Notification

×

Iklan

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Phát (1921 – 1990)

btsdongthap - 1.12.15 Last Updated 2022-03-11T22:39:04Z
    CHIA SẺ
I. THÂN THẾ:

Hòa thượng thuộc dòng thiền Lâm Tế, đời thứ 40, Pháp húy Chơn Sung, Pháp danh Thượng HUỆ Hạ PHÁT, thế danh Huỳnh Quang Sung, sanh năm Tân Dậu 1921 tại làng Tân Phú Đông, xã Tân Vĩnh Hòa, tỉnh Đồng Tháp.

Từ trái sang phải, phía sau, vị trí 2: Hòa thượng Thích Huệ Phát
Đương kim là Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp.
Thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Ngà, từ mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thắm.

Song thân Hòa thượng là người rất mực hiền lương và phúc hậu. Những tưởng sanh người con cuối cùng này là cả gia đình được đầm ấm, hạnh phúc. Nào ngờ: cơn vô thường đến quá nhanh, nó đã cướp đi song thân và anh chị của Hòa thượng trong cơn sốt dịch bệnh. Thế là Hòa thượng trơ trọi, lẻ loi một mình với tuổi lên 5. Và cũng từ đây, Hòa thượng trở về nương náu, chung sống với ông bà nội và cô chú.

Bái cáo nhân gian, áo não tâm
Biệt từ huyễn thế, nhập chơn thân
Huệ khai giới luật, môn đồ nhuận
Phát khởi từ bi, tứ chúng trân
Hòa xướng lục hòa, vô chính ngụy
Thượng hoằng bình đẳng, bất oán thân
Bổn hoài phục chấn hưng Tăng tục
Sư nguyện vị thành, dĩ cố nhân!

II. CƠ DUYÊN XUẤT GIA:

Năm 1935, trong cơn khủng hoảng giữa Mặt trận Việt Minh và Pháp tại Đồng Tháp Mười, Hòa thượng lại cũng là một nạn nhân trong đó. Hòa thượng phải vất vả băng rừng, vượt suối, leo núi lội sông, một thân một mình nhắm hướng trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Khi về đến nhà thì tay chân đều bị sưng phù, không đi lại được. Nên Hòa thượng phải tịnh dưỡng và điều trị một thời gian. Để giữ trọn lời phát nguyện trong cơn nguy biến, sau khi bình phục, Hòa thượng liền đến chùa Linh Phước xin làm công quả để bồi đắp công đức. Thật là thời cơ đã đến, pháp vận lần khai, nhân duyên đủ đầy, trong một thời gian làm công quả, Hòa thượng đã ý thức được bản chất cuộc đời là: khổ, không, vô thường, vô ngã chỉ có phạm hạnh Sa môn là con đường độc lộ hướng đến giải thoát. Vì thế, Hòa thượng quyết chí phát khởi hảo tâm, xin được xuất gia. Xem thấy tướng mạo, dung hạnh, cung cách của Hòa thượng, Tổ Linh Phước liền hoan hỷ cho ngài xuất gia.

Hòa thượng Thượng HUỆ Hạ PHÁT (1921 – 1990)

Từ ngày thế phát quy y với Tổ Linh Phước, Hòa thượng vô cùng phấn khởi và luôn luôn tinh tấn trong sự tu tập. Đặc biệt, ngoài giờ tu tập, nếp sinh hoạt thường nhật của Hòa thượng rất phù hợp với tinh thần của Tổ Bách Trượng: “Nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực”. Nên, ban ngày thì vui với đồng áng, ruộng vườn, tối về thì vui với lời kinh tiếng kệ. Chẳng mấy chốc, Hòa thượng đã trưởng thành nơi chốn thiền môn này.

