GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
BAN HOẰNG PHÁP TỈNH HỘI ĐỒNG THÁP
KÍNH BẠCH CHƯ TÔN ĐỨC – KÍNH THƯA QUÝ ĐẠI BIỂU
Hoằng pháp là hoạt động truyền bá chánh pháp của Đức Phật đến với mọi người.
Nói đến hoằng pháp, trong chúng ta ai cũng biết công việc này không phải
chỉ dành riêng cho các bậc giảng sư chuyên thực hiện các thời thuyết pháp, hay
giảng dạy giáo lý của Đức Phật, mà trách nhiệm này là một phận sự thiêng liêng
của tất cả các hàng đệ tử Phật, nên bằng khả năng, vị trí và điều kiện của mình
mà vận dụng các phương tiện khác nhau để làm sao truyền được chánh pháp của Đức
Phật đến người tu học một cách hiệu quả nhất.
Những năm gần đây chúng ta quan tâm nhiều đến vấn đề “truyền thông” trong Phật
giáo. Tuy nhiên, nếu phân tích khái niệm này thì thấy rằng, đây không phải là
công việc mới mẻ, hay một sự sáng tạo gần đây mà nó đã có từ thuở xa xưa, ngay
từ thời đức Phật còn tại thế, mặc dù qua từng thời đại có tên gọi và cách làm
khác nhau.
Thuở Đức Phật, bằng phương pháp tọa đàm trực tiếp, Ngài đã có 49 năm hoằng pháp
đến với mọi đối tượng – Truyền thông lúc bấy giờ được hiểu là truyền thông trực
tiếp, đơn giản, không có sự hỗ trợ của phương tiện nghe nhìn.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, các đợt kiết tập sau đó, hàng đệ tử
của Ngài quyết định cho biên chép lại lời Phật dạy để lưu giữ cho hàng hậu thế
cũng không ngoài công việc truyền thông. Và phương tiện truyền thông này đã
tiến bộ hơn bằng các bản kinh được trạm chỗ trên gỗ, trên đá, trên vải và các khổ
giấy về sau.
Ở Việt Nam, từ năm 1930 trở về sau, nhờ vào vai trò chấn hưng Phật giáo mà đã
có nhiều trang báo, tạp chí Phật giáo ra đời như Tạp chí Viên Âm (1933), Tạp
chí Đuốc Tuệ (1935), Tạp chí Tiếng Chuông Sớm (1935), Tạp chí Tam Bảo (1937),
Tạp chí Liên Hoa (1951)…Tất cả đều được xem như một cách chính thức phát hành
các trang truyền thông.
Cho đến những năm gần đây, với sự phát triển của đất nước, đã giúp cho phật tử
có được những phương tiện nghe nhìn tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt là các đầu hình
kỹ thuật số sử dụng các đĩa VCD, DVD giúp cho việc sang chép, lưu trữ các bài
thuyết pháp dễ dàng hơn. Thêm vào đó là sự “bùng nỗ” của internet đã giúp cho
công tác hoằng pháp thuận lợi hơn bao giờ hết –Chúng ta tạm gọi đó là những
phương tiện truyền thông hiện đại.
Nhân cuộc Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015 này, Ban Hoằng pháp Tỉnh hội
Phật giáo Đồng Tháp xin đóng góp bài tham luận với đề tài: “Hoằng Pháp Với Truyền Thông Hiện
Đại” – để đưa ra một vài xét về phương diện tích cực, cũng như những hạn
chế trong việc vận dụng phương tiện truyền thông trong hoằng pháp hiện nay, sau
đó chúng tôi cũng xin kiến nghị một vài nội dung liên quan đến chư tôn đức Ban Hoằng pháp Trung Ương.
