Có lẽ chúng tôi, những người theo đạo Phật không hề muốn nhắc đến cái gọi là Album ảnh “Nude để thiền” gì đó nữa, nó giống như một nỗi buồn mà thật ra chẳng dính dáng gì đến đạo Phật, sự xuyên tạc không bằng lời của một dự án được cho là nghệ thuật nhưng lại rất kém cả về tư duy, sự chuẩn bị của những người không hiểu gì về đạo Phật.
Thật sự chúng tôi muốn câu chuyện này trôi qua trong im lặng, nhưng mấy ngày trước khi đọc báo tôi vô cùng bất bình về cách đặt từ cho tiêu đề của một số bài báo được đăng trên báo mạng, những trang chính thống có uy tín. Tại trang VB,với cái tít "Nude để thiền hay sự sa đọa của nhà sư?” – Thông qua cái tít này chúng tôi đã có phản hồi đến BBT trang báo bằng bình luận phía dưới, nhưng mấy ngày qua tòa soạn vẫn không điều chỉnh.
Lướt một lượt trên trang tìm kiếm chúng tôi còn thấy rất nhiều trang mạng trích dẫn bài báo cùng tên này, ngoài ra một số trang còn đặt những cái tên như “Thầy chùa thiền bên người đẹp Nude” hay đại loại là những cái tựa gần như thế mà chúng tôi không tiện nêu ra.
Qua đây chúng tôi xin nói thêm một số phân tích của cá nhân như sau:
Những câu chuyện bên lề về mối quan hệ của người mẫu và ông Huệ Phong như thế nào thì báo chí đã đăng rõ, bản thân cô người mẫu cũng đã có những hành động bày tỏ sự nuối tiếc và cũng đã xin lỗi đồng thời cho rằng mình bị lừa.
Riêng ở ông Huệ Phong, chúng tôi thiết nghĩ các báo trước khi viết tin hãy tìm hiểu cho rõ về thân thế, ông Huệ Phong không phải là một tu sĩ, nên không thể gọi là nhà sư, nên làm gì có sự sa đọa của nhà sư ở đây? Ông chỉ là một cư sĩ (người ở nhà tự tu tập- cũng chưa gọi là phật tử), nên càng không gọi là thầy chùa, do đó cách dùng từ ở các tiêu đề trên của các trang báo rõ ràng chưa hiểu hết về đạo Phật, hoặc nếu có là muốn giật một cái tít thật sốc để cuốn hút người đọc? Nếu rõ ràng bằng cách này, thì các báo đã gây ra một sự ngộ nhận cho người đọc và có cái nhìn không hề tốt về những hình ảnh của đạo Phật, người theo đạo Phật sẽ biết được khả năng của các báo trong việc hiểu đến đâu trong sự việc này.
Sẵn đây, cũng xin cung cấp một số thông tin về ông Huệ Phong:
Ông Huệ Phong tên thật là Phạm Đình Phong- sinh năm 1975, từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, làm việc nhiều năm tại Vũng Tàu về lập và quản trị các website. Được vài năm thì ông Phong cạo trọc đầu để nghiên cứu về thiền học và có thời gian học mấy tháng về thiền ở nước ngoài.
Cách đây 5 năm, ông Phạm Đình Phong từng bị cơ quan chức năng lập biên bản phạt hành chính 50 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm trong việc lập website “đen”.
Theo thầy Thích Gia Quang - Người Phát ngôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Ông Huệ Phong không liên quan gì đến giới tu sĩ Phật giáo thuộc GHPGVN, không phải người của Phật giáo nên phía Giáo hội không lên tiếng chỉ trích hay phê phán”
Ông Phong là người tự nghiên cứu thiền, ông còn tự nhận mình là "nhà phong thủy", tự nhận “Không gian thiền art” của mình là “Học viện Khổng Tử” – Những lĩnh vực không dính dáng gì đến đạo Phật.
Do đó chúng tôi thiết nghĩ, với việc làm của người ngoại đạo như ông Huệ Phong, nên các báo cần lưu ý khi đặt tên cho chuẩn, để tránh một sự hiểu nhầm, tránh giật những cái tên nghe cuốn hút làm cho những bài báo của mình trở nên kém giá trị.
Phật tử Lệ Trí