Sinh ra và lớn lên tại vùng đất
Cái Tàu Thượng (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), miền quê với những con sông dài
hun hút, của những cánh đồng lúa xanh thăm thẳm, vùng đất nổi tiếng về số lượng
chùa chiền trong cả nước, và như một nét tự nhiên, Hồng Loan đã đắm mình trong
mùi thơm của hương lúa thanh bình và một tấm lòng hiền hòa của Phật tử. Có lẽ
trong chính cái hồn quê đó đã kết lại như một nỗi niềm mà chỉ có thể hòa vào
những làn điệu dân ca sâu lắng.
Sinh trưởng trong một gia đình
hoạt động nghệ thuật, tuy cả cha và mẹ đều là những người hát hay, đàn giỏi; nhưng
những hạn chế về điều kiện hoạt động văn nghệ lúc bấy giờ, mà gia đình Hồng
Loan thời đó cũng chỉ dừng lại ở môi trường đàn ca tài tử trong vùng, tuy vậy
bấy nhiêu đó cũng đã đủ để tuổi ấu thơ của cô gái Cái Tàu này chìm đắm trong làn
hơi trong vắt của mẹ và tiếng đàn buồn rười rượi của cha.
Dương Hồng Loan trong một lần hát phục vụ bà con Phật tử tại chùa Thiên Phước-Đồng Tháp |
Như một phần của cuộc sống, ngay
từ nhỏ Hồng Loan yêu ca hát đến độ chị đã hát suốt ngày. Hồng Loan nói rằng: “Em không
hề lựa chọn âm nhạc như một nghề nghiệp cuộc đời, vì em biết đó là công việc
khá khắc nghiệt, em hát chỉ vì yêu thích, em hát chỉ vì yêu miền quê mình, em
hát vì em thấy mình trong những bài hát đó”. Hồng Loan đã nói rằng, chị hát vì niềm đam mê và không xem đó là
sự nghiệp; chính vì vậy mà sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như bao
bạn bè trang lứa khác, Hồng Loan khăn gói lên Sài Gòn học đại học Công Nghệ
Thông Tin vào năm 2008. Đi học tại đây, chị phải vất vã tìm kiếm thêm thu nhập
do gia đình không thể chu cấp đầy đủ, sẵn có chất giọng và ngoại hình dễ nhìn,
Hồng Loan xin đi hát tại các tụ điểm nhỏ để trang trải thêm chi phí. Không
người nâng đỡ, không có tiền để tự PR như bao ca sĩ có điều kiện khác, nhưng
với tố chất bẩm sinh ca hát, Hồng Loan vừa đi diễn vừa rèn luyện thêm kỹ năng
biểu diễn, sẵn có sự hỗ trợ của gia đình về chuyên môn ngay từ nhỏ, Hồng Loan
vào nghề như một điều tự nhiên cũng chính từ những năm tháng này tại Sài Gòn.
Tuy xuất thân từ tỉnh lẻ, khá bơ
vơ giữa phố thị, nhưng Hồng Loan khước từ tất cả các lời mời có tính “trao đổi”
trong nghề, chị lựa chọn cho mình một lối đi riêng mà không đầu quân cho bất kỳ
công ty quản lý nào, đúng như phương châm chị theo đuổi: “Em hát vì yêu thích”, không dấn thân bằng mọi giá vào cái thế giới
ồn ào của showbiz, Hồng Loan vẫn đi hát như một tất yếu cuộc đời, chị hát ở bất
cứ nơi nào, từ những sân khấu sáng chói ánh đèn của tụ điểm, đến những sân chùa
hiu hắt ánh đèn, sân khấu lớn hay nhỏ không quan trọng, có sân khấu hay không
có sân khấu cũng không cần thiết đối với Hồng Loan, miễn rằng ở đó có người nghe
chị hát, và điều này đã được chị thể hiện như một điều tự nhiên, không màu mè, không
phô trương trong đêm diễn tại chùa Thiên Phước của quê nhà chị hôm đó, chị đã
bước xuống sân khấu để đến rất gần bà con phật tử để hát, và cả buổi diễn Hồng
Loan đã tới từng vị trí của người nghe. Mọi người yêu giọng hát của chị không
chỉ vì sự ngọt ngào, không chỉ vì ở giọng hát đó cho người ta sống lại những ký
ức tuổi thơ của mình bên ruộng lúa, mà vì cái tính cách của chị đã góp phần vào
sức cuốn hút trong từng lời ca. Hồng Loan là thế, cái nết của con người Miền
Tây vẫn còn nguyên ở chị.
Gặp lại Dương Hồng Loan vào những
ngày tháng 7 Vu Lan năm nay, chị cho biết đang tranh thủ sắp lịch đi hát dâng
tặng các chùa ở khắp nơi, cố gắng không từ chối bất cứ chùa nào, từ vùng xa hẻo
lánh đến phố thị. Nhìn vào lịch biểu diễn của chị, tôi còn thấy cả các chùa ở
Thụy Điển và Đức, Dương Hồng Loan hớn hở: “Anh
ơi, em vừa thu xong album ca nhạc Phật giáo nhân mùa Vu Lan, em muốn thông qua
trang Phật Giáo tỉnh nhà Đồng Tháp để gửi tặng tất cả các bậc mẹ cha ở quê
mình, anh có thể đăng giúp em được không?” – Tất nhiên rồi Hồng Loan à, vì
đó là món quà ý nghĩa và rất đặc biệt mà không phải người con nào cũng làm được,
không phải bất cứ người Phật tử nào cũng đem đến cho các cha, các mẹ được như chị.
Xuân Giang