1. Những hỗ trợ tích cực của truyền thông hiện
đại
Khái niệm “Truyền thông” thiết nghĩ không
cần nói lại, vì không ai lại không hiểu nó. Chỉ có thể nôm na “Truyền thông là quá trình chia sẻ thông
tin, là một kiểu tương tác ngôn ngữ trong đó ít nhất có hai đối tượng là người
truyền thông tin và người nhận thông tin, chia sẻ các qui tắc và tín hiệu
chung”. Tất cả các phương tiện hỗ trợ cho công việc truyền thông này được gọi
là phương tiện truyền thông.
Những năm gần đây, hoạt động hoằng pháp được phong phú và đa dạng là nhờ
vào sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là sự có
mặt của internet; lướt qua trên các trang mạng website hiện nay, sẽ thấy có rất
nhiều các bài thuyết pháp phong phú, đủ các cấp bậc đáp ứng cho nhu cầu đa dạng
của thính chúng. Tiện ích của Internet còn giúp cho những phật tử ngồi tại nhà
mà vẫn có thể tìm nghe, tu tập theo lời giảng của quý thầy; thuận lợi hơn nữa nếu
được trang bị một chiếc điện thoại thông minh thì có thể thính pháp bất cứ nơi
đâu khi rảnh rỗi.
Nắm bắt được sự thuận lợi của các kênh phương tiện hiện đại này, các giảng
sư đã có điều kiện chăm chút, kỹ lưỡng hơn vào các ấn phẩm của mình trước khi
xuất bản ra thính chúng, có thể cắt ghép, chỉnh sửa những chỗ nào chưa ổn chưa
rõ hoặc thêm vào các hình ảnh minh họa cho bài giảng như cách làm của chùa Hoằng
pháp (Hóc Môn – TP.HCM), hoặc Cty Pháp Quang do Phật tử chùa Phật Quang (Bà Rịa,
Vũng Tàu) thực hiện, thể hiện sự công phu, kỷ lưỡng, góp phần trực quan sinh động
cho người nghe.
Cũng nhờ phương tiện truyền thông tốt mà ngày nay số lượng băng đĩa
thuyết pháp được sang in với số lượng lớn, giá thành rẻ, giúp quý thầy có điều
kiện phân phát đến từng nhà của phật tử. Cũng nhờ phương tiện truyền thông của
internet mà giúp cho các bài giảng trong nước được đến với cộng đồng phật tử ở
nước ngoài, giúp cho người Việt tại các nước tiếp cận nhanh hơn, gần hơn các
bài giảng của quý thầy trong nước.
Chính nhờ phương tiện truyền thông hiện đại này mà những giảng sư được
phật tử quan tâm nhiều hơn đến đời sống tu tập, đời sống cá nhân, nơi ở,
v.v..có nghĩa là mối quan tâm của phật tử dành cho các vị giảng sư trở nên nhiều
hơn, thân quen hơn, gần gũi hơn khi quý thầy hiện diện trong nhà họ hằng ngày
thông qua các kênh truyền thông như thế.
Những hạn chế của truyền thông hiện đại
Tuy vậy, mặt đối lập của sự phát triển truyền thông hiện đại này chính
là vấn đề lạm phát của các bài thuyết giảng.
Cũng giống như các loại hình văn
hóa nghệ thuật của xã hội bên ngoài, phát triển tràn lan trên các trang mạng xã
hội, khiến cho các cơ quan quản lý của Nhà nước rất khó thẩm định, không định
hướng được theo chuẩn mực xã hội, thì với đạo Phật của chúng ta cũng có những sản
phẩm hoằng pháp tương tự như thế, những sản phẩm này không đến mức sai lệch chuẩn
mực xã hội nhưng sai lệch giáo pháp Đức Phật là có.
Nếu như bên ngoài xã hội, các cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước đang
vất vã với nhiều sản phẩm tạm gọi là nghệ thuật nhưng đi theo chiều hướng tiêu
cực âu cũng là dễ chấp nhận, vì nó vốn là xã hội, muôn hình vạn trạng. Nhưng đối
với Phật giáo chúng ta, việc quản lý sẽ thuận lợi hơn nhiều vì tất cả các tu sĩ
đều có ý thức hành đạo, nói đạo, hướng dẫn đạo theo chuẩn mực, vấn đề chỉ là kiểm
soát năng lực thuyết giảng và khả năng hiểu tới đâu trong kho tàng giáo lý của
Phật.
