PGĐT- Phật giáo vốn dĩ không phải
là một tổ chức tôn giáo ưa thích sự ồn ào, náo nhiệt. Người tìm
đến đạo Phật luôn tìm kiếm sự vắng lặng, cả ngoại cảnh lẫn trong
tâm hồn, để có thể lắng lòng, rọi lại bản thân từ đó thay đổi
mình.
Đội ngũ truyền thông Phật giáo tác nghiệp - Ành: internet |
Trong khi, truyền thông lại
mang hơi hướng của sự náo nhiệt, khơi những vấn đề nóng bỏng, để
công bố rộng rãi ra quần chúng.
Đại hội Phật giáo toàn quốc
lần thứ VII - 2012 diễn ra, khi bàn về việc thành lập các Ban Thông
tin - Truyền thông trực thuộc các tỉnh hội, nhiều chư tôn đức cũng đã
đưa ra ý kiến về chức năng của công tác truyền thông trong Phật giáo,
đây không phải là công việc dễ dàng, báo chí Phật giáo đòi hỏi rất
nhiều yếu tố mà ở một trang báo thông thường không thể có, đó là
những phẩm chất của người làm báo Phật giáo, bao gồm sự tinh tế
trong dự đoán một vấn đề truyền thông có tính nhạy cảm, là phẩm
chất tu tập và hiểu biết giới luật của người làm báo, bởi làm báo
Phật giáo mà không hiểu những giới luật thì rất dễ khai thác thông
tin sai sót, mà bản thân không tu tập thì dễ bốc đồng và khẩu
nghiệp, làm báo chí Phật giáo không phải có kỹ thuật đưa tin, dựng
tin, quay phim, chụp ảnh với máy móc hiện đại, máy thu phát sóng tối
tân, không phải tiền nhiều là đủ. Khác với báo chí xã hội, người làm
truyền thông Phật giáo phải có sự tinh tế trong lựa chọn thông tin
nào cần thiết, tin nào khoan đăng tải và tin nào không cần thiết đăng
tải, để đem đến cho người đọc một sự định hướng tích cực, nếu
thiếu sự sàng lọc thông tin, hễ nơi nào có điểm nóng là thông tin
xuất hiện hiện ngay sau đó chẳng khác nào chúng ta đang tiếp tay để
làm tình hình thêm “nóng”. Người làm báo Phật giáo phần lớn chưa qua
trường lớp đào tạo chính quy bài bản, nên việc này cần có một Ban
biên tập có chuyên môn vững, biết xử lý câu chữ và nội dung sao cho
các bài báo Phật giáo là một tuyên ngôn của Giáo hội, sự luộm thuộm
trong văn phong lẫn nội dung không rõ ràng sẽ đem đến một tờ báo
nghiệp dư, mà khi tính chuyên nghiệp không có thì khó tạo được sự
thuyết phục về nội dung cho người đọc.
Làm truyền thông Phật giáo
không chạy theo dư luận, không phải nghe đâu đó Đạo tràng này sinh hoạt
sai, nơi kia có tu sĩ lệch hướng...là chúng ta đua nhau để tìm kiếm
thêm những lỗi, để đưa lên mặt báo, để chứng tỏ trang báo mình rất
nhanh nhạy, rất kịp lúc,... sự thật việc này cực kỳ nguy hiểm,
giống như kiểu một giọt dầu diesel rơi xuống mặt hồ tĩnh lặng, nó
sẽ chẳng lan tỏa bao nhiêu nhưng khi chúng ta đưa cánh tay mình khuấy
thêm thì vệt dầu đó sẽ lan cả mặt hồ, cuối cùng để làm gì? để cho
người ngoại đạo “hả hê”, còn phật tử lại sụt giảm niềm tin...nói
như thế không có nghĩa là chúng ta bao che cho những hạn chế, yếu kém
của mình; nhưng việc bao che hay không công bố là hai vấn đề khác nhau,
chúng ta không che đậy, nhưng cũng hạn chế công bố, việc âm thầm chữa
bệnh không đồng nhất với vừa bệnh vừa la làng. Một người nào đó
phát hiện bạn thân của mình bị u nhọt trên cơ thể, anh ta thay vì thông
tin việc này đến bác sĩ hoặc thầy thuốc, thì anh ta lại lựa chọn
cách ra chợ treo bảng: Bạn tôi đang bị nổi mụn nhọt, rất nguy hiểm.
Hoàn cảnh này chỉ nhận thêm sự xa lánh và chê bai về cách ăn ở
thiếu lành mạnh từ người khác mà thôi.
Tục ngữ có câu “Anh em trong nhà, đóng cửa bảo nhau”, đó là
cách xử lý khôn ngoan nhất mà người xưa dạy lại.
