Notification

×

Iklan

Lớp mầm non chống đuối nước ở chùa Thới Long (Cao Lãnh)

TT-TT - 8.1.16 Last Updated 2022-03-11T22:20:45Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Cách đây 15 năm, trụ trì chùa Thới Long (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) bắt đầu ngày mới bằng việc tất tả đón những đứa trẻ trong xóm vào chùa để trông nom miễn phí.

Sư cô Thích Nữ Như Liên, trụ trì chùa Thới Long, vui đùa cùng các bé - Ảnh: N.Tài 


Sư cô Thích Nữ Như Liên, trụ trì chùa Thới Long, vui đùa cùng các bé - Ảnh: N.Tài

Trước đây, khu vực đó còn khó khăn lắm. Đường xa, phải ra tận Long Hồi mới có chỗ giữ trẻ mà cũng không phải giữ cả ngày. Có lớp học này bà con ở đó đỡ dữ lắm, nhất là những gia đình khó khăn. Khi có lớp này, hầu như ở đây không còn trẻ em chết đuối nữa 

Bà Nguyễn Thị Lan (phó Phòng GD-ĐT TP Cao Lãnh)
Và từ đó, lớp mầm non tình thương ra đời. Điểm trông giữ trẻ, dạy học miễn phí trong chùa Thới Long chẳng những giúp các bậc phụ huynh một tay mà còn giảm thiểu những vụ trẻ bị rớt sông, chết đuối.

“Không có trẻ thấy thiếu cái gì đó!”

Khi chúng tôi đến lớp mầm non tình thương vào một ngày cuối tháng 4, sư cô Thích Nữ Như Liên, trụ trì chùa Thới Long, đang hát theo nhịp một bài hát mà cô trò trong lớp đang sinh hoạt. Rồi cô Liên sà xuống, ngồi chung với các em, đùa giỡn vui vẻ.

“Nào các em, bây giờ mấy cô cháu mình chơi trò kéo co nha” - cô Liên phát động. Những đứa trẻ đồng thanh dạ kèm theo tiếng reo hò đùa vui. Trò chơi kết thúc, trên trán lấm tấm mồ hôi, miệng cười tươi, cô Liên phân trần: “Xuống đây không giỡn với tụi nhỏ một chút là không được. Hôm nào mấy đứa nhỏ nghỉ là thấy thiếu thiếu cái gì đó”.

Khi những tiếng đùa vui ngớt trong chốc lát thì những thanh âm xoong chảo bắt đầu nghe rõ hơn phát ra từ gian bếp. Ba sư cô còn lại của chùa đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa cho các cháu. Bữa ăn đạm bạc với đậu hũ chiên, rau luộc và canh rau. Dẫu thế, các cháu lại ăn rất ngon lành. Vừa đút một bé ăn, cô Lê Thị Viến, giáo viên đứng lớp, vừa chia sẻ: “Các em ăn mấy món của sư cô nấu rồi đâm ghiền, về nhà chúng cũng đòi cha mẹ nấu mấy món chay”.

Theo thống kê của chùa Thới Long, trong 15 năm qua nhà chùa đã trông nom gần 1.000 trẻ. Ông Phạm Chí Bình (ngụ xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh) đón đứa cháu ngoại trên chiếc xe đạp cũ. Hoàn cảnh của ông Bình cũng gần giống với hoàn cảnh 29 phụ huynh khác trong lớp học này, đều tất bật với cuộc mưu sinh và điểm trường này trở thành điểm tựa để họ yên tâm làm ăn.

“Cha mẹ nó đi sớm về trễ, thân già này không phụ gì được thì ở nhà trông cháu. Mà cũng ngán lắm, nó thì hiếu động, già này lại hay quên. Từ bữa gửi trẻ ở đây tui cũng nhẹ cái đầu mà nó còn được ăn học miễn phí. Thấy vậy chứ một tháng cũng đỡ mấy trăm ngàn đồng đó” - ông Bình chia sẻ.
Nghe tiếng nỉ non mà xao lòng

Xã Tịnh Thới là xã cù lao heo hút của TP Cao Lãnh với sông nước bao quanh. Chẳng những thế, tình trạng sạt lở ngày một nhiều hơn đã đẩy hàng trăm hộ dân có nhà cạnh sông Tiền phải sống trong cảnh phập phồng bên miệng “hà bá”. Khó khăn là vậy, cộng thêm cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn nên việc gửi con em đến nhà trẻ dường như là một việc quá sức.

Nhận thấy việc đó, sư thầy Thích Chơn Thành, nguyên trụ trì chùa Thới Long, đã quyết định mở lớp mầm non. Sư thầy vẫn còn nhớ như in cái năm mở lớp - năm của cơn lũ lịch sử 2000. Cứ cách mấy hôm sư thầy lại nghe trong xóm có trẻ bị chết đuối. Hỏi thăm mới biết những em này không được trông giữ cẩn thận, phần vì cha mẹ bận đi giăng lưới, cắm câu, hái rau, phần vì ông bà tuổi cao nên khi nhớ khi quên mới xảy ra chuyện đau lòng.

“Có gia đình nọ ở gần chùa cha mẹ bận đi làm ăn gửi con cho ông bà. Một chút lơ là của ông bà đã để lại hậu quả đứa nhỏ té sông chết đuối. Cha mẹ đau đớn mất con, ông bà cũng dằn vặt. Cả tuần lễ sau thầy vẫn còn nghe tiếng khóc bên nhà họ. Nghe tiếng khóc nỉ non mà xao lòng! Những đêm đó thầy cũng thức trắng trằn trọc rồi thầy nhớ lời dạy của Phật, phục vụ chúng sinh cũng như cúng dường cho Phật. Hôm sau thầy quyết định đi đốn cây để mở lớp giữ trẻ” - sư thầy Thích Chơn Thành nhớ lại.

Ban đầu sư thầy mời hai cô giáo ở gần chùa để vừa trông nom vừa dạy chữ cho các cháu. Về sau phòng giáo dục nhận thấy nhu cầu gửi trẻ ở đây rất lớn nên mạnh dạn bố trí giáo viên của phòng về đứng lớp và dạy chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT. Tuy có sự thay đổi nhưng các em học ở đây vẫn được miễn phí hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Lan, phó Phòng GD-ĐT TP Cao Lãnh, cho biết: “Ban đầu lớp giữ trẻ của hòa thượng Thích Chơn Thành hoạt động với hình thức nhóm trẻ bán trú nông thôn. Hiện tại điểm trường này trở thành điểm phụ của Trường mầm non Tịnh Thới. Tuy các bé được cho ăn chay nhưng lâu lâu sư thầy cũng cho uống sữa, vitamin cho đủ chất”.

NGỌC TÀI