PGĐT - Trong đạo Phật có câu
nói rất phổ biến là “Nhất niệm thông tam giới,” một niệm biến khắp ba cõi – cõi
dục, sắc, và vô sắc. Một niệm tức là một móng tâm, một ý nghĩ khởi sinh từ tâm.
Điều này cho thấy hai ý nghĩa: làn sóng vi ba khởi sinh từ tâm dù vô hình vô tướng
vẫn có thể lan xa khắp ba cõi, và qua đó, ảnh hưởng của một niệm có thể bao
trùm cả cõi không gian rộng lớn vô cùng.
Quan điểm này có thể nhìn thấy rõ nhất trong thế giới truyền
thông ngày nay. Chỉ trong chớp mắt, trong một cái nhấp tay hay cái bấm tay trên
máy điện toán hay điện thoại cầm tay thì một bản tin, một sự kiện, một hình ảnh
có thể đi khắp thế giới và ảnh hưởng đến hàng tỉ người trong “ngôi làng toàn cầu.”[1]
Những chữ và hình ảnh mà chúng ta đọc hay nhìn thấy được trên
các máy điện toán, các máy truyền hình, các điện thoại di động đều được cấu
thành bởi những ký hiệu mã hóa hay những điểm phân giải vi tế. Khi chúng ta đọc
được chữ hay nhìn được hình ảnh trên màn ảnh của máy điện toán, máy truyền
hình, hay điện thoại cầm tay, chúng ta chỉ nhìn thấy chữ và hình sau khi được tập
thành hoàn chỉnh, nếu không thì chúng ta không thể đọc được chữ hay nhìn thấy
được hình gì cả. Thực tế, chữ và hình đó chỉ là phần được biến thái của mã số
hay điểm phân giải do nhà lập trình máy tạo ra, giống như Duy Thức Học nhà Phật
gọi là “thức biến” từ dạng nguyên bản của các chủng tử nằm trong A Lại Da Thức
thành thiên hình vạn trạng của năng tri và sở tri. Chúng là kết quả của một quá
trình chuyển biến thần tốc và vi tế đến mức mắt thường của chúng ta không thể
thấy. Chúng thực sự không phải là cái mà chúng ta gọi là hiện thực như thực của
sự kiện, hay của một pháp đang diễn ra dù là trước mắt của chúng ta. Đó là thế
giới ảo, thế giới mà chúng ta có thể nhìn thấy hay nghe những biến tướng của
chúng nhưng không thể bước vào đó để cảm nhận như cuộc sống hiện thực.
Điều kỳ lạ đến không thể tưởng tượng được là chính thế giới ảo
của truyền thông đó đã ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của nhân loại trong thế
kỷ 21, mà trong đó có Phật Giáo.
Nhờ kỹ thuật tin học hiện đại, truyền thông đã đi một bước
dài chưa từng thấy trong lịch sử từ lãnh vực thông tin đại chúng với truyền
hình, báo chí, truyền thanh vào sâu và xa trong thế giới thầm kín của từng cá
nhân con người qua các dạng trang mạng xã hội,
Facebook, Twitter, blog, Friendster, hi5, Tagged, Flixster, Classmates,
Bebo, Orkut, Netlog, Google+, Linkedln, Tumblr, v.v… Nói là mạng xã hội vì qua
những trang mạng cá nhân này, con người có thể tự mở cửa nhìn vào xã hội và ngược
lại xã hội cũng có thể nhìn vào sinh hoạt của từng cá nhân con người một cách
tương đối dễ dàng và thuận lợi. Ở đây, thế giới tư ẩn của mỗi cá nhân đã được
phô bày ra trước xã hội có thể là tự nguyện và cũng có thể là không tự nguyện.