Làm báo Phật giáo không có
lương, thậm chí thâm hụt tiền túi các cá nhân, nên khác với các
phóng viên báo chuyên nghiệp, người làm truyền thông Phật giáo phải
có tâm, yêu thích công việc mình làm. Chỉ có tu sĩ và phật tử thực
thụ mới làm được công việc này, nhưng tu sĩ và phật tử không phải ai
cũng được đào tạo bài bản về báo chí chuyên nghiệp; tu sĩ nhiệm vụ
chính là tu tập, viết báo chỉ là hoạt động thêm, và các bài báo thường
phải liên quan đến kinh điển, sinh hoạt giới luật; tu sĩ không thể đi
săn tin, đi vào các địa bàn là điểm nóng của vấn đề, vì rất khó,
ví dụ như có thông tin tại Đạo tràng nọ có cách sinh hoạt tu tập
không theo chánh pháp, người làm báo là tu sĩ không thể đến đó tìm
hiểu và đánh giá đúng sai, vì bản thân vị tu sĩ đó dựa vào tư cách
nào mà dám thẩm định một Đạo tràng là tu sai chánh pháp? Trừ khi
việc đó phải do Giáo hội kết luận và thẩm định, mà Giáo hội phải
do một Hội đồng chư tôn đức giáo phẩm. Đối với phật tử làm báo lại
càng không được nói lỗi của các tu sĩ, của các Đạo tràng, đó là
quy định; Báo chí Phật giáo chỉ được công bố những thông tin đã được
Giáo hội kết luận, việc này vừa đảm bảo tính chính xác vừa hợp
lý ở chỗ báo chí Phật giáo là một kênh phát ngôn của Giáo hội,
nếu báo chí Phật giáo tự tiện đi xác minh và công bố ra công chúng
những kết luận theo hướng chủ quan của mình là điều sai nguyên tắc,
trừ khi đó là một trang tin lá cải. Chúng ta thử nhìn sang các tờ
báo xã hội chính thống, phóng viên muốn đưa một bản tin bao giờ cũng
lấy ý kiến của những người có thẩm quyền phát ngôn hoặc họ dựa
vào các kết luận của một Ban thanh tra, hay lực lượng được quyền
điều tra, trong trường hợp chưa có những kết luận về vấn đề nào đó
từ những cá nhân có thẩm quyền, bản tin chỉ được viết ra theo kiểu
điểm tin sự kiện, tuyệt đối không có kết luận thêm bất cứ thứ gì.
Bàn thêm về vấn đề này, những người làm báo Phật giáo cũng cần lưu
ý là vừa qua Hội đồng trị sự cũng đã ban hành quyết định số
164/QĐ/HĐTS do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS ký về “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin
cho báo chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, để xác định rõ ai là
người được cung cấp thông tin cho báo chí và báo chí chỉ được đăng
tin dựa vào các phát ngôn nào.
Người làm báo Phật giáo
cũng phải lưu ý thêm các thể loại tin tức đăng tải trên báo, thế nào
là tin ngắn, thế nào là tin dài, phóng sự là gì, ký sự ra sao, các
thể loại bài bình luận, tiêu điểm...chứ không phải thể loại nào
cũng trình bày theo một kiểu thể thức na ná nhau, đều đều cho đủ
chữ.
Cần xác định thông tin nào
là cần thiết đưa vào tin ngắn, cái nào đưa vào tin dài. Ví dụ một
sự kiện nhỏ như Lễ Húy kỵ diễn ra tại một Đạo tràng nào đó nhưng
trình bày một bản tin cả mặt giấy A4, trong đó giới thiệu quan khách
tham dự hết 1/2 trang. Có những bản tin chỉ nên đưa vào tin ngắn vì
đó là loại điểm tin sự kiện, không cần dài dòng. Bên cạnh đó lại
có những vấn đề chưa rõ là nhạy cảm hay không nhạy cảm, thì báo
chí Phật giáo hạn chế đưa tin, nếu có thể chỉ là một bài viết nhỏ
vài hàng, cho độc giả biết là đã xảy ra một chuyện như thế nhưng sự
việc cụ thể ra sao thì hồi sau chúng tôi sẽ cung cấp, tránh việc đổ
xô vào một sự kiện viết cùng lúc 2-3 bản tin trình bày lên cùng
thời điểm, làm như thế người đọc có cảm giác: Chuyện khá căng thẳng
rồi đây! Nhưng sự thật chẳng có gì.
Internet phát triển, cùng với
đó là sự phong phú tin tức, đa chiều, rộng khắp; khó tránh khỏi
những loại tin gây nhiễu, phá hoại, nên việc bảo vệ Giáo hội, bảo
vệ tăng đoàn, và đạo tràng tu tập là điều cần thiết, nhất là trong
bối cảnh mạng xã hội đã đưa mỗi người dân trở thành một “phóng
viên”. Báo chí Phật giáo là cần thiết, vai trò của truyền thông Phật
giáo là cần có, nhưng để xác định đúng vai trò và sự cần thiết ra
sao đòi hỏi người làm báo, nhất là trưởng ban biên tập phải có sự
định hướng chính xác cho tập thể mình, và làm truyền thông Phật
giáo không thể mang lại thu nhập cho bất kỳ ai, vì lòng phụng sự tam
bảo nên cần sự đoàn kết, hỗ trợ, tránh sự cường điệu, ồn ào quá
mức...vì truyền thông Phật giáo chính là bộ mặt của Giáo hội Phật
giáo chúng ta.
Lệ Trí