PGĐT - Hình ảnh làm lễ xuất gia cho anh bạn của tôi với không khí bao trùm một sự trầm lắng, vài tiếng sụt sùi của người thân bên dưới khi vị Thầy truyền giới đọc những dòng cảm niệm với chất giọng đều đều, những dòng tự sự về cuộc sống cắt ái ly gia, rằng cha mẹ già hãy quên người con ấy đi...như cảm giác từ đây về sau, gia đình và anh bạn ấy mãi mãi chia ly.
Đứng hai bên trong khu vực hành lễ thế phát xuất gia là những vị thầy cũng với nét mặt hết sức đăm chiêu và biểu cảm buồn buồn.
Tôi tự hỏi vì sao như thế?
Nếu xuất gia mang một ý nghĩa thiêng liêng cao quý, thì tại sao chúng ta lại làm cho bầu không khí đầy tâm trạng? người không hiểu đạo như gia đình nọ sụt sùi đã đành, nhưng vị sư truyền giới phải thật sự vui mừng vì những nỗ lực của đệ tử mình bấy lâu nay đã giác ngộ được chân lý Phật Đà, dũng mãnh đi theo làm tu sĩ, phải vui mừng vì giáo hội tăng già từ đây có thêm một thành viên nữa cộng sức giữ gìn mạng mạch Phật pháp, ...ý nghĩa cao quý ấy phải được xiểng dương ca tụng, thì lại được thay bằng những thán từ não nề, ướt át; sanh ra một tâm lý sợ cái xuất gia, sợ cái đời sống của một tu sĩ, và dần dà Phật giáo trở thành một tôn giáo cho những người "chán đời" hoặc "ngõ cụt".
Tại sao chúng ta cứ quan niệm xuất gia là cắt ái ly gia? giáo lý Đức Phật có chỗ nào cấm người xuất gia tiếp xúc hay thể hiện sự quan tâm với gia đình mình? Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy nếu có cõng hai vai cha mẹ mình đi giáp vòng hòn núi Tu Di vẫn không trả hết công sinh thành dưỡng dục, và bản thân Đức Phật sau khi thành đạo đã nhận người con trai của mình là La-Hầu-La làm đệ tử, Ngài cũng quay về cố hương thăm gia đình và nhiều lần thuyết pháp cho vương triều họ Thích, khi dòng họ Thích Ca bị đe doạ bởi vua Lưu Ly, Ngài cũng nhiều lần xuất hiện để can ngăn, vậy ai nói xuất gia là ly gia? do nghĩ đi tu là đoạn tuyệt với gia đình, nên chúng ta căng thẳng, áp lực.
Trong kinh Phật nhiều câu truyện được kể lại, những vị trưởng lão, đức vua, nhà buôn hay gã cùng đinh...khi được Phật thuyết giảng đã vui mừng thọ lãnh và xin xuất gia, một số truyện còn lấy hình ảnh các vị thiên vương trỗi nhạc trời và rải hoa chào mừng những ai xin theo Phật làm đệ tử.
Có lẽ chúng ta nên thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách hành lễ, làm sao định hướng cho gia đình thân quyến phấn khởi vì hành động của đứa con mình, hãy tự hào vì có một đứa con hướng vào những chân lý của Đức Phật, sống cuộc đời tinh khiết và làm bậc thầy về đạo đức...làm điều đó sẽ giúp cho người xuất gia và gia đình trở nên nhẹ nhàng, vui tươi và khung cảnh xuất gia không còn là nỗi sợ sệt.
Xuân Giang