Từ đó nhiều nhà xã hội học như Brian Jung, từ University Hospitals tại Cleveland tiểu bang Ohio,
quan tâm đến quyền tư ẩn bị xâm phạm.[2]
Theo thăm dò của Trường Cao Đẳng Tiểu Bang Georgia có chủ đề
“Những Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Truyền Thông Xã Hội Đối Với Trẻ Em Và Thanh Thiếu
Niên” được công bố trong năm nay, nói rằng giới trẻ Mỹ tuổi từ 8 tới 18 đã vào
các trang mạng xã hội từ 45 phút tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. 51 phần trăm trẻ
em cho biết họ đã bị trang mạng bắt nạt, ngược lại 49 phần trăm trẻ em cho biết
họ đã quấy rầy người khác trên mạng. Trong khi đó cũng theo thăm dò nói trên
thì 72 phần trăm những người làm cha mẹ lo ngại con em họ phát hiện ra những
thông tin không chính đáng trên mạng.[3]
Trong khi đó, thăm dò của Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu Pew có chủ
đề “Trang Mạng Toàn Cầu Ảnh Hưởng Tốt Về Mặt Giáo Dục Nhưng Cũng Ảnh Hưởng Xấu
Về Mặt Đạo Đức Tại Các Nước Đang Trỗi Dậy Và Phát Triển,” được công bố hôm 19
tháng 3 năm 2015 cho thấy rằng 64 phần trăm người sử dụng internet tại 32 quốc
gia đang trỗi dậy và phát triển cho rằng trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng tốt về
mặt giáo dục, với ít nhất một nửa nói rằng rằng nó có ảnh hưởng tốt về mặt quan
hệ cá nhân (53%) và kinh tế (52%). Cũng theo thăm dò của PEW nói trên, 42% số
người trả lời cho biết trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức, ngược
lại chỉ có 29% cho là có ảnh hưởng tốt. Thăm dò của PEW nhấn mạnh rằng không một
quốc gia nào được thăm dò có đại đa số người cho là internet có ảnh hưởng tốt về
mặt đạo đức.[4]
Tất nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng như
internet, truyền hình, báo chí, và các trang mạng xã hội đã và đang đem đến cho
con người nhiều điều bổ ích và tiện lợi. Chẳng hạn, nhờ truyền thông đại chúng
và mạng xã hội, chúng ta có được vô số tin tức cập nhật từng phút từng giờ trên
khắp thế giới. Bao nhiêu kiến thức phổ thông và chuyên môn về nhiều lãnh vực từ
giáo dục, sức khỏe đến mọi nhu cầu của cuộc sống, cũng như hàng khối dữ liệu,
sách báo, phim ảnh quý báu mà nếu không có internet, truyền thông và mạng xã hội
hiện đại thì một đời người chắc chắn không thể nào sưu tìm ra được.
Đối với Phật Giáo, thế giới tục đế là tương đối và vì vậy
luôn luôn có tốt và xấu, có thiện và ác cùng hiện hữu. Tự bản chất, thế giới
truyền thông được hình thành và phát triển trong mối tương quan tương duyên của
nhiều điều kiện và không có tự tính cố định. Chúng cũng luôn luôn biến đổi và
vô thường trong từng sát na chứ không phải chỉ trong giờ phút. Nó là thế giới ảo
luân diễn trong ba cõi không thật. Nhìn sâu vào bản chất cả truyền thông và con
người dưới tuệ nhãn của nhà Phật đều là không thật, chỉ như những ảo ảnh chợt
hiện chợt tắt trên màn hình kỹ thuật số. Cả hai đều đang đóng vai của những diễn
viên trên sân khấu cuộc đời mà đạo diễn chính là tâm thức con người. Tâm thức ấy
có khi thiện và cũng có lúc ác. Nhưng kỳ thật cái tâm chủ nhân ông tạm thời đó
cũng chỉ là trạng huống biến thể của một thế lực vô hình vô tướng nhưng năng lực
thì thật là kỳ diệu vô song mà mắt người không thấy được, giống như luồng điện
kích động cho những mã số và điểm phân giải hoạt động trên máy điện toán và màn
ảnh truyền hình.
Nhưng làm sao con người có thể thoát được tác động của thế giới
truyền thông, dù nó cũng là sản phẩm do chính con người tạo ra, trong cuộc sống
tương đối và nhiều hệ lụy này? Đây có lẽ cũng là điều mà nhiều người đang quan
tâm.
