viện cho trở về quê nhà Sa Đéc thân yêu, cùng chia sẻ nỗi mất mát đau thương với quê hương, cầu học gia giáo với chư tôn đức Trưởng lão Hòa thượng Chánh Thành, Chánh Quả, Bửu Chung, Bửu Phước... 

Năm này, riêng tại Tổ đình Kim Huê, Đại lão Hòa thượng Luật sư Ngộ Giác Chánh Quả mở lớp dạy Kinh luật cho của tăng ni theo học. Các môn học gồm có: Luật tứ phần, Đại luật, Luật Sa di, Phạm Võng, Trường a hàm, Qui nguyên trực chỉ...
Năm 1941 (Tân Tỵ), Đại lão Hòa thượng Luật sư Ngộ Giác Chánh Quả đã nhận ngôi chùa Phước Huệ và đưa ni chúng trên 30 vị về đây tu học, giao quyền cho Ni sư Chơn Ngạn Diệu Hoa đảm trách lãnh chúng ni giới; ngài cố vấn và chỉ chuyên dạy Luật cho ni chúng. Ban Giáo thọ ngoài Hòa thượng Cố vấn còn có thầy Huệ Phương dạy Luận, Ni sư Chơn Ngạn Diệu Hoa dạy Duy Thức...

Năm 1946 (Bính Tuất), Trưởng lão ni chính thức trụ trì chùa Phước Huệ. Từ đây, Trưởng  lão ni mở trường tập chúng tu học tại Ni trường Phước Huệ. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, Trưởng lão ni chủ trương tự tiêu tự sản, vừa tu học, vừa canh tác để tự nuôi sống nêu cao tinh thần “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm, một ngày không ăn), Trưởng lão ni cho canh tác ruộng lúa, sản xuất tương chao tự túc kinh tế nhà chùa, chư ni vừa học kinh vừa lao động sản xuất. Nhờ khéo tổ chức, tương chao Phước Huệ nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nhờ thế nhà chùa có đủ kinh phí duy trì lớp học, cho đến khi các trường ni do Giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập và điều hành từ 1950. 

Với tinh thần yêu nước, Ni trưởng đã âm thầm nuôi giấu chiến sĩ cách mạng hoạt động chống Pháp và lo quân lương cũng như y tế cho các chiến sĩ yên tâm lo chống giặc ngoại xâm, hướng dẫn các cháu trong gia tộc họ Lê dấn thân vào đường cứu quốc. 

Năm 1947 (Đinh Hợi), do phong trào tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, ngôi Ni trường Phước Huệ đành phải hy sinh trong khói lửa hỏa hoạn, để đảm bảo trong việc bí mật hoạt động của các chí sĩ yêu nước, Ni trường tạm gián đoạn thời gian ngắn. Trước cảnh điêu tàn của một ngôi già lam nguy nga tráng lệ, phút chốc trở thành đống tro tàn, có người ngẫu hứng tự đã cảm tác:

Ngôi chùa Phước Huệ đẹp vô song,
Đâu ngỡ giờ đây rụi lửa hồng,
Tưởng đặng ngàn năm lưu vạn cổ;
Nào hay một phút hóa hư không.
Mấy cô nhen nhúm tu bền chí,
Huynh đệ bình an chớ ngả lòng,
Còn đất còn trời còn Phật đạo;
Cuộc đời suy thịnh bởi Thiên công.

Năm 1956 (Bính Thân), Giáo hội Tăng già Nam Việt chính thức phân công, giao nhiệm Ni bộ Bắc tông, thiết lập Nhị bộ Tăng già như thuở đức Phật còn tại thế, nhị bộ Tăng già song hành dấn bước, tuyên dương Diệu pháp, đào tạo thế hệ trẻ kế thừa mạng mạch Phật giáo. Trưởng lão ni, một trong những người đồng vận động Đại hội thành lập Ni bộ Nam Việt, được tổ chức tại chùa Huê Lâm ngày 06 và 07 tháng 10 năm 1956, từ đây Trưởng lão ni dồn hết tâm lực vào việc góp phần giáo dục đào tạo nhân lực cho Ni bộ Bắc tông.

Năm 1958-1960, Trưởng lão ni được tín nhiệm và suy cử chức Giám viện Ni trường Dược Sư, Gia Định (nay đường Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh), tự nhận thấy cần dấn thân hơn nữa với lý tưởng Bồ tát đạo, xả kỷ vị tha. 

Ni trường Dược Sư phát triển tốt, học chúng ni các nơi quy tụ càng đông. Đáp ứng nhu cầu tu học cho ni chúng, năm 1959, Trưởng lão ni nhận lãnh thêm chùa Thiên Hậu (Phước Hậu ngày nay), tọa lạc tại số 120/16 Trần Hưng Đạo - Quận nhất - TP.Hồ Chí Minh.