Sau một thời gian chuyên tu, Hòa thượng tự nghĩ: “muốn làm cho chánh pháp Phật được cửu trụ trong chốn nhân gian và để cho chúng sanh được nhiều lợi lạc, thì không có con đường nào khác hơn là giới hạnh phải song hành với trí tuệ”. Chỉ có hai phương án này mới giải quyết tất cả mọi vấn đề. Nhưng để tuệ tri và thành đạt trọn vẹn, áo nghĩa thâm huyền của giới hạnh và trí tuệ, không gì tốt hơn là phải thọ học Phật pháp. Bởi vì “có trí thức Phật học, có giới đức trang nghiêm mới tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức được”. Thế là, Hòa thượng tìm đến chùa Phước Long (Nha Mân), cách đó hơn 10km để thọ học (vào ban ngày). Thời gian tùng học tại chùa Phước Long tưởng đâu đã thuận bườm xuôi nước. Nào ngờ, các chướng duyên, nghịch cảnh cũng như ma chướng luôn rình rập, phá hoại mức tiến đạo của Ngài. Giai đoạn này, được xem là chặng đường vô cùng chông gai hiểm trở, trong suốt cuộc đời tu học của Hòa thượng. Nhưng với tâm huyết cao, sự dõng mãnh kiên định và niềm tin bất thoái vào chánh pháp, cuối cùng Hòa thượng đã chiến thắng. Một kỳ công khác không kém phần hiển hách, cũng là lập trường phạm hạnh, vượt lên trên tình duyên thế tục. Đó là vào năm Hòa thượng 20 tuổi, gia đình cô chú vào chùa đảnh lễ Tổ Linh Phước, với lí do xin cho Hòa thượng trở về trần thế, để tính việc lập bề gia thất, nối dõi tông đường.

Nhờ nhiều kiếp gieo trồng thiện căn, và thời gian dõng mãnh tu học tại chùa, Hòa thượng cảm nhận được: “Trần thế là giả huyễn, thân người là vô thường, nay được phước duyên xuất gia, nếu không quyết chí xu hướng xuất ly, thì khổ lụy đời nào mới dứt được”.
Nhận chân như vậy Hòa thượng một mực cự tuyệt, không bằng lòng với quyết định của cô chú, mặc dù gia đình cô chú bắt buộc. Thế cũng chưa hết – pháp nạn này vừa qua thì tai tang lại đến, năm 1951 Tổ Linh Phước thị tịch.

Sau khi lo tròn bổn phận, trách nhiệm của một người đệ tử, Hòa thượng đến chùa Kim Huê tiếp tục cầu pháp và thọ học với Hòa thượng Chánh Quả.

Năm 1952, được sự chấp thuận của Hòa thượng Chánh Quả, Hòa thượng được thọ Sa Di giới tại đây (Chùa Kim Huê).
Sau khi lãnh thọ giới pháp, Hòa thượng vô cùng hoan hỷ, sung sướng, vì đã cảm nhận giáo pháp thâm uyên, giải thoát của đấng chí tôn và cũng từ đó, ngài chăm lo trau dồi tịnh giới, lấy giới luật trang nghiêm tự thân, để tiến bước trên đường giải thoát.

Hòa thượng đã tự cho mình lý tưởng giác ngộ, cương quyết vượt qua mọi chướng duyên, nghịch cảnh của cuộc đời mà thế nhân thường hay vấp phải. Bằng hành trang giới luật và trình độ nhận thức cuộc đời, Hòa thượng đã tiến và càng tiến tu hơn nữa.

Một năm sau – 1953, thấy sự tu học cũng như giới hạnh của Hòa thượng có nhiều triển vọng – có thể sau này đảm đương sứ mạng của Phật – lại làm cho tổ ấn được trùng quang, nhân sanh có chỗ để nương tựa và gieo phước lành, Hòa thượng Chánh Quả bèn cho ngài đăng đàn thọ Đại giới và Bồ tát giới tại Tổ đình Kim Huê này.

Sau khi thọ giới, Hòa thượng càng nỗ lực, tinh tấn tu trì hơn nữa, nhất là nghiêm trì tịnh giới, ngài tôn trọng, cung quy giới pháp như con người, như hơi thở, như giọt máu của chính mình. Hòa thượng xem giới luật là hành trang, là phao nổi, là điều kiện để tiến bước vào thánh địa.

Để thỏa mãn nhu cầu trí thức, Phật học và để đáp ứng với nhu cầu Giáo hội đương thời. Hòa thượng còn bôn ba tìm học với các danh tăng, thạc đức; đã từng nhập học các Trường Hương, Trường Kỳ và khóa “Như Lai sứ giả” đầu tiên do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Pháp Hội. Chẳng bao lâu, Hòa thượng trở thành nhân lực hữu dụng cho Giáo hội và được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì Chùa Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

Thời gian thắm thoát trôi qua, năm 1960, do cơ duyên Phật pháp chuyển hóa, và cũng do đảm nhiệm Phật sự tại Tổ đình, Hòa thượng được đề cử làm Trụ trì chùa Kim Huê này, đến ngày hôm nay (hơn 30 năm).