Đức Phật đã nói từ lâu rằng con người là kẻ thừa tự những gì
do chính họ tạo ra. Chiêm nghiệm lời Phật dạy và nhìn vào thực tế chúng ta thấy
con người tạo ra máy điện toán, điện thoại cầm tay, trang mạng toàn cầu, truyền
hình, báo chí, v.v… Rồi cũng chính con người ở một bình diện nào đó là nạn nhân
của những sản phẩm kia. Điều mà đức Phật gọi là do con người tạo ra chính là
hành động tạo tác của thân, miệng và ý, hay nói theo thuật ngữ nhà Phật là ba
nghiệp. Trong 3 nghiệp này thì chủ chốt nhất là tâm. Vì vậy, để giải nghiệp thì
phải bắt đầu từ tâm. Tâm nghĩ điều lành thì miệng sẽ nói điều lành và thân sẽ
làm điều lành. Nhờ đó mà cuộc sống cá nhân và cộng đồng xã hội sẽ được nhờ, sẽ
được an ổn, hòa bình. Đây là điều kiện chính yếu và quan trọng nhất để xây dựng
và phát triển truyền thông theo chiều hướng cải thiện và xây dựng con người và
xã hội.
Trong ý nghĩa này, nhà làm truyền thông cần nên có cái tâm.
Cái tâm mà thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều gọi là, “Thiện căn ở tại
lòng ta…” Đó là cái tâm lành mà nhà truyền thông nên nghĩ đến khi viết hay đưa
một bài viết, một bản tin, một hình ảnh lên các phương tiện truyền thông để phổ
biến đến đại chúng. Nghĩ cho người khác là tâm vị tha của nhà Phật. Nó phát xuất
từ tấm lòng biết nghĩ cho tha nhân, biết cảm thông và thương tưởng đến đồng loại,
cũng như biết điều mình sắp làm sẽ có tác dụng như thế nào đến cá nhân con người
và xã hội chung quanh. Trong thế giới tương đối này, chúng ta sống được là nhờ
tất cả những điều kiện, những duyên từ bản thân đến gia đình và cộng đồng xã hội
gộp lại, tuyệt nhiên trong đó không có một điều kiện nào đóng vai trò độc lập
duy nhất làm cho chúng ta tồn tại. Do đó, nhà truyền thông thực hiện quyền tự
do ngôn luận không phải là muốn nói gì, muốn viết gì cũng được, mà phải biết
nghĩ đến người khác, biết tôn trọng các quyền cơ bản của người khác, theo khuôn
khổ luật pháp của quốc gia mà mình đang sống, và không làm hại đến tha nhân và
cộng đồng xã hội. Chính vì thế, ngoài cái tâm ra, nhà truyền thông còn cần có
cái trí để biết cách hành xử quyền tự do ngôn luận của mình sao cho hợp tình hợp
lý. Cái tâm là từ bi. Cái trí là trí tuệ. Đó là hai cái bánh của cỗ xe Đạo Phật
mà nhà truyền thông Phật Giáo đang lái trên đường trung đạo đưa mình và người
ra khỏi sự trói buộc của nghiệp lực bủa vây để vươn đến cuộc sống an lạc, giải
thoát và phát triển toàn diện.
Khi đức Phật sắp nhập niết bàn, Thầy A Nan hỏi đức Phật sau
này ghi lại những lời dạy của Phật thì lấy gì làm bằng cho người khác tin, đức
Phật dạy Thầy A Nan nên bắt đầu mỗi bài kinh bằng câu: “Như thị ngã văn,” tức
là “Tôi nghe như vầy.” Tôi là Thầy A Nan. Nghe như vầy là nghe đức Phật giảng
như thế nào thì tụng lại, ghi lại như thế đó, không thêm không bớt. Nguyên tắc
này có thể ứng dụng thích đáng cho lãnh vực truyền thông. Nghe như thế nào, thấy
như thế nào thì kể và viết lại như thế đó, tức là tôn trọng sự thật. Không tôn
trọng sự thật, nhà truyền thông tự mình phá đổ niềm tin của khán thính độc giả,
của quần chúng. Nhà truyền thông không còn được tin tưởng nữa thì vai trò và chức
năng truyền thông của người đó cũng tự động mất hiệu năng.