Có nhiều câu hỏi được gợi ra trong vấn đề này như: Mỗi ngày có bao
nhiêu bài thuyết giảng được post lên mạng xã hội? bao nhiêu bài trong số đó do
các giảng sư của Ban Hoằng pháp giảng? bao nhiêu bài là do quý thầy chưa qua
đào tạo giảng sư tự ý thực hiện và chúng ta có kiểm soát được nội dung các bài
giảng hay không? Một khi chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động này thì chưa thể
bàn đến việc xử lý ra sao với các bài thuyết pháp sai giáo lý Đức Phật.
Chắc quý vị còn nhớ cách đây 4 năm trước, vào năm 2011 kéo dài đến cuối
năm 2012, trên mạng lan truyền một bài giảng của một vị Hòa thượng nước ngoài
nói về ngày tận thế sẽ diễn ra vào cuối năm 2012, làm hoang mang những người mới
học Phật. Đã có một số vị trong Giáo hội lên tiếng trấn an niềm tin phật tử
trong nước bằng cơ sở khoa học của Phật giáo, nhưng hiệu quả cũng không được
bao nhiêu bởi vị Hòa thượng đó rất uy tín. Rất may, cuối cùng mọi chuyện cũng
được chứng minh sau năm 2012.
Gần đây nhất, các trang website Phật giáo trong nước viết nhiều bài đề
cập đến một buổi thuyết pháp của một vị thầy khá nổi tiếng trong nước, nội dung
là cuộc đối thoại trực tiếp với người âm trở về kể tội của mình dưới địa ngục, kiểu
truyền bá đầy huyễn hoặt, mê tín này đã bị các trang báo Phật giáo phân tích, nhưng
hơn nữa là đã xúc phạm đến một cá nhân thuộc hàng tôn túc trong Giáo hội.
Vừa qua chúng tôi cũng có xem qua một buổi thuyết giảng trên Youtube của
2 vị thầy tổ chức chung một buổi pháp thoại, ở một tỉnh miền Tây, với đề tài “Làm
gì để được vãng sanh?”, nếu xét về tuổi tác thì 2 vị này không tới 30. Chúng
tôi không bàn đến vấn đề nội dung sai hay đúng, nhưng quý thầy ở đây khó gây được
sự thuyết phục với thính chúng vì còn trẻ mà đã chọn đề tài “Làm gì để được
vãng sanh?”. Như đã đề cập, chúng ta không bận tâm đến nội dung đúng hay sai
trong buổi giảng, nhưng độ sâu sắc thì chưa đạt, và những bài giảng theo chất
lượng này rất nhiều trên các trang mạng xã hội,
Nếu dành thời gian lướt qua trang mạng Youtube hiện nay, nhan nhãn rất
nhiều bài giảng của những vị thầy chưa qua đào tạo giảng sư và tất nhiên quý thầy
này không có tên trong Ban Hoằng pháp cấp tỉnh. Việc giảng kinh cho quý phật tử
hiểu là điều đáng phải làm, là trách nhiệm của hàng tu sĩ, tuy nhiên không phải
vị nào cũng đủ năng lực và trình độ ngôn ngữ Phật học để hiểu, để truyền tải
giáo lý của Đức Phật đến với thính chúng. Trong trường hợp vị thầy đó có đủ
năng lực thuyết pháp nhưng chưa có chứng chỉ thì nên thuyết pháp trong các buổi
tọa đàm tại chùa, không nên ghi hình, ghi tiếng.
