Notification

×

Iklan

Chùa Bửu Nghiêm: vừa nuôi nhiều trẻ mồ côi, vừa lo ăn trưa cho học sinh xa nhà

TT-TT - 6.3.15 Last Updated 2022-03-11T22:20:44Z
    CHIA SẺ
PGĐT - Vào khoảng mùa nước ngập năm 2011, chùa lúc ấy khung cửa còn để trống vì phần cánh bị hư. Khi tôi vừa bước ra ngoài, chợt nhìn thấy một chiếc khăn xanh quấn tròn một đứa bé mới sinh đang nằm trên băng ghế đá đặt giữa trời, kề bên là chiếc giỏ, liền xúc động từ tâm, vội vàng chạy nhanh tới ẵm vô chùa, kêu chòm xóm, phật tử xung quanh tới hỗ trợ, báo cho công an sở tại rồi từ đó nhận nuôi luôn đến giờ, đặt tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Bửu Châu,
vì đó là một bé gái, có giấy chứng sinh bỏ kèm theo trong chiếc giỏ nói trên ghi tại bệnh viện Từ Dũ, Tp. Hồ Chí Minh ”- Vừa kể, sư cô Thích Nữ Phước Liên, trụ trì chùa Bửu Nghiêm, nằm trong một ngõ hẽm quanh co kế bên chân cầu Nha Mân, thuộc địa bàn xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp vừa bùi  ngùi hồi tưởng.
Giới thiệu
    Sư cô Phước Liên cho biết mình có tục danh là Nguyễn Thị Trúc Ly, sinh trưởng tại Thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
    Năm 1994, vừa 20 tuổi, phát tâm thế phát quy y tại Tịnh xá Ngọc Trà với thầy bổn sư  Thích Nữ Xuân Liên.
    Năm 1998, được gửi tới Thiền viện Sơn Thắng nằm tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long dự khóa  Trung cấp Phật học.
    Năm 2002, mãn khóa, tiếp tục được gửi tới trường Cao đẳng Phật học Đại Tùng Lâm nằm tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 2007 thì tốt nghiệp ra trường, tiếp tục theo học khóa Từ thiện xã hội, có thời gian 3 tháng tại Đại học Vạn Hạnh do TW giáo hội Phật giáo VN tổ chức, đó cũng là lúc ông Phan Văn Vinh, hậu duệ của nhân vật “cô Hai Hiên”nổi tiếng hiển linh tại vùng Nha Mân- Sa Đéc từ hơn trăm năm trước vừa qua đời được ít lâu.

alt
Sư cô Phước Liên, trụ trì chùa Bửu Nghiêm
     Cuối năm 2007, qua nhân duyên khởi từ Ni sư Thích Nữ Như Liên đang tu tại chùa Giác Lâm nằm bên chợ mới Nha Mân, con cháu của ông Phan Văn Vinh đã hoan hỉ theo sở nguyện tìm kiếm bấy lâu nay của mình đồng ý giao cơ sở thờ tự “cô Hai Hiên” lại cho sư cô Phước Liên ngày đêm hương đăng cúng kính.
                      
     Từ đây, tên chùa Bửu Nghiêm được tái lập, vì trước đó, khi thân mẫu của ông Phan Văn Vinh còn sống, bắt đầu vào khoảng năm 1945, nó vốn là một ngôi chùa tư nhân có tên hiệu là Bửu Nghiêm, phát triển dần từ cái am dành thờ “cô Hai Hiên” ngày nào.
     Tháng 8 năm 2009, chùa Bửu Nghiêm làm đơn xin gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được công nhận là cơ sở thờ tự, và sư cô Phước Liên trở thành Trụ trì.
                           alt
                            Sư cô Phước Hiếu cùng các trẻ mồ côi 