Tuy nhiên, tôn trọng sự thật và phương cách trình bày sự thật
để quần chúng chấp nhận đòi hỏi đến kỹ thuật chuyên môn và kinh nghiệm đầy đủ.
Vì thế, nhà truyền thông cũng cần phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dồi
dào để hoàn tất nghiệp vụ một cách tốt đẹp và nâng cao thành quả của công tác
truyền thông.
Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của
từng cá nhân con người đến cộng đồng xã hội, những Phật tử, tăng, ni và nam nữ
cư sĩ, không thể không sử dụng đến truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng
pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội. Tất nhiên, cho đến
thời điểm này đã có nhiều thành quả rất đáng khích lệ trong việc dùng truyền
thông để hoằng pháp với hàng ngàn trang mạng toàn cầu, trang mạng xã hội, đài
truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tạp chí, sách vở, tài liệu, v.v… do cá
nhân, chùa viện hay tổ chức Phật Giáo của nhiều nước thực hiện.
Dù vậy, dường như đối với Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài
nước đều chưa thật sự vận dụng đúng mức vai trò và chức năng của truyền thông
cho công cuộc hoằng pháp có hiệu quả rộng lớn không những trong giới Phật Giáo
mà còn đối với quần chúng và xã hội bên ngoài. Chẳng hạn, có rất nhiều chùa và
tổ chức Phật Giáo làm nhiều Phật sự ý nghĩa, nhưng vì không có người viết tin,
viết bài có nội dung thuyết phục để phổ biến trên các phương tiện truyền thông
nên, đã không đánh động được sự tham gia đông đảo hơn nữa của quần chúng Phật tử
các giới. Qua việc này có thể hiểu thêm một điều nữa là nếu các vị trú trì một
ngôi chùa có khả năng viết bản tin, viết bài Phật pháp có chất lượng để phổ biến
trên các cơ quan truyền thông thì sẽ giúp ích nhiều hơn nữa sự hiểu biết Phật
Pháp và xây dựng vững chắc hơn niềm tin của Phật tử.
Khi các phương tiện truyền thông tin học, kỹ thuật điện toán,
kỹ thuật số phổ biến rộng rãi thì giới Phật tử, xuất gia và tại gia, cũng cần
phải cảnh giác cao độ đối với việc lạm dụng hay bị lạm dụng quá đáng để gây ảnh
hưởng không tốt cho uy tín của Phật Giáo.
Tóm lại, truyền thông Phật Giáo gánh vác một sứ mệnh thật khó
khăn, nhất là trong thời đại tin học bùng nổ hiện nay với tình trạng ngày càng
phức tạp của thế giới ảo. Sứ mệnh khó
khăn đó là vừa chu toàn chức năng truyền thông hiện đại với việc bắt kịp những
tiến bộ và đổi thay nhanh chóng từng ngày, vừa giữ gìn được truyền thống phẩm
chất giải thoát và giác ngộ của Phật Giáo. Nhưng, có làm được như thế, truyền
thông Phật Giáo mới có thể xứng đáng góp phần vào việc xiển dương Chánh Pháp của
đức Phật giữa thời đại tin học, điện tử, kỹ thuật số biến đổi và tiến bộ phi
mã.
Tác giả: Huỳnh Kim
Quang
[1] Marshall McLuhan,
Understanding Media, Gingko Press, 1964 và 2003.
[2] Brian Jung, The Negative Effect of Social Media on
Society and Individuals, http://smallbusiness.chron.com
[3] Nguồn: http://www.gcsu.edu/adp/docs/social_media_issue_guide_1_.pdf
[4]
http://www.pewglobal.org/2015/03/19/internet-seen-as-positive-influence-on-education-but-negative-influence-on-morality-in-emerging-and-developing-nations/