Phật tử rất tin chúng ta, những hàng tu sĩ, nên khi chúng ta truyền đạt những gì họ đều ghi tâm khắc cốt, và làm theo không dám chệt ý. Do đó việc giảng dạy sai sẽ khiến Phật tử nhận thức sai trong tư tưởng về đạo Phật, và sai trong phương hướng tu tập, dẫn đến hậu quả rất lớn trong cuộc đời tu hành của họ, vì ai cũng hiếm hoi khi được sinh làm người, là cơ duyên lớn nhất để chạm mức giác ngộ, nên hiểu giáo lý Đức Phật như thế nào cho đúng để tu hành là điều cực kỳ quan trọng. Tránh việc truyền đạo một cách mê tín và vụ lợi cho bản thân.
Phật tử rất tin chúng ta, những hàng tu sĩ, nên khi chúng ta truyền đạt những gì họ đều ghi tâm khắc cốt, và làm theo không dám chệt ý. Do đó việc giảng dạy sai sẽ khiến Phật tử nhận thức sai trong tư tưởng về đạo Phật, và sai trong phương hướng tu tập, dẫn đến hậu quả rất lớn trong cuộc đời tu hành của họ, vì ai cũng hiếm hoi khi được sinh làm người, là cơ duyên lớn nhất để chạm mức giác ngộ, nên hiểu giáo lý Đức Phật như thế nào cho đúng để tu hành là điều cực kỳ quan trọng. Tránh việc truyền đạo một cách mê tín và vụ lợi cho bản thân.
VÀI Ý KIẾN KIẾN NGHỊ
Để đóng góp những ý kiến nhằm hạn chế các hiện trạng nêu trên, thông qua buổi
Hội thảo Hoằng pháp này, chúng tôi kính kiến nghị đến các vị trong Ban Hoằng
pháp Trung ương nên đề ra một quy chế cho hoạt động Hoằng pháp áp dụng trong cả
nước với các nội dung như sau:
1.Yêu cầu các Ban Hoằng pháp cấp tỉnh thành lập
một Tiểu ban nhằm thực hiện việc kiểm soát các bài giảng, băng đĩa của các giảng
sư trước khi cho phép xuất bản lên mạng, hoặc in ấn, ghi đĩa trước khi phát
hành đến tay phật tử
2.Yêu cầu quý thầy là giảng sư thuộc Ban Hoằng
pháp cũng cần gửi đĩa giảng của mình về Ban Hoằng pháp cấp tỉnh xin xem xét nội
dung trước khi đưa lên mạng. Nội dung giảng nào cần cắt bỏ, chỉnh sửa v.v..
3.Yêu cầu trong các băng giảng đề cập tên giảng
sư, vị trí trong Giáo hội (nếu có), chương trình đào tạo ở đâu, khi nào…
4. Trong tương lai, cần kiểm soát những bài thuyết
giảng do quý thầy không phải là giảng sư thực hiện, nhưng đã post lên mạng, cần
yêu cầu tháo xuống.
5.Những vị có năng lực và có nhu cầu thuyết
giảng nhưng không phải là giảng sư chỉ được thuyết giảng tại ngôi chùa mình
sinh hoạt, và thính chúng không quá 50 người, không được ghi đĩa đưa lên mạng.
Trong trường hợp do phật tử tự ý ghi đĩa và đưa lên mạng, thì quý thầy nên sinh
hoạt trước buổi giảng để quý phật tử được hiểu rõ quy chế.
6.Trong trường hợp những vị có khả năng
nghiên cứu và thuyết giảng, đã được đánh giá của số đông là có năng lực nhưng
chưa có chứng chỉ giảng sư, muốn ghi hình ghi đĩa cho các bài thuyết giảng và
đưa lên mạng, cần xin ý kiến cấp Ban Hoằng pháp của Tỉnh hội mình sinh hoạt tu
tập trước đó.
7.Quy chế này không áp dụng đối với bậc Hòa
thượng.
Xin chân thành cảm ơn quý chư tôn đức và quý quan khách đã lắng nghe!
Đồng Tháp, ngày 10
tháng 11 năm 2015