Chiến tranh leo thang, gieo rắc thêm tang thương, những mảnh đời bất hạnh tăng nhanh với những trẻ mồ côi cơ nhỡ không nơi nương tựa, Trưởng lão ni quyết tâm thành lập Ký Nhi Viện Dược Sư, đồng thời làm Cố vấn trong hai năm từ 1960 đến 1962.

Pháp nạn 1963 (Quý Mão), nhiều vị tăng, ni bị bố ráp, giam cầm trên khắp hai miền Trung - Nam đất nước, có một số vị bị đày đi Rạch Cát, bị giam cầm ở Chí Hòa… Trong hoạn nạn đó Trưởng lão ni đều chung sẻ chia.

Sau Pháp nạn năm Quý Mão (1963), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời ngày 04/01/1964, Trưởng lão ni đã tích cực tham gia vào việc thành lập Ni bộ có trụ sở Trung ương tại chùa Từ Nghiêm, nay đường Bà Hạt, phường 4, quận 10, phường 4, quận 10, TP.Hồ Chí Minh.

Phong trào đòi hòa bình của Phật giáo miền Nam (1965-1973) đã góp phần nêu cao chính nghĩa cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc của nhân dân miền Nam. Bằng những hoạt động phong phú, đặc biệt là với lý luận đanh thép và hành động quyết liệt, phong trào đấu tranh đòi hòa bình của Phật giáo đã từ trong Giáo hội ra ngoài quần chúng tín đồ, cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế, góp phần tạo ra một sức ép chính trị, thúc ép Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/01/1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trưởng lão ni Như Hoa an nhiên xả báo thân, thể nhập Pháp thân vào lúc 08h40 phút (giờ Canh Thìn, ngày Canh Thân, tháng Giáp Tuất, 28/09/Kỷ Tỵ (27/10/1989). Trụ thế 81 Xuân, giới lạp 60 Hạ.
Nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng, ni bị chính quyền Sài Gòn giam cầm, nhiều cuộc biểu tình đòi quyền sống, chấm dứt chiến tranh của tăng ni, phật tử diễn ra làm chấn động thế giới. Ý thức hệ từ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa nội bộ Phật giáo lúc đó ngày càng mâu thuẫn và mầm mống chia rẽ, điển hình là Việt Nam Quốc Tự ngôi chùa hiện hữu do thành quả tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo đã chìm trong tang tóc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, Trưởng lão ni về Việt Nam Quốc Tự đảm nhận chức Trưởng ban Hậu cần cho tăng ni và phật tử, đây là giai đoạn phức tạp vì nhiều quần chúng, tăng ni và phật tử tụ tập tại đây.

Từ năm 1968 đến 1975, biến cố thiên tai bão lụt khủng khiếp xảy ra tại miền Trung, ở hải ngoại thì bà con Việt kiều đang sinh sống tại Campuchia bị chế độ cầm quyền tại đây đàn áp nên phải hồi hương. Đây là trọng tâm cứu trợ của Giáo hội, Trưởng lão ni là một trong những cán bộ đắc lực theo phương châm: “Nơi nào phật sự cần thì đến, phật tử cần thì đi, không ngại gian lao chẳng từ khó nhọc”.

Sau năm 1975, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vì tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Trưởng lão ni đảm nhiệm chức Giám viện Ni trường Từ Nghiêm. 

Năm 1981 (Tân Dậu), Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội, Trưởng lão ni đã tham dự tại Đại hội này và được Đại hội suy cử chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiếp theo năm 1982, là thành viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Trưởng lão ni vẫn lo đến phật sự tại quê nhà (tỉnh Đồng Tháp) như: 

- Thành lập Tỉnh hội Phật giáo.
- Xây dựng lò thiêu cho tăng ni, phật tử.

Cuối đời Trưởng lão ni về lại Tổ đình Ni viện Phước Huệ, Sa Đéc dưỡng bệnh và cố gắng góp phần cho kế hoạch mở trường Cơ bản Phật học Đồng Tháp, hạnh nguyện trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cho đến hơi thở cuối cùng. 

Trước phút vĩnh ly Ta bà, chúng đệ tử vây quanh, Trưởng lão ni hoan hỷ mỉm cười từ biệt và đọc bài kệ rằng:

來時歡喜去時悲
悲有人情各有之
地日相逢悲喜樂
來時歡喜去時悲

Lai thời hoan hỷ, khứ thời bi,
Bi hữu nhân tình các hữu chi,
Địa nhật tương phùng bi hỷ lạc,
Lai thời hoan hỷ khứ thời bi.


Vân Phong