PGĐT - Vừa qua, Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đã tổ chức hội đàm nhiều nội dung, trong đó có bàn đến vấn đề trang phục tu sĩ, làm sao để giới tu sĩ trong cả nước có một trang phục thống nhất về màu sắc và kiểu dáng, tạo thành một đặc trưng của Phật giáo Việt Nam.
Trong cuộc Hội đàm này, Giáo hội thống nhất giao cho Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Viện mẫu thời trang Fadin thiết kế kiểu dáng và chọn màu sắc để Hội đồng Trị sự lựa chọn, sau đó sẽ sản xuất và bảo vệ bản quyền cho Phật giáo Việt Nam trong năm 2017.
Tôi cho rằng điều này rất cần thiết, vì bấy lâu nay việc tự do chọn trang phục trong giới tu sĩ đã dẫn đến sự tùy tiện khó quản lý, đối với những trường hợp cá nhân bên ngoài “mượn” áo nhà sư để hoạt động bất chính, gây tổn hại đến uy tín tổ chức Giáo hội. Hơn nữa, về phương diện xã hội, Phật giáo là một bộ phận của văn hóa Việt Nam, nhưng kiểu dáng trang phục tu sĩ Việt Nam hiện nay lại bị ảnh hưởng hoặc vay mượn tu sĩ Phật giáo các nước lân cận. Như vậy, việc Giáo hội bàn đến vấn đề thống nhất trang phục là điều cần thiết, để bộ trang phục đó trở thành một biểu tượng đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, thì chúng ta cần đăng ký độc quyền.
Bàn về vấn đề độc quyền này, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra, rằng Phật giáo hay tổ chức nào đứng ra đăng ký độc quyền? Với tính chất là một tôn giáo, vấn đề độc quyền có nên chăng? Khi xảy ra tranh chấp, Phật giáo có nên tham gia vào quá trình tố tụng dân sự? Một khi đã tham gia vào các mối quan hệ pháp luật thì phải nghĩ đến vấn đề kiện tụng nhau, điều ấy có phù hợp với tính chất của Phật giáo hay không?
Tôi cho rằng không có gì phải “trăn trở” ở đây là tổ chức nào đứng ra đăng ký độc quyền, Giáo hội Phật giáo cũng được, Hiệp hội Dệt may Việt Nam hay Viện mẫu thời trang Fadin vẫn có thể đăng ký độc quyền kiểu dáng trang phục tu sĩ, vì tất cả các tổ chức này đều có tư cách pháp nhân (có con dấu riêng, được Nhà nước thừa nhận về mặt tổ chức) và tham gia vào quá trình thiết kế trang phục tu sĩ. Nếu xảy ra tranh chấp, chủ thể là một trong các tổ chức này vẫn có thể ủy quyền cho một cá nhân khác tiến hành tố tụng dân sự trong tranh chấp, tất nhiên biện pháp tố tụng chỉ là hình thức cuối cùng và hạn chế sử dụng.
Phải hiểu rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mặt Nhà nước, chứ đừng hiểu Giáo hội với đầy đủ tính chất của một tôn giáo, do vậy GHPGVN là một chủ thể trong mối quan hệ pháp luật, nên bất cứ cá nhân tổ chức nào (ngoài sự quản lý của Giáo hội) sử dụng mẫu trang phục tu sĩ thống nhất này phải được sự đồng ý từ GHPGVN, tất nhiên việc đăng ký và bảo vệ độc quyền ở đây là độc quyền về mẫu thiết kế, do một tổ chức bên ngoài Phật giáo thực hiện, hơn nữa yếu tố "trang phục độc quyền" này sẽ là cơ sở để Giáo hội nhờ cơ quan chức năng xử lý các hành vi giả sư, chứ không hẳn phải là thưa kiện nhau trong mối quan hệ pháp luật dân sự.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cũng nên tập làm quen với khái niệm: “độc quyền tôn giáo”.
Ngoài ra, việc thống nhất mẫu trang phục độc quyền này, còn mang lại những ý nghĩa khác:
Thứ nhất, thể hiện tính đoàn kết của các hệ phái: Phật giáo Việt Nam được ảnh hưởng bởi nhiều con đường truyền đạo, nên cũng có nhiều hệ phái khác nhau cùng sinh hoạt, tuy nhiên Phật giáo là một, dù tồn tại dưới hình thức sinh hoạt ra sao thì trang phục cũng không nên khác biệt. Làm được điều này, chúng ta sẽ tránh đi những cái nhìn theo kiểu “hệ phái của anh” và “hệ phái của tôi”.
Thứ hai, sự giống nhau trong kiểu dáng và màu sắc sẽ thể hiện tính thống nhất, không dị biệt hay cá tính, một điều mà giáo lý đức Phật không cho phép xuất hiện trong hàng ngũ tăng chúng.
Thứ ba, tránh việc thả lỏng quản lý trang phục dẫn đến những cá nhân bên ngoài hàng ngũ tu sĩ lợi dụng để làm suy giảm uy tín Phật giáo.
Thứ tư, với tu sĩ các nước lân cận, khi nhìn vào trang phục của họ chúng ta đã biết thuộc quốc gia nào, nên việc tu sĩ Việt Nam cũng cần có một đặc trưng trang phục như thế, thể hiện tính đặc trưng văn hóa.
Từ những lý do trên, tôi tán thành việc thiết kế trang phục mang tính đặc trưng về màu sắc và kiểu dáng để sử dụng thống nhất, độc quyền cho tăng ni trong cả nước.
Cư sĩ Lệ Trí