PGĐT -
Trên đường Hùng Vương hai chiều rộng lớn, có nhiều cây xanh, hoa kiểng đẹp, ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm, trầm mặc, ngày ngày vang tiếng chuông ngân…. Đã 3 thế kỷ đi qua, chùa Hương (hay còn gọi Phước Hưng cổ tự) vẫn hiện hữu trong đời sống tinh thần của người dân Sa Đéc.
Ngôi chùa được thành lập từ năm 1838, do công khởi xướng của Hòa thượng Thích Minh Phước, cũng là vị sư đầu tiên trụ trì chùa này. Vào thời điểm ấy, cộng đồng người Minh Hương (Trung Hoa) ở Sa Đéc đã sinh sống và làm ăn thành đạt, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo đã đưa họ đến việc thành lập một ngôi chùa Phật giáo; có một người Hoa đến Sa Đéc lập nghiệp và xuất gia, dựng nên chùa Minh Hương, đó là Hòa thượng Như Diệu.
Đến năm 1846 thì chùa Minh Hương nhập chung với chùa Phước Hưng, trải qua những biến đổi thời cuộc để rồi năm 1872 chùa được dời về vị trí như ngày hôm nay.
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi chùa vẫn giữ nguyên những đường nét kiến trúc như thuở ban đầu. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc kết hợp hài hòa của hai nền văn hóa Việt- Hoa, làm cho ngôi chùa càng thêm cổ kính, uy nghiêm. Chùa có 8 mái, 2 cấp, lợp ngói âm dương, chót mái lơi ra, trên nóc là hình lưỡng long tranh châu được làm từ vôi, vữa, ô dước và cẩn bằng những miếng gốm màu; đầu mái cũng như xung quanh chùa những hình đắp nổi long, lân, qui, phụng, hoa lá, chim muông… tất cả đều ánh lên những sắc màu rực rỡ dưới ánh mặt trời.
Để vào chánh điện, du khách phải qua cửa Đông lang, tại đây có treo đôi câu đối thể hiện chí nguyện của tiền nhân. Đông lang còn là nơi tiếp đón bá tánh thập phương đến vãng cảnh chùa và chiêm bái đức Phật; kề bên là tổ điện với 5 gian, được thiết kế thành 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày. Phía trong trai đường, ngay giữa tổ điện là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì; một chiếc khánh lớn bằng gỗ tốt được sơn son, thếp vàng, chạm trổ hoa văn rất tinh tế, công phu và sắc sảo mà trong đó là những di ảnh, linh vị….
Trước tổ điện có treo một bức hoành phi được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo với 3 chữ Hán được sơn son, thếp vàng: “Bát nhã đường” nổi bật trên nền mai, lan, cúc, trúc với những cuốn thư, giấy bút…. Phía trái của chánh điện là Tây lang, nơi để tiếp tăng khách, cũng là nơi lưu giữ các loại kinh sách đã qua nhiều đời. Giữa Đông lang- Tây lang và tổ điện - chánh điện là một khoảng sân, có hồ sen trắng, có kiểng cổ, những vò phong lan tỏa ngát hương, những chú rùa có trên 40 tuổi bò lụp cụp trên khoảng sân gạch, tìm những miếng dưa để gặm nhắm…
Trên chánh điện, cũng như những ngôi chùa Phật giáo khác ở Nam Bộ, bàn thờ Phật đặt ngay chính giữa, trên đó có một pho tượng A Di Đà bằng đất sét không nung, được thếp vàng, đã ngoài một trăm năm mà vẫn còn chắc chắn; chiếc mõ tụng kinh hình song ngư có từ năm 1888, rồi một chiếc mõ gỗ lớn được thỉnh từ chùa Thầy (Hà Tây) do công của Hòa thượng Vĩnh Tràng vừa đi bộ vừa niệm phật cả hai bận đi và về; cũng tại chánh điện của chùa còn có tượng Hộ pháp bằng đồng, nặng trên 30 kg, có niên đại cũng trên một trăm năm. Hiện chùa còn lưu giữ những bộ kinh được làm bằng gỗ tốt để xuất bản và phát hành cho tăng ni, phật tử từ mấy mươi năm về trước….
Vào những ngày rằm, Tết Nguyên đán… có rất nhiều người đến chùa dâng hương lễ phật, thành tâm cầu nguyện thái bình- thịnh vượng. Ngôi chùa là một công trình kiến trúc đặc sắc, nơi thể hiện đời sống tâm linh; nó có giá trị lịch sử, văn hóa và là một danh thắng của quê hương Sa Đéc, xứng đáng được công nhận là một di tích lịch sử văn hóa...
Nhất Thống
(Theo http://sadec.dongthap.gov.vn)