PGĐT - Trong thực đơn tại
một chùa, chúng tôi thấy có các món: lẫu Thái hải sản, mực xào ớt ngọt, mắm cá
lóc kho tiêu…
Một vài người trong bàn ăn tấm tắc khen ngon, cho rằng không
thua gì thức ăn mặn (ăn mạng).
Và hình như phong cách
ăn uống kiểu này đang khá phổ biến tại các chùa, bây giờ đi nhiều chùa chúng ta
dễ bắt gặp trong các bữa ăn hình ảnh những con gà, con tôm, con mực…được làm giả
từ bột tàu hủ. Thật sự nó không lớn lắm để chúng ta phải suy ngẫm, lo lắng, để
rồi trăn trở về một thói quen hằng ngày trong các bữa ăn, vì xét đến thì gọi là
“chấp”, người tu không chấp vào hình ảnh, vả lại nó lại được chế biến từ bột
thì không vướng vào tội sát sinh theo đúng lời Phật dạy là được, do đó trào lưu
chế biến món ăn này hình thành ngày càng “thịnh vượng” đến mức người ta không
còn suy nghĩ về nó.
Ăn chay theo ý nghĩa Phật giáo là hạn chế sát sanh, nuôi dưỡng lòng từ bi, tạo tính công bằng cho muôn loài. Nên nhiều người cho rằng, ăn chay như thế nào cũng được, miễn rằng không sát sinh.
Nhưng nếu xét ở một
khía cạnh khác, thì thật sự trăn trở.
Một món heo thịt quay bánh hỏi được làm từ bột thực vật |
Vấn đề ở đây cần xét
thêm nữa, đó là tại sao chúng ta tạo ra những hình ảnh con vật đáng thương đó
trong bữa ăn của chúng ta? Có phải chúng ta chỉ ăn chay vì muốn “lấy điểm” với
Đức Phật mà lòng từ bi vẫn chưa rốt ráo? Chúng ta vẫn còn “thèm”, hay vẫn còn “ham”
những món ăn này ngoài đời?
Sẵn đây, tôi muốn kể một câu chuyện cá nhân, có dịp sinh nhật đứa con gái một người bạn, tôi tặng bé một cái bánh kem có tạo hình dáng con heo, thế là sau sinh nhật bé vẫn để trong tủ lạnh đến 1 tuần không dám ăn, biết chuyện tôi hỏi bé, bé trả lời: Con thương con heo quá! – Tôi chợt thấy có lỗi và thương bé vô cùng. Rõ ràng ở đây, lòng từ bi của bé đã chiến thắng nổi thèm thuồng, sự hấp dẫn của món bánh kem đó.
Hình ảnh bánh kem có hình dáng chú heo, được các em nhỏ rất yêu thương |
Quay lại câu chuyện của
chúng ta, hình như đạo Phật đã ngày càng bị “đời hóa”, “xã hội hóa”…ngay cả
trong các bữa ăn. Không cớ gì chúng ta lại dễ dàng chấp nhận cho việc tạo hình
những con vật trong một bữa ăn chay, dù biết nó được làm từ bột thực vật. Vấn đề
“vọng tâm” ham muốn vẫn còn ở chúng ta, ít nhất là tưởng tượng ra hình ảnh những
con vật này trong khi ăn để đỡ ngán hơn.
Những người mang trọng
trách truyền bá chánh pháp cần quan tâm đến vấn đề này, dù nhỏ nhưng nó là một
biểu hiện của việc “đời chen chân vào đạo” mà đáng ra chúng ta phải “đem đạo
vào đời”, phải “Phật giáo hóa” các bữa ăn của người đời thì chúng ta lại làm
ngược lại. Mong rằng hãy gìn giữ sự tinh
sạch của mọi biểu hiện trong đạo pháp, cho dù chỉ là hình thức bên ngoài.