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:

Với vai trò “Trụ pháp vương gia, Trì Như Lai tạng” và với lập trường “Tác Như Lai sứ, hành Như lai sự” của trang Thích tử, Hòa thượng đã xông pha, vận hành, đương đầu với bao trở ngại, khó khăn. Và chính nơi đây, mái chùa này đã hun đúc, tôi luyện ngài nên danh Thích tử. Thì ngày nay và mai sau tấm gương nối nghiệp tông môn, “tục diệm truyền đăng” của Hòa thượng đã trở thành phẩm hạnh tiêu biểu cho chúng đệ tử noi theo.

Do vậy, kể từ khi đảm nhiệm sứ mạng trụ trì, Hòa thượng liền bắt tay vào việc xây dựng và tái thiết lại Tổ đường làm cơ ngơi cho chư Tăng phục vụ đạo pháp. Thời gian này, ngoài việc chuyên lo trùng tu, tái thiết Hòa thượng còn song tu thiền tịnh. Lấy giới luật và thiền tịnh làm nơi y cứ. Đêm ngày tận tâm quy hướng Phật đà. Trải qua hai năm, ngôi Tổ đường mới khang trang, tráng lệ; năm 1963, dãy đông lang của chùa lại cũ mục, Hòa thượng lại tiếp tục tu bổ lại thật hoàn chỉnh, vững chắc cho đến ngày nay. Xây dãy nhà trù cùng Hòa thượng Thiện An và dãy nhà đông lang cùng thời với trường Bồ đề.

1966, Hòa thượng kiến thiết dãy tây lang và tiếp độ, giáo hóa những người hảo tâm xuất gia, thật tu thật học để cho mọi người có nền tảng giáo lý vững chắc, lại có một nhận thức lạc quan về nhân sanh, vũ trụ, đúng với tinh thần “Phật pháp tại thế gian” của Ngài Lục Tổ, Hòa thượng phát nguyện chuyên hướng dẫn, giảng dạy bốn quyển luật cơ bản cho các chúng xuất gia (Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách). Đây là thềm thang, là chuẩn tắc của người xuất gia tu hành đúng chánh pháp.

Ngoài việc giảng dạy, Hòa thượng thường xuyên răn nhắc tứ chúng đệ tử “phải lấy giới luật và bảo trì giới luật. Giới luật có bảo trì, có trang nghiêm thì các pháp môn khác mới phát huy, tiến triển được. Nếu giới luật không tinh nghiêm, thì trí tuệ không thể phát sanh được”.

Song song, Hòa thượng còn thể hiện tinh thần giới luật bằng nếp sống lục hòa bình đẳng, Hòa thượng đã hưởng ứng, cống hiến bằng tất cả khả năng có được của mình cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với các chức vụ: Đặc ủy Tăng sự, Phó Ban Trị Sự Tỉnh hội kiêm Ủy viên Tăng sự, Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp.


IV. ĐẠO HẠNH:

Tuy thọ sanh trong đời ác ngũ trược, nhưng Hòa thượng đã sớm tỉnh giác chuyên tu – ngài không bận tâm đến những ảo ảnh, công danh, sự nghiệp của trần thế, mặc dầu đã bị cám dỗ nhiều lần.
Ngài đã nhận chân được bộ mặt thật của cuộc đời, nó giả dối, chuyển hóa, thường lưu, có đó rồi mất đó, và Hòa thượng cũng từng mục kích bao người lầm than, khổ sở vì cuộc đời này. Sớm được gặp Tam bảo, lại còn được hồng phúc xuất gia, nương náu nơi thầy hiền bạn tốt, quả là đại phước đối với mọi người.

Hòa thượng luôn lấy giới luật làm kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật, chính vì thế mà nơi Hòa thượng đã tỏa ra bao đức tánh: bình đẳng vô phân biệt, từ bi hiền hòa, bao dung, và nhất là hạnh khiêm cung đối với mọi người. Hòa thượng lại còn hy sinh những quyền lợi cá nhân để phụng sự cho đoàn thể. Ngoài ra, Hòa thượng còn hòa mình vào cuộc sống, xoa dịu những vết nhăn của cuộc đời, giúp đỡ mọi người trong những cơn hoạn nạn, thiếu thốn.