Mơ ước xã hội có thêm nhiều trí thức chân chính giúp đời
       Sư cô Phước Liên nói: “Qua một quá trình dài học Phật, tôi được chỉ dạy cho biết  chỉ có ánh sáng tri thức chân chính mới làm cho đời sống của từng con người, gộp chung lại thành cộng đồng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn mà thôi. Do vậy,  khi vừa tiếp nhận cơ sở  này,  tôi đã nghĩ ngay đến việc khuyến học tới  các đối tượng  học sinh nghèo trong vùng”.
      Sư cô kể: “Niên học 2008-2009, sau khi liên hệ báo cáo xong cùng Hội khuyến học xã Tân Nhuận Đông, và theo sự hướng dẫn của họ, tôi bắt đầu trực tiếp tới các trường Tiểu học Nha Mân 1, Nha Mân 2, và trường Trung học Châu Thành 1 để tiến hành phát quà khích lệ học tập cho các học sinh nghèo nơi đây. Chùa thì đang nghèo, vách lá, mái tole, cột kèo mong manh, xiêu vẹo, nằm tuốt trong hẽm sâu, giới Phật tử và các nhà hảo tâm ở xa  không ai biết tới, Phật tử chòm xóm cận kề chỉ  có mấy người. Tôi phải về lại Vĩnh Long,  lặn lội tìm tới các Phật tử quen biết năm nào vận động quyên góp thêm tập vở, giấy viết, trong lần này được trên 3000 quyển tập, trên 1000 cây viết, chia thành nhiều suất nhỏ, mỗi suất 10 quyển tập và một cây viết, đem tới nơi phát tặng cho các em. Các em mừng lắm, mà tôi cũng được mừng!”.
      “ Các niên học tiếp theo, và cho tới tận nay, ngoài các Phật tử quanh chùa ra, tôi vẫn lại tiếp tục về Vĩnh Long  vận động, quyên góp tập viết cho học trò. Lần mới nhất, niên học 2012-2013 hiện nay, tôi vận động, quyên góp được hơn 5000 quyển tập, trên 2000 cây viết, mở rộng sự khích lệ học tập của chùa  sang tới trường Tân Nhuận Đông 1 và Tân Nhuận Đông 2”- Sư cô Phước Liên kể tiếp.
                           alt
                                  Bếp nấu ăn tạm bợ trong chùa 


