PGĐT-Ngày 09/02/2017, Đài VTC14 đã đưa tin về một vụ phóng sinh với quy mô lớn trên sông Hồng vào ngày 9 tháng Giêng (05/02/2017), bản tin nhấn mạnh đến thông tin có 8 xe tải đã chở hàng chục tấn cá, trong đó có cá chim trắng, một loại cá chỉ được nuôi trong tầm kiểm soát vì độ ăn tạp và hủy hoại môi trường. Điều đáng nói là buổi phóng sinh này lại diễn ra tại chùa Bát Tràng (Hà Nội).
Do là bản tin truyền hình nên được chia sẻ rất nhanh trên các trang mạng xã hội, thu hút lượng theo dõi và ý kiến nhận xét khá lớn từ phía người xem, trong đó có nhiều bình luận khá gay gắt về các cá nhân đã tổ chức buổi phóng sinh, phần nào đã gây “tổn thương” đến những tấm lòng hướng thiện của bà con phật tử. Nhưng nếu đứng ở góc độ công tâm và suy luận biện chứng, sẽ có khá nhiều vấn đề cần được làm rõ:
Trước tiên tôi xin phân tích phần biên tập clip của đài VTC14: https://www.youtube.com/watch?v=dh7SPV652k8
Thứ hai, tạm tin hàng chục tấn cá là sự việc có thật, thì có phải tất cả là cá chim trắng như clip đưa tin? Nếu không biết tỉ lệ số cá chim trắng chiếm bao nhiêu % trong tổng số cá được thả thì khoan nói gì đến số cá trên đều là chim trắng?
(Phần chú thích trong clip rất chắc chắn, giống như kiểu đã xác minh rồi, gây nhầm lẫn cho người xem - Ảnh cắt từ clip)
Thứ ba, trong trường hợp tất cả các loại cá trên là cá chim trắng như clip đưa tin và theo phóng viên đây là loại cá nguy hiểm cần được kiểm soát, thì chúng tôi băn khoăn cần nằm trong tầm kiểm soát thì hàng chục tấn cá này người dân mua ở đâu? Ở chợ ư? Hay trại nuôi giống? Vậy vấn đề này thuộc tầm kiểm soát và quản lý của các cơ quan hữu quan chứ bản thân người dân thì họ không nhận thức được loài cá này ra sao. Nên việc cần thiết của một bản tin thời sự là hãy làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức quản lý từ nông nghiệp đến môi trường chứ không phải quy trách nhiệm cho những người dân.
Thứ tư, việc phóng sinh là một tập quán trong đời sống người Việt “cứu vật vật trả ơn”, chứ không hẳn riêng của Phật giáo, cho dù Phật giáo đã ăn sâu vào đời sống người Việt, nên việc phóng sinh tổ chức ở đâu không phải là vấn đề lớn, ở đây nhà chùa và quý thầy chỉ làm theo ý nguyện của hàng nghìn người, bản thân các tu sĩ cũng không phải là những nhà khoa học môi trường nên khó đòi hỏi họ có một sự hiểu biết thấu đáo về vấn đề này.
Tuy nhiên, trong một bài của báo VnExpress với tiêu đề “Tranh cãi việc phóng sinh 'cá chim ăn thịt' ra sông Hồng”, khi trích lời của nhà nghiên cứu về thủy sản, đều khẳng định loài cá này không hề nguy hiểm, chúng tôi xin trích đăng lại từ: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tranh-cai-viec-phong-sinh-ca-chim-an-thit-ra-song-hong-3539359.html
Đại diện Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết: loài cá chim trắng được phóng sinh tên khoa học là Colossoma brachypomum - nằm trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh. Loài này khác với loại cá chim trắng ngoại lai xâm hại, tên khoa học Piaractus brachypomus. Cá chim trắng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không ăn thịt các loài khác, chủ yếu ăn vật tĩnh chứ không động. Chúng là loài rất khó sinh sản và không chịu được rét.
Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng thủy sản Hà Nội khẳng định và cho biết: chưa có văn bản nào quy định tự ý thả cá chim trắng ra ngoài tự nhiên là trái pháp luật. Ông Minh thông tin thêm, tại cuộc gọp chiều 10/2, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) và đại diện Bộ Nông nghiệp đã thống nhất loài cá chim trắng không gây hại cho môi trường.
Giáo sư Mai Đình Yên cho rằng, loài cá trên đúng là sinh vật ngoại lai, nhưng không thuộc loại nguy hiểm đến độ tiêu diệt, nhiều hộ đã nuôi trong ao hồ từ trước. Việt Nam chỉ quy định không khuyến khích nuôi chứ không cấm, nhưng cảnh báo khi nuôi cùng loài khác có thể chúng sẽ cạnh tranh thức ăn. "Cá chim trắng không dữ như cá hổ Nam Phi và đã được đưa về Việt Nam từ lâu, nhiều nơi nuôi thương mại".
|
Cư sĩ Lệ Trí