Một nét nổi bật nữa ở nơi Hòa thượng, đã cho ta bài pháp, bài học về gương đạo hạnh, sống quên mình vì mọi người – đó là thời kỳ đất nước còn chiến tranh, còn xung đột ý thức hệ với nhau, thì Hòa thượng đã phát nguyện tu trì và thực hành đầu đà hạnh, để nguyện cầu cho đất nước sớm được hòa bình, an lạc. Và hạnh nguyện đó, Hòa thượng đã hành trì cho đến ngày mạng chung.
Ngoài những công sức đóng góp cho Giáo hội, cho chúng nhơn, Hòa thượng vẫn không xao lãng việc chuyên trì tịnh giới và lấy pháp môn niệm Phật làm môn tu cho chính mình.

Mượn lục tự Di Đà làm lẽ sống cho nhịp thở con tim – Hòa thượng niệm Phật thật miên mật và chí thành, mỗi ngày Hòa thượng trì chú Đại bi 108 biến làm chuẩn. Ta còn thấy nơi Hòa thượng nét hiền hòa, bình dị và độc đáo nhất là tự tay Hòa thượng chế tạo, nấu thức ăn cho chư Tăng, Phật tử thọ dụng trong những ngày lễ vía. Thật cao cả vô cùng, ở những thao tác, cử chỉ, lời nói hằng ngày của Hòa thượng, tuy mộc mạc, không kiêu kỳ, nhưng tao nhã có hấp lực, làm mọi người phải kính mến và quy phục.


V. VIÊN TỊCH:

Những tưởng Hòa thượng sẽ trụ thế thời gian lâu dài để làm lương đống, trụ cột cho Phật pháp và làm ngọn hải đăng chói ngời cho đàn hậu tấn noi theo. Nào ngờ sự “hóa duyên ký tất” của Hòa thượng quá sớm, để lại cho mọi người, nhất là hàng đệ tử niềm đau thương, luyến tiếc vô hạn.

Nguyên do là, mặc dù hàng đệ tử và nhiều danh y tận tâm chăm sóc, cứu chữa cho bệnh tình Hòa thượng. Nhưng vì căn bệnh quá khắc nghiệt, đã không duy trì thọ mạng Hòa thượng lâu hơn nữa.
Những ngày cuối cuộc đời, nhận chân rõ sự sanh tử là quy luật tất yếu, Hòa thượng cảm tác câu đối mở đầu bằng phương danh của chính ngài như sau:

HUỆ nhãn trụ chơn thường, hà khứ lai chi cụ?
PHÁT trí cư trần thế, khởi sanh tử chi ưu?

Xin tạm dịch:
Có huệ nhãn là sống trong chơn thường, thời sợ gì lai khứ?
Được trí tuệ, dù sống trong trần thế, há lại sợ chuyện tử sanh?
Và một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thể Đường luật như sau:
Tứ đại huyễn xu – nan bảo thủ
Chân tâm vô vọng, thị gia hương
“Nhất niệm bất sanh” chỉ giá thị
Bồ đề đại đạo hiện chiêu chương.

Xin tạm dịch:

Tứ đại mong manh khó giữ gìn
Chơn tâm hết vọng ấy quê mình
Chỉ bằng “một niệm không sanh khởi”
Bồ đề đạo cả tỏ rành rành.

Cả hai bài, đều nói lên được thái độ thản nhiên, tự tại trước cái chết, mặc dù cơn bệnh làm cho Hòa thượng phải khổ nhiều về thân xác.

Cuối cùng, do nhân duyên thọ mạng đã hết, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch, thể nhập bất sanh bất diệt vào lúc …. ngày 29 tháng 10 năm Canh Ngọ.

Trụ thế 69 tuổi đời, hạ lạp …. tuổi đạo

Nay Hòa thượng đã ra đi, câu đối tôn danh của ngài và bài thơ cảm tác trong thời gian lâm trọng bệnh đã trở thành hai kỷ vật tồn tại bất hủ với tấm gương đạo hạnh của ngài trong lòng của mỗi chúng ta.

Nam mô Kim Huê Đường Thượng, Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Nhứt Thế, Húy Chơn Sung, Hiệu Huệ Phát, Huỳnh Công Hòa thượng giác linh tác đại chứng minh .

NGUYÊN TẤN (cẩn ghi)