  Nuôi ăn trưa cho học sinh xa nhà
        Mùa tựu trường năm 2012, Hội khuyến học trường Trung học Nha Mân kề bên tìm tới chùa Bửu Nghiêm đề nghị giúp đỡ nuôi cơm trưa cho 15 em học sinh nghèo lớp 12 của trường  đang gặp khó khăn vì nhà xa, ở tận xã Hòa Tân và Phú Long khi phải học liền thêm buổi chiều.
        “Tuy đang không có nguồn tài chánh nào, nhưng cảm thấy có thể nuôi được từ nguồn cúng dường Tam bảo thường xuyên của Phật tử xung quanh, nguồn tụng kinh đám tang của chính mình …nên tôi nhận lời”- Sư cô Phước Liên nói.
        Nhưng chỉ một tuần sau, số lượng học sinh do Hội Khuyến học trường Trung học Nha Mân giới thiệu qua, kết hợp số học sinh đích thân tới xin được nuôi bữa cơm trưa tăng dần lên 20 em, rồi 30 em, đến hiện nay đã là 70 em, khiến cho chùa rơi vào cảnh khó khăn, nhưng không thể từ chối “ Vì thấy thương các em quá”- Sư cô Phước Liên nói.
         Thế là, mỗi khi đi tụng kinh đám tang trong vùng, sư cô đều tranh thủ trình bày cùng tang gia, và may mắn là luôn được ủng hộ thêm tiền để có thể chi phí nhiều hơn  vào bếp ăn trưa cho số học sinh nhà xa đang cần sự giúp đỡ của chùa. Khi nghe tin, rất nhiều tiểu thương bên chợ Nha Mân đều cảm kích, tự nguyện rủ nhau  mang  nhiều chủng loại thực phẩm sang hỗ trợ thường xuyên cho chùa. Mới đây, vào ngày 27/2, từ tận chợ Cầu Đốt, nằm trên TX Sa-Đéc, cách hơn 6 km, tiếp tục có một tiểu thương chở mang rau củ tới ủng hộ bếp ăn trưa của chùa. 
                           alt
      Học sinh đang ăn cơm trưa, dọn tạm trên thềm nhà nuôi trẻ mồ côi
         Em nữ sinh Nguyễn Thị Huệ Thiện, đang học lớp 12 A trường TH Nha Mân nói : “Nhà con ở xã Hòa Tân, có sổ hộ nghèo. Trước đây, khi chưa được thầy giới thiệu sang chùa, có bữa con không có gì ăn, phải uống nước lạnh, đỡ hơn thì ăn được ổ bánh mì. Giờ đây, con được ăn no mà lại ngon”.
         Em nam sinh Đặng Phúc Vinh, đang học lớp 12 A trường TH Nha Mân nói: “ Thầy Đức, đại diện Hội cha mẹ học sinh giới thiệu con sang đây ăn cơm bữa trưa, vì thầy bảo thầy đã đăng ký rồi. Con sang đây ăn từ tháng 10 năm 2012.  Nhà con xa, cách trường hơn 10 km. Con ăn để tiết kiệm tiền cha mẹ cho theo, vì còn phải trả tiền thuê nhà nghỉ qua  trưa. Bởi ăn hủ tiếu dưới chợ phải mất 10 ngàn đồng một tô, cơm thì 15 tới 17 ngàn nhưng lại không no. Ở đây cơm chùa, ăn món chay, đứa nào cũng thấy ngon, mập dần ra lúc nào không hay”.
        Chị Lâm Thị Đặng, quê xã Tân Phú Đông, TX Sa-Đéc, Trưởng bếp ăn Khuyến học TX Sa-Đéc nói: “ Trên này cũng thường xuyên liên lạc cùng chùa. Vào những lúc trên này đột xuất dư cơm, chúng tôi cấp tốc nhờ người chở ngay xuống chùa tiếp nuôi cơm trưa cho các em nơi đây”.
alt
Sư cô Trụ Trì Phước Liên góp tay "nuôi trồng" các nhà trí thức tương lai
  Nuôi tới 6 trẻ mồ côi và cơ nhỡ
     Sư cô Phước Liên nói:  “Khoảng tháng 11 năm ngoái,  khi đang nuôi bé Nguyễn Ngọc Bửu Châu thì bất ngờ nhận được điện thoại từ  đồng đạo Thích Nữ Huệ Châu đang tu tại chùa Phước Hòa nằm tại tỉnh Sóc Trăng  báo rằng đang có một bé gái người Khmer vừa bị cha mẹ đem bỏ tại chùa sau khi ly dị nhau. Tôi từ trước tới nay chưa từng có kinh nghiệm gì với trẻ nhỏ. Nghe tin như vậy, lại thấy xót lòng, tức tốc xuống Sóc Trăng nhận bé đem về nuôi, đặt tên Nguyễn Ngọc Bửu Uyên”.
        “Cũng trong năm 2011, một phụ nữ đang sống tại Tp Hồ Chí Minh, có đứa con trai 3 tháng tuổi, tên là Nguyễn Chí Tài, rất khó nuôi, cứ đau ốm hoài, nên đã thông qua nhiều nguồn quen biết tìm tới gửi cho chùa. Chùa tiếp nhận, nuôi nấng tới ngày hôm nay. Cháu từ đó cũng  hết dần bệnh hoạn”- Sư cô Phước Liên nói tiếp.
          Chẳng những vậy, chùa còn tiếp nhận thêm một bé gái mồ côi cha, mẹ đang gặp khó khăn khốn khó trong mưu sinh, đã 11 tuổi, tên là Lê Thị Huyền Thư từ Kom Tum, hiện đang cho học chữ tại ngôi trường kề bên.
          Sang đầu năm 2012, một cụ già có quê ở Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh  còm cõi lụ khụ  dắt tới chùa, nhờ nuôi giùm hai đứa cháu ngoại, tên là Lê Thanh Hậu và Lê Thị Thanh Hiếu, do mẹ hai cháu  gánh gồng mưu sinh suốt ngày không đủ sống. Chùa cũng không thể chối từ dù đang gặp khó khăn, chật chội, thủng dột khắp nơi.  May là sau đó không lâu, “ Trong một lần tụng kinh cho người  thân vừa quá cố của cơ sở bán vật liệu xây dựng Thanh Xuân nằm tại tỉnh Vĩnh Long, gần cầu Cái Cam, nghe tôi giãi bày nỗi khó khăn đang gặp phải trong việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi và cơ nhỡ, cơ sở này liền sai người chở thẳng vật liệu, cùng lúc trực tiếp thuê thợ lên chùa xây ngay hai phòng ở rộng rãi, khang trang, có kèm theo nhà vệ sinh nằm trên một mảnh đất sau hông chùa làm nơi ăn nghỉ cho các cháu. Cùng lúc, nhiều Phật tử ở Vĩnh Long ủng hộ tiền xây dựng phần mái hiên che mát, che mưa trước hai phòng ở nói trên nhằm làm chỗ dọn cơm cho học sinh, trong đó riêng phần  chú Giang ở Công Ty Bất Động sản toàn quốc ủng hộ 20 triệu đồng. ”- Sư cô Phước Liên tâm sự.
         “Về phần bếp ăn trưa, hiện nay lại tiếp tục có vài chục em học sinh được giới thiệu sang chùa. Chùa đã làm hết sức lực tài chính của mình rồi  nên đành không nhận thêm, chờ khi nào có thể thì mới nhận tiếp , nhưng trong lòng luôn bùi ngùi, ray rứt lắm ”- Sư cô chùng giọng giãi bày.
                           altGiữ như vầy cho an toàn, vì chùa đang còn nghèo
   Đường vào chùa Bửu Nghiêm
          Nếu đi từ phía TX Sa-Đéc tới, chùa Bửu Nghiêm nằm về phía tay trái, gần dốc cầu Nha Mân. Tại đây có một con hẽm nhỏ. Qua nhiều cua quẹo khá ngoằn ngoèo, sẽ bắt gặp chùa Bửu Nghiêm nằm sau một hàng rào lưới B40,  cột cây, mái tôle hoen rỉ nằm xoay mặt về phía bờ sông An Tịch, còn gọi là sông Sa-Đéc, nhưng hai cổng lại mở về phía bên hông phải, đối diện một khu dân cư lao động thưa thớt, nghèo nàn.
       Nền chùa lót gạch. Từ vách lá ban đầu, khi vừa tiếp nhận  đã được nâng cấp tạm bợ thành tường gạch, quét vôi  trắng. Bên trong vẫn còn trang thờ "Cô Hai Hiên", sơn son, còn đủ ấn mộc, nằm bên góc trái. Chưa có nhà bếp, nhà ăn, tất cả đều được  che đở bằng mái tole sơ sài, thấp ngắn. Hàng ngày, có trên dưới 10 phật tử xung quanh tới chùa làm công quả, nấu cơm cho học sinh, tiếp quý sư cô bên trong chăm sóc, tắm rửa và cho các bé mồ côi và cơ nhỡ ăn uống, phần lớn là phụ nữ. Không khí luôn thân thiện, yên lành, thanh tịnh.  
         Chính thức tu hành trong chùa còn có thêm hai sư cô, có pháp danh là Thích Nữ Huệ Hiếu và Thích Nữ Huệ Nghiên, quê ở Vĩnh Long, chưa quá 40 tuổi, đều đã tốt nghiệp Cao đẳng Phật học tại trường Đại học Vạn Hạnh.
         Các sư cô này ưa nói nhiều về tầng lớp trí thức từng xuất thân từ chùa, hay từng hấp thụ tinh thần đại từ, đại bi, đại trí, đại lực từ nhà chùa vào thời Lý-Trần  ở nước Việt Nam ngày xưa. Mơ ước có điều kiện trùng tu ngôi chính điện thờ Phật đang mong manh , thủng dột, xây được một nhà bếp, nhà ăn khang trang, rộng rãi để có thể phục vụ tốt hơn cho các giới Phật tử xa gần vào những ngày cúng lễ, trong đó có việc mở rộng bếp ăn khuyến học nuôi bữa cơm trưa  cho học sinh xa nhà trong vùng…                                                           
                          alt
                                       Một góc chùa Bửu Nghiêm
                            
                                               
Minh Tạo